Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM vừa có công điện khẩn gửi các sở ngành về diễn biến và phương án ứng phó đối với cơn bão số 9 đang tiến vào đất liền.
Cụ thể, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ Hàng hải TP, UBND huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đang hoạt động trên biển, ven biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn. Lệnh cấm tàu, thuyền xuất bến hoạt động trên biển, ven biển cũng sẽ có hiệu lực kể từ 13 giờ, ngày 23-11.
Các tàu thuyền ở huyện Cần Giờ không được phép ra khơi kể từ 13 giờ trưa nay |
Các đơn vị liên quan có trách nhiệm thông báo cho các chủ phương tiện về diễn biến của bão số 9 để chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh, ứng phó; khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn trước ảnh hưởng của bão. Đặc biệt, cơ quan chức năng tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, sở - đáy, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển.
Bộ Tư lệnh TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP và Công an TP duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động. Cảng vụ Hàng hải TP hướng dẫn, sắp xếp các tàu vận tải, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đi qua luồng hàng hải trên vùng biển Cần Giờ tìm nơi tránh trú, neo đậu an toàn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết các phương án ứng phó với bão số 9 đã được huyện triển khai xuống các xã từ hôm qua, trong đó có cả phương án di dân. Theo đó, phương án di dân sẽ được thực hiện kể từ 13 giờ ngày 24-11, khi UBND TP có chỉ đạo thì huyện sẽ triển khai ngay.
Theo Bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia: hồi 4 giờ ngày 23-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,9 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, cách đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 24-11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 230km về phía Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 130km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ vàmiền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 25-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Tác giả: Sỹ Đông
Nguồn tin: Báo Người lao động