Xã hội

“Trừ điểm” người vi phạm trên bằng lái: Tăng tiêu cực khi trao thêm quyền cho CSGT?

Đề xuất “trừ điểm” người vi phạm giao thông ngay trên giấy phép lái xe (GPLX) của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an đang gây nhiều tranh luận trái chiều. Có luồng dư luận ủng hộ cho rằng đó là giải pháp hay để răn đe vi phạm, nhưng không ít ý kiến lo ngại sẽ nảy sinh tiêu cực khi trao thêm quyền cho CSGT.

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT, hiện nay hình thức “phạt cho tồn tại” ở Việt Nam không còn phù hợp, mức phạt hành chính không đủ sức răn đe nên dẫn tới vi phạm tái diễn và đi ngược với xu hướng của thế giới. Với cơ sở dữ liệu được cập nhật trên hệ thống điện tử, việc “trừ điểm” GPLX sẽ hạn chế tiêu cực, người vi phạm cũng nâng cao ý thức chấp hành tham gia giao thông.

Thêm quyền sẽ thêm tiêu cực?

Nhiều người gửi ý kiến tới Dân trí thẳng thắn bày tỏ quan điểm, tránh tình trạng càng nhiều quyền càng... dễ tiêu cực. Bạn đọc Trần Văn Phưởng cho biết: “Tôi thấy rất hay, nhưng làm sao chống triệt để được tiêu cực? Nếu càng sát nút bị tước GPLX thì “chung chi” để được bỏ qua lỗi e rằng sẽ tăng lên rất nhiều. Mong xem xét lại để biện pháp này được toàn vẹn hơn”.

Nhiều người lo ngại sẽ nảy sinh tiêu cực khi CSGT có thêm quyền "trừ điểm" GPLX của người vi phạm (ảnh: Trung Kiên)

Theo bạn đọc Chính Hùng, bằng cách nào cũng có thể lách luật. Hiện nay có công nghệ điện tử phát triển, tất cả nhũng vi phạm đều có thể thống kê cụ thể nếu CSGT cập nhật liên tục các vi phạm của tài xế. Đương nhiên cần thông báo cụ thể rộng rãi luật trước để cảnh báo, sau đó mới thi hành bình thường. Khi nhiều người bị tước bằng lái vì vi phạm giao thông thì sẽ tự “răn” nhau và tạo hiệu quả tuyệt đối, lúc đó việc “trừ điểm” là hoàn toàn khả thi.

“Điều cần nhất và quan trọng nhất là CSGT khi làm nhiệm vụ đảm bảo hội tụ đủ tiêu chí về đạo đức lối sống và tác phong. Nếu phát hiện có cá nhân nào “tham nhũng vặt” thì cần xử lý công khai, minh bạch và mức xử lý phải đủ sức răn đe. Tóm lại làm cách nào cũng cần những CSGT liêm chính, đầy đủ tư cách người Công an nhân dân thì chắc chẳng cần mạnh tay gì dân chúng cũng tuân thủ nghiêm túc.” - anh Chính Hùng nói.

Cùng chung quan điểm nói trên, anh Đức Mạnh bày tỏ, nếu CSGT xử phạt “mạnh tay” đối với người vi phạm thì “CSGT phạt sai, ăn hối lộ phải đuổi ra khỏi ngành? Yêu cầu CSGT khi làm việc với dân phải bật bộ đàm và được ghi hình, dân có quyền ghi hình CSGT”.

Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc BTN khẳnh định: “Trừ kiểu gì thì cứ trừ, nhưng phải nên loại trừ hết việc CSGT nhận hối lộ mới tốt được. Còn làm theo kiểu các Nghị định, Thông tư nửa vời như các năm trước đây thì… hơi khó”.

Theo anh Nguyễn Đức Thành: “Trừ điểm cũng không ngăn chặn được tiêu cực, trừ khi lực lượng CSGT thực hiện nghiêm chỉnh chức năng, nhiệm vụ, không nhận lót tay, không chấp nhận bất cứ biểu hiện xin xỏ nào và đẩy mạnh việc phạt nguội… Xử lý thật nghiêm cả người vi phạm và CSGT nếu tiêu cực, với tinh thần thượng tôn pháp luật.”

“Tuyệt chiêu” phạt nguội!

Nhiều người đánh giá, ở nước ngoài khác với Việt Nam là rất hiếm khi thấy CSGT đứng ngoài đường, lực lượng CSGT chỉ xuất hiện trong trường hợp đặc biệt như hộ tống cấp cao, đèn tín hiệu bị lỗi hoặc hỏng. Những vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ... tất cả đều có hình ảnh ghi lại về biển số xe, thời gian vi phạm. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ có thông báo tới người vi phạm và yêu cầu nộp phạt.

Anh Nguyen Duy Tuyen nói: “Muốn trừ điểm thì nên làm bằng phạt nguội, không cần nhiều CSGT đứng ngoài đường”.

Phạt nguội được đánh giá là giải pháp xử lý vi phạm tối ưu và tránh được chuyện tiêu cực.

Khẳng định sự tối ưu của hình thức phạt nguội, anh Nguyễn Văn Cường cho rằng nên quản lý bằng camera, vừa minh bạch vừa hiệu quả: “Tôi sang Đài Loan, đi 5 ngày mà chỉ nhìn thấy 1 bác CSGT, người dân rất ý thức. Chỗ nào cũng có hệ thống camera theo dõi và chế tài về vi phạm giao thông là rất nặng, đến thời hạn nộp phạt mà không nộp thì mặc nhiên mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Trong khi người tham gia giao thông ở Việt Nam ai cũng muốn đi đầu và không quý trọng tính mạng của chính mình”.

Đề cập về việc xử phạt, anh Hồng Phú nêu quan điểm, cách phạt ở Việt Nam không khác gì “khuyến khích” vi phạm. Nếu muốn người dân tự đưa mình vào khuôn khổ thì chỉ có cách phải xử lý cứng rắn và mạnh tay.

“Theo tôi, đã vi phạm giao thông là bất phân trần với mọi lí do và không thể nương tay, bằng cách tịch thu bằng lái 1-2 tháng, thông báo trên toàn quốc, sau đó bắt buộc phải đi học lại luật và thi lại như người mới học và thi lần đầu. Nếu người nào cố tình vi phạm thì tịch thu vĩnh viễn, không cho thi lại; với xe máy thì tịch thu phương tiện, không giải trình lằng nhằng gì hết. Có như vậy thì may ra người dân mình mới có ý thức hơn trong việc tham gia giao thông, và xe nào vi phạm thì phạt xe đó, không cần biết người lái xe đó chính chủ hay không chính chủ vì bản thân cái xe không tự chạy ra đường được, do đó xe nào vi phạm thì cứ xe đó mà sử lý bằng cách trừ tiền qua tài khoản định danh cho xe.” - anh Hồng Phú nói.

Cùng chung quan điểm, anh Hồ Văn Quang cho rằng cần mạnh tay hơn nữa để tạo nề nếp: “Sao không áp dụng Luật vi phạm hành chính? Tức là CSGT lập biên bản kèm bằng chứng gửi về địa chỉ thường trú trên CMND và yêu cầu cơ quan tòa án nơi đó ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu người vi phạm thực hiện việc nộp phạt cũng như xử lý. Gửi giấy 3 lần không thực hiện thì tước GPLX vĩnh viễn, không được tham gia bất kỳ cuộc thi sát hạch bằng lái. Tôi tin cải thiện được nhiều. Việc gì thời gian đầu cũng khó, nhưng dần rồi cũng thành nếp hết, như việc đội mũ bảo hiểm vậy.”.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP