Cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn 3 năm
Cuộc chiến pháp lý giữa Philippines và TQ vẫn diễn ra trong suốt hơn ba năm qua, bất chấp sự vắng mặt tại tòa của TQ. Phía Philippines kỳ vọng HĐTT sẽ phủ nhận tính pháp lý của các yêu sách mà TQ dựa vào “quyền lịch sử” như yêu sách “đường chín đoạn” ở biển Đông; buộc TQ phải tuân theo quyền và nghĩa vụ của một thành viên UNCLOS; xác định 10 thực thể bị TQ chiếm trên biển Đông là đảo, đá, bãi nửa chìm nửa nổi hay bãi chìm – vốn quyết định quyền được hưởng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Manila còn kiện TQ can thiệp vào việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do hợp pháp của Philippines ở một số địa điểm thuộc biển Đông; có những hành động vi phạm nghĩa vụ về môi trường biển, ví dụ hút cát, bồi lấp, xây căn cứ lưỡng dụng (dân sự và quân sự) tại quần đảo Trường Sa.
Trái lại, TQ cho rằng nước này hoàn toàn có quyền từ chối bất kỳ phán quyết nào từ HĐTT liên quan đệ trình của Philippines. Thứ nhất, TQ giải thích rằng vấn đề “quyền lịch sử” mà Philippines khởi kiện thuộc phạm vi Bảo lưu 2006, nghĩa là loại trừ các tranh chấp về danh nghĩa lịch sử, vịnh lịch sử ra khỏi thẩm quyền của HĐTT. Mặt khác, Bắc Kinh một mực cho rằng đây là vụ kiện về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến việc phân định ai có chủ quyền tại một số thực thể ở biển Đông. Vì thế, HĐTT không có thẩm quyền xét xử. TQ còn tố cáo việc Philippines tự ý đưa vấn đề tranh chấp biển Đông ra tòa quốc tế là vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Dù tuyên bố bác bỏ vụ kiện nhưng thực tế TQ đã kêu gọi tập hợp các chuyên gia luật hàng đầu để tìm các giải pháp pháp lý khả dĩ nhưng gần như các chuyên gia TQ cũng thừa nhận khả năng thắng (nếu tham gia vụ kiện) là rất thấp. Trong khi TQ không tham gia vụ kiện nên gần như nước này không có không gian để có thể giải quyết vụ kiện bằng cách bảo vệ mình trước HĐTT và UNCLOS.
Phán quyết của Hội đồng trọng tài vụ kiện Philippines với TQ sẽ là một bước ngoặt mang tính pháp lý quan trọng liên quan tranh chấp biển Đông. Ảnh minh họa: AP
Chiến lược “ba mặt trận” phá hoại vụ kiện
Thất bại trên mặt trận pháp lý, TQ tiến hành đồng bộ hành động trên mặt trận ngoại giao, thông tin và trên thực địa để phá hoại phán quyết của HĐTT. Ngoài việc công kích vai trò HĐTT, TQ tiến hành các hoạt động mua chuộc một vài nước có nền kinh tế yếu kém bằng chính sách “ngoại giao nhân dân tệ” – sử dụng tiền và các gói đầu tư, viện trợ. Mặt khác, Bắc Kinh đe dọa rời khỏi UNCLOS nếu phán quyết HĐTT gây bất lợi cho nước này. Dù vậy, các phân tích cho thấy việc rời UNCLOS càng đưa TQ vào sự bế tắc, thiệt hại cả về uy tín lẫn tài chính, kinh tế. Nên đây chỉ là một “màn kịch” TQ dựng nên.
Trên mặt trận thông tin, TQ sử dụng chiến lược tuyên truyền thông tin ảo. Bộ Ngoại giao TQ trước thềm HĐTT đưa ra phán quyết phát thông báo hiện nay có ít nhất 60 quốc gia ủng hộ quan điểm của TQ – chống vụ kiện. Tuy nhiên, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, con số thật sự chỉ có tám (có cả các quốc gia không có biển và nền kinh tế vẫn còn kém phát triển như Afghanistan và Niger). Số còn lại hoặc là “phản pháo” TQ, hoặc vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm của họ.
Trên mặt trận thực địa, TQ tiến hành rất nhiều hoạt động làm gia tăng căng thẳng từ sau khi HĐTT quyết định thụ lý vụ kiện. Bắc Kinh tăng cường bồi lấp, xây dựng, thay đổi hiện trạng các thực thể; điều động phương tiện quân sự ra các khu vực tranh chấp nhằm đe dọa những bên liên quan.
Thượng tôn pháp luật lên tiếng
TQ và Philippines đều là thành viên của UNCLOS – vốn đề cao tính thượng tôn pháp luật (rule of law). Như vậy theo UNCLOS, TQ có nghĩa vụ tuân thủ những quy định công ước này, bao gồm việc thừa nhận phán quyết của HĐTT theo Phụ lục VII. Sau khi xem xét đệ trình 15 điểm của Philippines, quan điểm của TQ, lợi ích các bên thứ ba, HĐTT dựa vào những cơ sở pháp lý chặt chẽ theo UNCLOS đã tiến hành bác bỏ lập trường TQ đưa ra. HĐTT phán quyết có thẩm quyền xét xử đối với hai nhóm vấn đề: i) Xác định trạng thái của 10 thực thể tại biển Đông; và ii) Nghĩa vụ của TQ với môi trường biển.
Với nội dung thứ nhất, HĐTT sẽ trao quy chế vùng biển cho các thực thể chỉ dựa trên trạng thái tự nhiên của chúng chứ không phải trạng thái đã bị TQ thay đổi (thành đảo nhân tạo). Nhiều chuyên gia nhận định rất có thể HĐTT sẽ ra phán quyết đa phần các thực thể (trong 10 thực thể) là bãi nửa chìm nửa nổi, tức không được hưởng quy chế thềm lục địa, EEZ hay vùng lãnh hải nào cả. Phán quyết này quan trọng vì sẽ khiến các thực thể TQ đang bồi lấp, xây dựng sẽ “mất đi”, đúng hơn là không được thừa nhận một vùng thềm lục địa hay EEZ nào, gián tiếp làm suy yếu lập trường của TQ đối với các yêu sách vô lý như “đường chín đoạn”.
Về nội dung thứ hai, theo quy định của UNCLOS, việc xây đảo nhân tạo của TQ ở biển Đông là trái với nghĩa vụ về bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Rất có thể HĐTT sẽ tuyên bố TQ đáng ra nên tiến hành đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động của mình. Áp dụng án lệ, có thể HĐTT sẽ phán quyết TQ trước đó phải phối hợp và tham vấn trước với các quốc gia lân cận bị ảnh hưởng.
Những “mũi tên” bất ngờ đối với TQ
Một số chuyên gia nhận định HĐTT sẽ không đưa ra phán quyết đối với vấn đề các yêu sách dựa trên “quyền lịch sử”, tính pháp lý của “đường chín đoạn”. Bởi vì phía TQ chưa có những định nghĩa cụ thể về “quyền lịch sử” hay yêu sách “đường chín đoạn” để so sánh với nội dung Bảo lưu 2006 của TQ, từ đó xác định thẩm quyền của HĐTT. TQ cũng không tham gia vụ kiện để làm rõ quan điểm của họ về các nội dung nêu trên. Tuy nhiên, HĐTT sẽ thông qua quá trình tranh tụng để có thể xác định ý nghĩa thực sự của các yêu sách của TQ. Nếu HĐTT xác định được yêu sách “đường chín đoạn” của TQ không nằm trong phạm trù bị Bảo lưu 2006 loại khỏi thẩm quyền của HĐTT thì tính pháp lý của các yêu sách này sẽ bị phán quyết của HĐTT “tấn công” trực tiếp.
Nếu HĐTT vì liên quan Bảo lưu 2006 mà không thể có phán quyết về tính pháp lý yêu sách đường lưỡi bò thì quá trình tranh tụng cũng cho thế giới thấy yêu sách này của TQ rất mập mờ, không có những giá trị pháp lý. Liên quan đến nội dung tố cáo TQ can thiệp vào hoạt động Philippines trên biển, HĐTT phải xem xét bản chất các hoạt động của TQ có phải là quân sự hay không trước khi ra phán quyết. Ở nội dung này, có thể HĐTT yêu cầu TQ phải thận trọng hơn khi sử dụng chiến lược cưỡng chế trên biển trong khu vực đang tranh chấp.
Năm nước được cho phép là quan sát viên Báo Inquirer (Philippines) đưa tin ngày 7-7 (giờ địa phương), Tòa Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hiệp Quốc ở La Haye (Hà Lan) đã bắt đầu mở phiên tòa về đơn kiện của chính phủ Philippines. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tuần và không được công khai. PCA thông báo “sau khi nhận được những đề nghị bằng văn bản của các nước và tham khảo ý kiến từ các bên, tòa cho phép các nước Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản cử phái đoàn nhỏ đến tham dự với tư cách là quan sát viên”. Nhìn lại dòng sự kiện • Ngày 22-1-2013, Philippines đã nộp bản thông báo và tuyên bố khởi kiện để khởi kiện TQ theo các quy định của Phụ lục VII UNCLOS; • Ngày 19-2-2013, TQ đưa ra công hàm có nội dung từ chối vụ kiện của Philippines, tuyên bố TQ sẽ không tham gia vụ kiện; • 29-10-2015: Vì TQ và Philippines đều không chọn cơ chế giải quyết nên HĐTT theo Phụ lục VII UNCLOS mặc định sẽ giải quyết. HĐTT đã ra phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ kiện, quyết định xem xét giải quyết đối với 7/15 đệ trình của Philippines; • 12-7-2016: Sau thời gian tranh tụng, HĐTT đưa ra phán quyết cuối cùng. |
_________________________________
Tham khảo và tổng hợp từ: website PCA, Diplomat, Nationalinterest, SMP, Daisukybiendong…
ĐẠI THẮNG