Nông Thôn Hà Tĩnh

“Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao”

Đó là sologan do nhóm thiện nguyện đặt cho dự án “Nhà chống lũ” – một dự án cộng đồng theo hình thức crowd-funding đang được triển khai tại các tỉnh miền Trung. Mục đích của dự án không chỉ là trao cho người dân một chỗ ở mà là cùng xây cho họ một tổ ấm, thông qua đó gắn kết tình yêu thương của cộng đồng.

Phạm Thị Hương Giang – thành viên BQL dự án cho biết, “trải qua nhiều đợt tiếp sức lương thực mùa lũ cho đồng bào vùng lũ, chúng tôi thấy cách giúp đó không hiệu quả. Bản thân người dân cũng mong muốn được hỗ trợ bền vững để họ có thể tự vượt qua mùa mưa lũ và chủ động ứng phó với nó. Chính vì vậy mà chúng tôi vận động các mạnh thường quân thay vì ủng hộ lương thực, thực phẩm hãy ủng hộ người dân có được ngôi nhà để an cư và từ đó khởi xướng chương trình “Xây nhà chống lũ” bởi “triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao”.


Người dân cùng tham gia xây dựng ngôi nhà cho mình

Sợ lũ là chuyện xưa cũ

Phạm Thị Hương Giang bắt đầu câu chuyện triển khai dự án “Nhà chống lũ” bằng câu chuyện nhóm thiện nguyện chứng kiến cảnh người đàn ông ở một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Quảng Nam thẫn thờ đứng trên cái nền nhà vừa bị lũ quét qua. Đó là mùa lũ năm 2010. Trận lũ ống tàn khốc năm đó đã quét sạch tất cả những gì nó đi qua. Hình ảnh đó cùng những con số thiệt hại được các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật như hơn 1.500 người chết, hơn 500 nghìn nhà hư hỏng hoặc bị lũ cuốn trôi chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây tại khu vực Bắc Trung bộ đã ám ảnh Giang cùng nhóm bạn suốt hành trình cứu trợ, dù sau mỗi trận bão lũ, nhiều tấm lòng vàng cả nước đã đến đây giúp người dân vượt qua sự tàn khốc của thiên tai.

Phải làm gì để người dân vùng lũ sống chung với lũ và an cư lạc nghiệp ngay trên con nước lũ chứ không thể cứ cứu giúp người dân cầm cự và chạy trốn lũ mãi được? Cuối năm 2013, câu hỏi đó đã có lời giải khi Jang Kều (nickname trên facebook của Hương Giang) tình cờ nhìn thấy trên facebook hình ảnh một ngôi nhà gỗ ở ngay vùng rốn lũ Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã có tuổi thọ 13 năm nhưng vẫn chắc chắn, an toàn. Ngôi nhà đó được đặt trên 6 cái trụ bê tông với chi phí chỉ hơn 11 triệu đồng (thời điểm đó) do Tiến sĩ Tống Trần Tùng – giảng viên Đại học GTVT – thiết kế và xây dựng tặng cho gia đình người hàng xóm với mục đích giúp họ gìn giữ căn nhà gỗ cổ. Thế là ý tưởng xây nhà chống lũ hình thành và một đề án chi tiết được xây dựng.

Mục tiêu của dự án là giúp người dân có một ngôi nhà chắc chắn để vừa ổn định sản xuất, sinh hoạt, vừa chủ động phòng ngừa thiên tai. Dự án cũng nhằm thúc đẩy các giá trị thiện nguyện bền vững, hướng đến giúp đỡ cộng đồng có được cơ sở vật chất ổn định và kiến thức vững chãi để phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.

Dự án chính thức được khởi động vào tháng 11/2013. Jang Kều cho biết, để gây quỹ triển khai dự án, nhóm thiện nguyện của bạn đã tổ chức các buổi biểu diễn gây quỹ, bán áo thun, gạch gốm dập nổi hình logo dự án, bán đấu giá các sản phẩm có giá trị do các nhà hảo tâm trao tặng… Gần 1 năm qua, thông qua các hoạt động này, quỹ xây nhà chống lũ đã có số vốn xấp xỉ 1 tỷ đồng. Ngày 6/12/2013, 5 căn nhà nhà xây 2 tầng đầu tiên đã được khởi công xây dựng tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Sau 35 ngày khẩn trương thi công, giữa tháng 1/2014, những hộ đầu tiên hưởng lợi từ dự án này đã dọn vào ở trong những căn nhà mới trước khi Tết về.


Đại diện nhóm thiện nguyện, chính quyền địa phương, nhóm xây dựng và vợ chồng bác Nguyễn Xuân Nghi bên ngôi nhà mới

Gia đình bác Nguyễn Xuân Nghi và vợ là Nguyễn Thị Xuân ở xóm Phúc Thịnh, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh – một trong 5 hộ được ở trong căn nhà chống lũ đầu tiên cho biết, với căn nhà 2 tầng này từ nay gia đình ông sẽ không phải chạy lên đồi sơ tán mỗi khi mùa lũ về nữa.

Anh Đặng Nhân Nghĩa ở thôn 2, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, gia đình anh thuộc diện hộ cận nghèo, thu nhập bình quân chỉ 600.000đ/tháng. Mặc dù vợ chồng anh lấy nhau đã lâu nhưng do nghèo nên vẫn phải ở tạm với mẹ và em. Nhà của mẹ anh lại ở gần sông Ngàn Sâu nên thường xuyên bị ngập sâu. Mỗi khi lũ về, nước dâng cao trung bình từ 1,5m tới 2m, ngập lút lên tận mái nhà nên gia đình anh phải đưa con nhỏ và đồ đạc, trâu bò lên vùng cao để tránh, rất cực. Giờ có Nhà chống lũ nên sẽ yên tâm đón lũ chứ không còn cảnh phải chạy lũ nữa.

Đến nay, dự án đã xây dựng được 54 căn nhà chống lũ (35 căn nhà gạch 2 tầng và 19 căn nhà phao) tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Với những hộ đã vào ở trong những căn nhà chống lũ như bác Nghi, anh Nghĩa thì đúng là “sợ lũ chỉ là chuyện xưa cũ”.

Cùng xây tổ ấm

Khác với các chương trình khác, dự án Nhà chống lũ không thực hiện theo kiểu chìa khóa trao tay mà triển khai theo mô hình 4 bên: nhà từ thiện, nhà thầu, người hưởng lợi và chính quyền địa phương. Nhà từ thiện sẽ tìm cách gây quỹ và quản lý quỹ; sẽ lên kế hoạch khảo sát, đánh giá địa bàn cần hỗ trợ; cùng đối tác địa phương tổ chức họp cộng đồng để lựa chọn, bình bầu hộ gia đình nhận hỗ trợ… Tiêu chí chọn hộ để hỗ trợ là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đông nhân khẩu và nhà nằm ở vùng thường xuyên bị ngập lụt nặng. Người hưởng lợi sẽ cùng các KTS tham gia thiết kế căn nhà theo đúng nhu cầu sử dụng của mình; đóng góp 50% kinh phí được quy đổi bằng vật liệu, nhân công… Nhà thầu thi công không tính lãi. Chính quyền địa phương sẽ tham gia giám sát.


Nhà gạch 2 tầng của gia đình chị Lê Thị Hồng (thôn Đại Thịnh, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn) được xây cạnh căn nhà cũ

Đối với nhà gạch 2 tầng, chỉ áp dụng ở nơi bị lũ dâng, lũ ngâm và mực nước lũ lịch sử dưới 2,5 m. Những ngôi nhà này sẽ được xây kiên cố phần móng, cao từ 2,8 – 3m để chống chọi được với lũ dâng. Giá trị ngôi nhà khoảng 50 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 50%, phần còn lại người dân đóng góp bằng công sức, tiền của và vật liệu.


Mô hình nhà phao

Riêng mô hình nhà phao chống lũ sẽ được áp dụng ở những nơi thường bị lũ dâng với mực nước cao trên 3m. Những căn nhà này được thiết kế 6 trụ bê tông có móc nối dây. Dưới sàn là các thùy phuy (tùy cân nặng của từng căn nhà mà sử dụng số lượng thùy phuy tương ứng). Khung được thiết kế vuông góc với sàn, có vách bằng gỗ được nẹp bằng thanh nẹp chuyên dụng nhằm giảm tối đa sức phá của gió và mái được nẹp tole. Giá trị ngôi nhà khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ khoảng 10-12 triệu đồng. Mục tiêu năm 2014, dự án sẽ xây được 100 ngôi nhà chống lũ cho người dân hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Sau đó, dự án sẽ tiến hành khảo sát để triển khai xây dựng nhà phao cho đồng bào miền Tây Nam Bộ vào năm 2015.

Song song với việc xây nhà, dự án còn tuyên truyền nâng cao năng lực sống an toàn, chủ động giảm nhẹ tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu cho người dân bằng cách nói chuyện trực tiếp hay bằng bộ sản phẩm trực quan như truyện tranh, game với chủ đề “Không còn sợ lũ”. Được biết, trung tuần tháng 10 năm nay, dự án sẽ tổ chức các buổi event để thu hút sự quan tâm của xã hội và gây quỹ Xây nhà chống lũ cho các năm sau.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thiên tai thường xảy ra tại khu vực Bắc Trung bộ và ven biển miền Trung với tần suất cao, cường độ mạnh, diễn biến khó lường, gây thiệt hại nặng về người và tài sản cho người dân nên Chính phủ cũng đã có Ðề án phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho các tỉnh miền Trung nhằm hỗ trợ các hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó lũ, lụt thông qua việc xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt kết hợp nhà ở. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ 40 nghìn hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh lũ, lụt cho 14 tỉnh khu vực miền Trung với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.

Nguyên Bình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP