Giáo dục

Trường đại học đuổi hàng nghìn sinh viên là cần thiết

Một số chuyên gia nhận định việc sinh viên bị buộc thôi học do yếu kém có nhiều nguyên nhân và đây là quá trình cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Trong tháng 10, ĐH Luật TP.HCM buộc thôi học 112 sinh viên hệ chính quy vì kết quả học tập kém, nhiều em khác rơi vào tình trạng “báo động đỏ” khi bị cảnh báo học vụ hoặc đình chỉ học một năm.

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dự kiến cảnh báo học vụ 579 sinh viên và buộc thôi học 35 em có điểm trung bình học tập thấp.

Lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết mỗi năm, trường buộc thôi học từ 700 đến 800 sinh viên do không đảm bảo việc học. Nhiều trường đại học khác cũng có động thái tương tự.

Siết đầu ra - câu chuyện được xem là rất bình thường ở các trường đại học ở nước ngoài - bây giờ mới được nhiều đại học ở Việt Nam chú trọng.

Sinh viên đạt kết quả kém do đâu?

Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP.HCM từng chia sẻ đuổi sinh viên là điều không mong muốn và “bất đắc dĩ trường mới thực hiện như vậy”.

ĐH Luật TP.HCM vừa buộc thôi học hơn 100 sinh viên có kết quả học tập kém.

Thực tế, việc cảnh báo học vụ hay buộc thôi học được quy định tại Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo tín chỉ. Sinh viên bị buộc thôi học nếu bị cảnh báo học vụ hai lần liên tiếp.

Tùy theo đặc điểm của từng trường, hiệu trưởng sẽ quy định áp dụng một hoặc hai trong ba điều kiện sau đây để cảnh báo kết quả học tập của sinh viên:

Điểm trung bình chung dưới 1,2 đối với sinh viên năm nhất, dưới 1,4 đối với năm hai, dưới 1,6 đối với năm ba hoặc dưới 1,8 đối với các năm tiếp theo và cuối khoá.

Điểm trung bình chung học kỳ dưới 0,8 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1 đối với các học kỳ tiếp theo.

Tổng số tín chỉ của các học phần bị điểm F còn tồn đọng tính từ đầu khóa học đến thời điểm xét vượt quá 24 tín chỉ.

Ngoài ra, quy chế cũng quy định thời gian đào tạo tối đa. Sinh viên không hoàn thành chương trình học trong thời gian đó sẽ phải thôi học.

Trao đổi với Zing.vn, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên bị đuổi học vì kết quả học tập kém.

Nguyên nhân thứ nhất nằm ở công tác tuyển sinh. Nhiều em đủ điểm vào đại học nhưng học được chương trình đại học hay không mới là điều quan trọng. Ông nói thêm vấn đề còn nằm ở chỗ liệu chương trình đào tạo, hệ thống đánh giá, đo lường của trường có chuyển hay không.

Ngoài ra, sinh viên không bắt kịp chương trình, dẫn đến kết quả kém một phần do các trường nước ta chưa có cố vấn học tập để định hướng cho bạn trẻ. Ông dẫn ví dụ ở Mỹ, các trường có cố vấn, hỗ trợ sinh viên chọn tín chỉ phù hợp năng lực của bản thân và chuyên ngành mình chọn.

“Các trường cần nghiên cứu xem sinh viên bị buộc thôi học thường rơi vào năm nào để xác định nguyên nhân cụ thể”, TS Vinh nói.

Các trường ở nước ta thiếu cố vấn học tập để định hướng cho sinh viên.

Trong khi đó, TS Trần Vinh Dự (tốt nghiệp ĐH Texes ở Austin, Mỹ), tình trạng này còn xuất phát từ việc bộ quản lý chỉ tiêu bằng phôi bằng. Ông lý giải giả sử bộ cấp cho trường khoảng 1.000 phôi bằng. Trường có thể tuyển nhiều thí sinh hơn rồi thực hiện siết đầu ra.

Trong quá trình đào tạo kéo dài 3-4 năm, trường loại bớt những sinh viên có kết quả kém. Như vậy, quá trình sàng lọc này giúp đại học vừa đảm bảo chất lượng đầu ra vừa tuân thủ quy định của bộ về chỉ tiêu đào tạo.

Học kém, sinh viên nước ngoài bị đuổi hoặc tự bỏ học

Ở nước ngoài, việc sinh viên bị thôi học hoặc chủ động bỏ học vì kết quả kém không phải chuyện hiếm lạ. Năm 2015, hơn 8.000 sinh viên người Trung Quốc bị các đại học Mỹ đuổi học vì điểm kém hoặc gian lận thi cử.

Trên thực tế, để đảm bảo chất lượng đào tạo và giữ vững uy tín của trường trong xã hội cũng như người sử dụng lao động, các trường phải thực hiện nghiêm túc công tác quản lý đào tạo và siết chặt đầu ra.

Trang State University thống kê 10 nguyên nhân phổ biến dẫn tới việc bị đuổi học, trong đó bao gồm hành vi đạo văn, gian lận thi cử và kết quả học tập kém.

Theo đó, nếu không đủ tiêu chuẩn để hoàn thành khóa học, sinh viên phải học lại. Trường hợp điểm trung bình chung học tập quá thấp, thường là từ điểm D trở xuống, sinh viên sẽ nhận cảnh báo học vụ. Nếu người đó không thể cải thiện kết quả học tập, trường sẽ đưa ra quyết định thôi học.

Nhiều trường có quy định rõ ràng về việc này. Ví dụ, từ năm 2013, ĐH Idaho quy định sinh viên năm nhất sẽ bị đuổi học ngay lập tức nếu điểm trung bình của học kỳ đầu tiên đạt dưới 1 (thang điểm 4).

Trước đó, trường này nêu rõ sinh viên đạt điểm trung bình dưới 2 sẽ bị cảnh báo, quản chế và buộc thôi học nếu không cải thiện kết quả trong học kỳ kế tiếp. Quy định này được áp dụng tại nhiều trường với mức điểm trung bình tối thiểu khác nhau.

Trên thực tế, việc siết đầu ra để góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo ở nước ngoài, bao gồm Mỹ, được thực hiện nghiêm ngặt.

Tỷ lệ trúng tuyển (màu xanh) và tỷ lệ tốt nghiệp của một số đại học, học viện ở Mỹ. Ảnh: Nguyễn Sương.

Ngoài ra, tỷ lệ trúng tuyển của các trường thường tỷ lệ nghịch với tỷ lệ tốt nghiệp. Chẳng hạn, ĐH Coastal Georgia chấp nhận khoảng 92% đơn đăng ký vào trường nhưng chỉ 15% số sinh viên tốt nghiệp. ĐH Dine nhận 100% thí sinh ứng tuyển và tỷ lệ tốt nghiệp chỉ ở mức 15%.

Ngược lại, ĐH Harvard tuyển sinh khắt khe với tỷ lệ trúng tuyển 5,4%. Đổi lại, 97% sinh viên trường này thuận lợi tốt nghiệp. ĐH Stanford chỉ nhận 4,6% và có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 93%.

Nhiều trường buộc sinh viên lưu ban đến khi đạt yêu cầu cần thiết để hoàn thành khóa học đó, hoàn toàn toàn không có chuyện châm chước để tất cả có thể lên lớp.

Trong khi đó, Nguyễn Xuân, du học sinh tại Nga, cho biết hầu hết trường ở nước này không đuổi sinh viên nếu họ đạt điểm kém. Áp lực học tập cùng việc bị lưu ban khiến nhiều sinh viên chủ động thôi học thay vì bị đuổi.

Tác giả: Nguyễn Sương

Nguồn tin: Báo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP