Quân đội Trung Quốc tập trận ở Djibouti (Ảnh: Sputnik) |
SCMP dẫn các nguồn tin cho biết sau khi căn cứ huấn luyện tại Afghanistan được hoàn thiện, quân đội Trung Quốc sẽ đưa hàng trăm binh sĩ, ít nhất là một tiểu đoàn (hơn 500 người), tới hành lang Wakhan.
“Hoạt động xây dựng căn cứ đã được khởi động và Trung Quốc sẽ triển khai ít nhất một tiểu đoàn binh sĩ, cùng các loại vũ khí và trang thiết bị, tới đồn trú ở đây, đồng thời huấn luyện cho phía Afghanistan”, một nguồn tin cho biết.
Nguồn tin không tiết lộ khi nào quân đội Trung Quốc sẽ chính thức khánh thành căn cứ ở Afghanistan. Đây được cho là “một dự án tốn kém nhưng quan trọng” của Trung Quốc.
Hành lang Wakhan là dải đất hẹp ít người ở và khó tiếp cận bằng đường bộ, trải dài 350km từ tỉnh Badakhshan ở phía bắc Afghanistan tới vùng Tân Cương, Trung Quốc. Tân Cương cũng là nơi Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động trấn áp các phần tử cực đoan người Duy Ngô Nhĩ trong những tháng gần đây.
Theo SCMP, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Trung Quốc duy trì hiện diện quân sự ở Afghanistan. Quốc gia Trung Á ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh của Trung Quốc, cũng như trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trung Quốc từng xây dựng căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti hồi năm ngoái. Bắc Kinh mô tả đây là căn cứ hậu cần quân sự giúp các tàu của Trung Quốc tiếp nhiên liệu khi các tàu này tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như nhân đạo ở Ấn Độ Dương.
Các nguồn tin cho biết quân đội Trung Quốc đã triển khai hơn một tiểu đoàn tới Djibouti, trong đó có nhiều kỹ sư và công nhân xây dựng cùng một số binh sĩ chiến đấu để tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật. Cũng theo các nguồn tin, căn cứ của Trung Quốc ở Afghanistan có vai trò khác với căn cứ ở Djibouti.
Vị trí căn cứ huấn luyện của quân đội Trung Quốc ở hành lang Wakhan (Ảnh: SCMP) |
Căn cứ huấn luyện tại hành lang Wakhan có vị trí gần Tân Cương - nơi được Trung Quốc xem là “cái nôi” của 3 lực lượng gồm chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Đây cũng là các lực lượng đứng sau một loạt vụ tấn công bạo lực tại Tân Cương trong những năm gần đây.
Hãng tin Ferghana News của Nga hồi tháng 1 đưa tin Trung Quốc muốn rót tiền vào một căn cứ quân sự mới ở Badakhshan sau khi bộ trưởng Quốc phòng nhất trí sẽ hợp tác cùng nhau trong cuộc chiến chống khủng bố. Khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ thông tin nói rằng nước này có kế hoạch xây dựng một “căn cứ quân sự” ở Afghanistan, thay vào đó Bắc Kinh chỉ có ý định cung cấp viện trợ để giúp quốc gia láng giềng trong các hoạt động hợp tác an ninh.
Chuyên gia quân sự Li Jie cho rằng Trung Quốc đang tự đẩy mạnh các biện pháp chống khủng bố, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn cần hợp tác với các nước khác ở Trung Á và Trung Đông.
“Nếu họ muốn xóa bỏ cái gọi là 3 lực lượng (ly khai, khủng bố, cực đoan), họ cần đi đến hang ổ của chúng và hạ gục chúng. Tuy nhiên do quân đội Trung Quốc không quen với địa hình và cuộc sống ở Afghanistan nên hợp tác song phương là cách tốt nhất để hai bên cùng đạt được kết quả”, chuyên gia Li nhận định.
Trung Quốc đã viện trợ quân sự hơn 70 triệu USD cho Afghanistan trong vòng 3 năm qua. Bắc Kinh lo sợ rằng tình trạng bất ổn tại Afghanistan có thể đe dọa tới các lợi ích kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí