>> Can Lộc: Cảm phục học sinh mù 8 năm liền học giỏi
Lần trở lại thôn Liên Tân, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) lần này, chúng tôi đang thấy Hoàng cặm cụi, thích thú bên những cuốn sách mới, vở mới. Em đang tất tưởi chuẩn bị cho một năm học mới sắp đến. Thấy chúng tôi, Hoàng liền vội vã chạy ra khoe “năm nay con có nhiều sách mới, có nhiều người tặng con sách lắm”.
Thấy cậu học trò hớn hở với niềm vui sướng mà đối với nhiều người là quá đỗi bình thường khiến ai cũng thấy chạnh lòng.
Hoàng là người con thứ 2 trong gia đình có 2 chị em. Ngay từ lúc sinh ra, em đã bị người bố ruột của mình bỏ rơi. Em lớn lên trong sự thương yêu của mẹ, của bà và của người chị gái.
Trớ trêu thay, sự bất hạnh vẫn cứ bám riết lấy tuổi thơ em và dường như cuộc đời này vẫn còn muốn lấy của em nhiều thứ nữa. Năm lên 5 tuổi, đôi mắt sáng quắc của em bỗng nhiên mờ lại. Em đã được đưa đi khám ở khắp mọi nơi nhưng vì không có tiền để chữa trị đến nơi đến chốn khiến cho đôi mắt của em mãi mãi không nhìn thấy ánh sáng được nữa. Thoạt nhìn ít ai biết được em bị mù nhưng gần 10 năm qua em phải sống chìm trong bóng tối.
Với nghị lực của bản thân và sự giúp đỡ của bạn bè, suốt 8 năm liền cậu bé Trần Đức Hoàng vẫn đều đặn cắp sách đến trường. Cậu bé Mù đã làm nức lòng gia đình, thầy cô, bạn bè với vô số danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến.
“Em bị bong võng mạc nhưng nhà không có tiền nên không thể chữa trị theo lịch của bác sỹ được nên giờ em nó ra nông nỗi như thế…” chị Sen với khuôn mặt hốc hác, đen sạm tỏ ra ân hận vì đã không thể cứu lấy đôi mắt của con.
...
Tưởng rằng cuộc đời của em như cánh cửa đã khép, thế nhưng bằng nghị lực phi thường em đã làm nên những điều tưởng chừng như không thể. 8 năm qua em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Và đó có lẽ là món quà Hoàng âm thầm tặng mẹ, người đã phải chịu bao đắng cay, khổ cực để nuôi nấng 2 chị em Hoàng. Vì đôi mắt của em không thể thấy nên phải học bằng chữ nổi Braille. Và cũng từ đó, bao nhiêu khó khăn, vất vả khiến nhiều lúc Hoàng như muốn từ bỏ tất cả.
“Cả lớp chỉ có mình em là học bằng chữ Braille. Sách bằng chữ Braille hầu như không có, em phải tiếp thu bài ngay trên lớp, cố gắng chép kịp theo lời thầy cô giảng. Có nhiều lúc em không thể nào ghi kịp được”, Hoàng tâm sự.
Hoàng mơ ước trở thành một người thầy để giúp đỡ, đồng hành với những em học sinh có hoàn cảnh giống mình. Thế nhưng với điều kiện gia đình khó khăn, cả 4 miệng ăn chỉ dựa vào mấy sào ruộng khoán, trong đó người bà ngoại thì đã già yếu, chị gái thì năm 4 đại học nên giấc mơ của Hoàng đang hết sức chông gai.
Sau khi hoàn cảnh của em Hoàng được đăng tải trên báo Dân trí đã có rất nhiều bạn đọc, các nhà hảo tâm đã đồng cảm, chia sẻ cùng với em. Trong tuần đầu tiên, thông qua Quỹ nhân ái của báo Dân trí, các bạn đọc đã ủng hộ được hơn 32 triệu đồng.
Phóng viên Báo điện tử Dân trí cùng đại diện Huyện ủy Can Lộc, chính quyền xã Thượng Lộc trao 32.530.000 đồng của các nhà hảo tâm đến em Hoàng
Đón nhận những tấm lòng của bạn đọc, chị Nguyễn Thị Sen (mẹ Hoàng) hết sức xúc động: “Nếu không có quý báo, không có các nhà hảo tâm, các bạn đọc của báo Dân trí chia sẻ, động viên kịp thời thì chắc con đường học tập của cháu còn gian nan lắm. Đó là một sự động viên rất lớn cho cháu và gia đình để cố gắng vượt qua những khó khăn phía trước. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các bạn đọc, các nhà hảo tâm và báo Dân trí”.
Chị Sen, mẹ em Hoàng hết sức cảm động, bày tỏ lời cảm ơn chân thành các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ đứa con bất hạnh của chị
Cùng đi với đoàn có đồng chí Bùi Sỹ Hà, Phó Chánh văn phòng Huyện ủy Can Lộc. Chứng kiến hoàn cảnh quá khó khăn và những kết quả học tập mà Hoàng đạt được, ông Hà hết sức xúc động. “Hoàng thực sự là một tấm gương sáng cho không chỉ các cháu trong lớp, trong trường mà còn cho tất cả mọi người. Thay mặt chính quyền địa phương, chúng tôi bày tỏ lòng cảm ơn chân thành nhất tới các bạn đọc, các nhà hảo tâm và báo Dân trí. Báo Dân trí thực sự là cầu nối hiệu quả, thiết thực giữa những nhà hảo tâm với các hoàn cảnh khó khăn” – ông Hà bày tỏ.
Xuân Sinh – Văn Dũng