Năm 2014, khi sửa xong ngôi nhà 4 tầng, anh Nguyễn Hoài (Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định làm vườn sân thượng khoảng 25 m2. Anh làm nhà kính, chăng lưới, trộn đất, bón phân rất chăm chỉ, tận tâm. Nhưng sau một năm, vườn rau vẫn chưa thu hoạch được như mong muốn, anh Hoài thấy nản, nhiều người tới chơi nói, khu vườn giống như đồ chơi.
Vợ anh Hoài giúp chồng thu hoạch hàng bó rau muống của vụ hè. |
Tuy nhiên, hiện tại, vườn đã xanh tốt, rau trồng theo mùa, đủ ăn hàng ngày. Dưới đây là chia sẻ kinh nghiệm của anh Nguyễn Hoài:
Khi mới bắt đầu, tôi gặp khá nhiều trở ngại. Đầu tiên, tôi làm khung, giàn cho vườn khi nhà đã xây xong nên để tránh xây xước cho ngôi nhà là rất khó. Không gian vườn chật hẹp nên làm đến đâu phải dọn đến đấy. Thứ hai là gia đình không có dây tời, thang máy nên việc mang vác hàng trăm kg đất, phân bò hoại mục, trấu hun, xơ dừa lên tầng rất vất vả.
Khó khăn lớn nhất là sâu bệnh, đúng như các cụ nói "rau nào sâu nấy". Vào vụ hè, dù ít sâu bệnh hơn nhưng có rệp phấn trắng ở rau muống, rệp đen ở đậu đũa, nhện đỏ ở rau dền... Chỉ có mồng tơi, rau đay là ít bị bệnh. Vào vụ đông, có nhiều loại sâu hơn. Với các loại rau cải đều có thể bị rệp xanh, bọ nhảy, sâu tơ. Có những con sâu to bằng ngón tay út chỉ 2 đêm là có thể phá nát một vài m2 rau. Với su hào, nếu không biết bón thúc NPK kịp thời, sẽ không bao giờ có củ, chỉ có vặt lá xào mỡ.
Suốt một năm, lượng rau chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu và tôi bắt đầu nản. Khi thấy vườn èo uột, vợ con không nói gì nhiều, vẫn giúp đỡ. Nhưng nhiều người đến xem, chẳng may đúng lúc rau chưa xanh, tôi thấy thật xấu hổ.
Các loại sâu bệnh từng khiến anh Hoài đau đầu. |
Tôi suy tư rất nhiều và đúng lúc đang định bỏ cuộc thì chợt nghĩ: "Tại sao không tầm sư học đạo?". Qua những lần lang thang ở các cửa hàng bán hạt giống, tôi quen được một người bạn làm quản lý bếp ở nhà hàng và cũng giỏi trồng rau. Khi tôi đến xem vườn của anh, đúng là mùa nào thức nấy, riêng về rau ăn lá không bao giờ thiếu. Sau đó, anh giới thiệu cho tôi một người "bạn rau" khác ở Hà Đông. Từ đó đến nay, cả ba chúng tôi cứ rảnh là bàn chuyện rau trên mạng, dù ít cơ hội gặp mặt ngoài đời.
Hiện tại, tôi có thể chủ động được khoảng 70% lượng rau ăn hàng ngày, 30% còn lại là họ hàng ở quê gửi ra hoặc xin tạm của "bạn rau". Hai năm nay, nhà tôi gần như không mua rau ở siêu thị, ngoại trừ một số củ, quả không thể trồng vì diện tích vườn vừa phải.
Bạn nên thay đổi cây trồng liên tục, một khay vừa thu hoạch dền thì chuyển ngay sang mồng tơi, không trồng một loại rau 2 lần trong một khay trong 1 vụ. |
Từ những chia sẻ với bạn bè, tôi đã thấy mình đã mắc nhiều sai lầm khiến rau còi cọc.
Thứ nhất, vườn cần có nắng gió quanh năm, không có nắng, xin đừng trồng rau; đã có nắng nhưng lại lợp tôn, nhựa, kính thì cũng xin đừng trồng rau. Bởi trong mái kính, rau sẽ không lên được do không hấp thụ được khí trời, không có nắng mưa, chưa kể hiệu ứng nhà kính. Nếu nhà lưới càng cao, càng thoáng, rau càng lên nhanh.
Trước đây, vườn nhà tôi sâu bệnh tràn lan nên tôi quan tâm rất nhiều tới việc giải quyết dứt điểm vấn đề này. Tôi nhận thấy, để trị được sâu, 80% là phòng, 20% là chống.
Tôi chăng lưới inox 304 (lỗ đút vừa hạt gạo) nên hạn chế được khoảng 50% các loài sâu bướm, côn trùng, chuột, chim chóc phá hoại.
Trước khi trồng cây, tôi trộn đất với vôi bột, phơi trong vòng 10 ngày để diệt mầm bệnh. Sau đó, tôi tiếp tục trộn lượng đất trên với trấu hun, xơ dừa, phân bò tribat với tỷ lệ: 30-20-20-20, phun ẩm để 2 ngày sau bắt đầu gieo.
Tôi pha hỗn hợp ớt, tỏi, gừng (mỗi loại 100g) giã nát cho vào 0,1 lít rượu trắng đem ngâm vài ngày rồi lọc bỏ bã. Dung dịch chỉ dùng trong 10 ngày, để lâu sinh ra nấm hại rau. Rau lên tầm 10 ngày, tôi phun để xua kiến - đối tượng đem rệp lên vườn.
Để có rau ăn đều, thay vì trồng các loại rau quả nhìn đẹp mắt nhưng cần thời gian lâu, tôi chọn cây theo mùa. Vụ đông xuân, tôi canh tác các loại ngắn ngày (35-45 ngày) như cải chíp, cải bẹ, cải xoăn, xà lách, hành, mùi tàu, ngò tía, rau húng... Với vụ xuân hè, tôi chọn gieo hạt muống, rau dền, mồng tơi, rau lang, cải xoong, ngót Nhật...
Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian tham gia các diễn đàn trồng rau sạch sân thượng, gặp nhiều người để đưa ra quyết định có làm vườn hay không, học hỏi kinh nghiệm. Cuộc chơi góp phần chăm lo sức khỏe cho gia đình bạn nhưng không dành cho người thiếu thời gian, sự kiên nhẫn, chăm chỉ.
Tác giả: Nguyễn Hoài
Nguồn tin: Báo VnExpress