Máy bay săn tàu ngầm Poseidon P-8 của Mỹ
Đó là nhận định của giới quân sự Trung Quốc được trang tin Bloomberg, Mỹ, đăng tải ngày 31/8. “Có vẻ còn quá sớm để thiết lập vùng nhận diện phòng không trên toàn thể Biển Đông vào thời điểm này, nhưng việc thiết lập một phần bao trùm vùng biển gần Hải Nam, nơi Trung Quốc có căn cứ tàu ngầm nguyên tử lớn nhất, là điều Bắc Kinh sẽ làm trong nay mai”- Yue Gang, một đại tá Trung Quốc đã nghỉ hưu tuyên bố trên Bloomberg.
Nếu Bắc Kinh thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở khu vực Hải Nam,thì máy bay quốc tế qua khu vực này phải thông báo trước cho nhà cầm quyền Trung Quốc. Đây sẽ là thách đố trực tiếp đối với Mỹ, vì lâu nay vẫn mở các cuộc do thám ở khu vực. Gần đây, trước tình hình căng thẳng hơn trên Biển Đông, Mỹ thông báo gia tăng các chuyến bay do thám để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc.
Mỹ coi vùng trời trên đảo Hải Nam như không phận quốc tế nhưng Bắc Kinh lại coi là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ. Ngày 19/8/2014 vừa qua, một chiến đấu cơ Trung Quốc bay sát chiếc máy bay săn tàu ngầm Poseidon P-8 ở khu vực gần đảo Hải Nam nhưng trong vùng biển quốc tế. Chiến đấu cơ Trung quốc còn bay ngửa để phi công Mỹ nhìn thấy các loại vũ khí. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, John Kirby, nói phi cơ Mỹ bay trong không phận quốc tế và cách biểu diễn của máy bay Trung Quốc là rất nguy hiểm.
Andrew Scobell, nhà phân tích chính trị tại tổ chức nghiên cứu nổi tiếng RAND nói với Bloomberg rằng một ADIZ trên vùng trời đảo Hải Nam sẽ làm tăng thêm mức báo động giữa các nước ở khu vực Đông Nam Á và cả Mỹ. Theo nhận định của ông, rất có thể Trung Quốc sẽ lập một thứ ADIZ giới hạn trên một vài khu vực Biển Đông trong tương lai gần.
Trước đây, Bắc Kinh tuyên bố lập vùng ADIZ ở khu vực biển Hoa Đông, vì Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) tranh chấp với Trung Quốc. Có nhiều lời đồn đoán Trung Quốc sẽ tiến hành lập khu vực ADIZ trên Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đó chỉ là “tin đồn” dù họ “có quyền tiến hành bất cứ biện pháp an ninh nào, kể cả ADIZ”.
Nhưng việc lập ADIZ cho toàn Biển Đông sẽ rất phức tạp vì trực tiếp liên quan đến các nước trong vùng. “Trung Quốc sẽ thận trọng khi lập ADIZ trên Biển Đông. Vấn đề chỉ còn là thời gian”- tướng Trung Quốc về hưu Từ Quang Dụ, nói.
Theo ý kiến của Peter Dutton thuộc Học viện Hải quân Mỹ, căng thẳng trên Biển Đông nếu tiếp tục leo thang sẽ đe dọa an ninh kinh tế cho toàn thế giới. Bộ Thương mại Mỹ ước lượng khoảng 79 tỉ USD hàng hóa được xuất sang Mỹ từ các nước Đông Nam Á trong năm 2013 trong khi nhập về khoảng 127 tỉ USD. Trong khi đó hàng hóa vận chuyển đi qua Biển Đông được ước lượng 5.3 nghìn tỉ USD trong năm 2011 trong đó có khoảng 1.2 nghìn tỉ USD mậu dịch với Mỹ.
Từ việc tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua cái “Lưỡi bò” đến các nỗ lực canh tân và gia tăng số lượng tàu chiến, tàu ngầm, khiêu khích Mỹ, chèn ép các nước nhỏ phía nam, Trung Quốc ngày càng làm cho thế giới thấy nguy cơ bất ổn lớn dần lên mãi.
Th.Long (Bloomberg)