TP Hà Tĩnh

TP Hà Tĩnh: Nhọc nhằn nghề hát rong

Vài năm trở lại đây, tại TP Hà Tĩnh xuất hiện khá nhiều nhóm hát rong. Thay vì hình ảnh quen thuộc hát rong ngày xưa với chàng mù và cây sáo hoặc cây đàn ghi ta là hình ảnh những chàng trai với một xe đẩy loa thùng, đĩa nhạc nền thu sẵn và micro.

Mỗi nhóm có từ 2-3 thành viên, họ có khi là người tàn tật, có khi là thanh niên thất nghiệp và thậm chí có cả sinh viên ra trường chưa xin được việc làm…


Tàn tật nhưng không lê lết xin ăn


Hầu hết những nhóm hát rong mà tôi gặp tại các điểm công cộng như nhà hàng, quán nước, chợ… trong thành phố đều có những thành viên bị dị tật. Nhóm thường có 3 người với sự phân công nhiệm vụ rõ ràng: 1 người đẩy xe, 1 người hát và 1 người đi xin tiền.


T.V.T – thành viên một nhóm hát rong chuyên hoạt động ở khu vực chợ Bắc Hà cho biết: “Trước đây, em đi đánh giày cũng kiếm được kha khá nhưng lớn rồi cũng ngại. Đang tính tìm cách khác kiếm tiền thì em vô tình gặp H., H. bị khuyết tật ở tay rất khó khăn trong lao động nhưng lại có giọng hát khá ổn, thế là em nảy sinh ý định lập nhóm hát rong. Hai đứa chung tiền được hơn 2 triệu đồng và tìm đến những hàng loa máy cũ để mua đồ nghề rồi bỏ ra mấy ngày tập hát các ca khúc thời thượng. Ngoài việc đi hát kiếm tiền ở chợ này, buổi tối bọn em lại rong ruổi qua các quán nước chè. Mỗi ngày lao động cật lực với khoảng vài chục bài hát, 2 đứa kiếm được từ 100-200 nghìn đồng”.


Không giống với một số người tàn tật cố tình hóa trang cho thảm thương để xin tiền, những nhóm hát rong với các thành viên bị tàn tật đang lao động thực sự và họ đã phần nào thay đổi được cảm giác của người cho. Chị Quỳnh (phường Bắc Hà) cho biết: “Có hôm mình đi chợ và nghe một cô bé mù hát bài “Gọi tên bốn mùa” của Trịnh Công Sơn hay quá, bèn “thưởng” cho cô bé và nhóm hát 20.000 đồng”.


Thông thường các nhóm hát rong thường chọn nhạc trẻ, nhạc thị trường để hát nhưng không ít các nhóm hát lại chọn những tình khúc vượt thời gian. Và không phải chỉ những ca sỹ biểu diễn trên sân khấu mới gây nhiều xúc cảm cho người nghe mà những nhóm hát rong với cách hát hoàn toàn bản năng lắm khi lại mang đến những xúc cảm khó phai.


Chị Thủy (phường Thạch Quý) cho biết: “Có lần đi trên đường và nghe một cậu bé hát “Huế tình yêu của tôi” đầy da diết. Mình từng có quãng thời gian học đại học ở Huế, nghe cậu bé hát, bao nhiêu kỷ niệm bỗng ùa về. Chẳng đừng được, thế là dừng xe vẫy cậu bé lại cho tiền”. Đó là những lần hiếm hoi các nhóm được cho tiền một cách hậu hĩnh, còn nữa thì chỉ có 1.000-2.000 đồng… Chăm nhặt chặt bị, mỗi tháng chi tiêu tằn tiện, trừ các chi phí, nhiều thành viên còn có tiền gửi về giúp cha mẹ nuôi em.


Thất nghiệp… hành nghề hát rong


Thời gian gần đây, số lượng các nhóm hát rong tại địa bàn thành phố tăng lên đáng kể. Bên cạnh những nhóm hát của người khuyết tật, người ta bắt gặp khá nhiều nhóm thanh niên bảnh bao, ăn mặc đẹp, thời trang. Họ chính là những thanh niên thất nghiệp. “Phong trào” này chỉ mới xuất hiện tại Hà Tĩnh khoảng hơn 1 năm nay. Không nhận được sự cảm thông của mọi người như những nhóm khuyết tật, “đồ nghề” những nhóm hát này thường có thêm tăm tre và các phong kẹo hay hộp bút. Bằng cách vừa hát vừa bán hàng “giá cao”, họ đã “xin” được tiền mà lại tránh được phần lớn sự coi khinh của người đời.


Q.K – thành viên một nhóm hát chuyên hoạt động trên đường Hàm Nghi cho biết: “Nhóm em có 3 người, quê ở Kỳ Anh, học xong cấp 3, bọn em cũng đã vào Nam làm thuê nhưng vất vả quá không chịu được đành rủ nhau về quê. Đang chờ đợi tìm việc thì em đọc được thông tin về những gánh hát rong của những người thất nghiệp ở các thành phố lớn, thế là rủ thêm 2 bạn nữa đầu tư mua máy móc ra thành phố thuê nhà trọ ở để hành nghề. Mỗi ngày, công việc của chúng em bắt đầu từ khoảng 6h sáng tại các quán cà phê và kết thúc vào tầm 11h đêm khi các quán nước, quán nhậu nghỉ phục vụ”.


Không giống như nhóm của Q.K, nhóm của L.N. lại gồm những sinh viên ra trường chưa xin được việc làm. Hôm gặp nhóm đi hát và bán kẹo ở các quán nước chè khu vực công viên Trần Phú, có người bạn tôi hỏi sao đẹp trai, bảnh bao thế mà lại đi hát rong. Rất thật thà, L.N. cho biết: “Bọn em học Trường Đại học Hà Tĩnh, ra trường rồi chưa có việc làm bèn nghĩ cách này để nuôi sống bản thân chờ ngày có việc”.


Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Tĩnh, nhóm hát rong của sinh viên thất nghiệp khá nhiều và cách để nhận biết chính là qua trang phục bảnh bao và những kiểu đầu tóc khá thời trang. K.V – thành viên nữ một nhóm hát rong của sinh viên thất nghiệp cho biết: “Ban đầu bọn em cũng ngại lắm bởi cảm giác mình đi xin của bố thí nhưng dần dà rồi cũng quen. Em đảm nhận phần hát nên đỡ hơn bạn phụ trách xin tiền và bán kẹo. Mấy đứa thường động viên nhau là mình cũng lao động chứ có đi xin đâu, ai cảm động thì cho, thì mua hàng không thì thôi còn những thái độ dè bỉu, coi thường thì đành chấp nhận. Đi hát để nuôi sống mình chờ ngày xin được việc làm đâu có gì xấu”.


Thời kỳ đầu thu nhập kha khá, nhưng hiện nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhóm hát, thu nhập của họ cũng chẳng được là bao. Mặc dù không có quy định nhưng các nhóm vẫn tự hiểu ngầm với nhau về địa bàn hoạt động. Và đáng lẽ ra trước đây mỗi ngày có thể kiếm được ba, bốn trăm, thậm chí tiền triệu nhưng giờ giỏi lắm mỗi ngày một nhóm chỉ kiếm được trên dưới vài trăm nghìn. Thậm chí nhiều nhóm đã phải bỏ thành phố về hoạt động tại địa bàn các huyện hoặc giải tán tìm việc làm khác.


Lời kết


Hát rong là một “nghề không có nghiệp”. Bất kỳ ai phải chọn công việc này cũng đều có những lý do bất khả kháng. Ai cũng mong muốn một việc làm ổn định, đàng hoàng nhưng cuộc sống vốn dĩ không mở rộng vòng tay với tất cả mọi người. Vì lẽ đó, khi ngang qua những giọng ca, những bàn tay chìa ra xin tiền, nếu không thể cho xin bạn đừng dè bỉu hay miệt thị. Hoặc giả nếu bất ngờ một giọng hát rong nào đó gọi dậy những xúc cảm trong lòng thì bạn nên dành phần thưởng cho họ…


Anh Hoài

Báo Hà Tĩnh

  Từ khóa: xin tiền , Nhọc nhằn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP