Thể Thao Quê Nhà

Tiền vệ Phan Viết Đàn: “Đàn Hà Tĩnh”, nghề “ăn tay” & con đường bóng đá

theo Bóng Bá

Học xong cấp III, chỉ có 2 bàn tay trắng, Phan Viết Đàn đón xe đò vào TP.HCM, rồi xuống tận đất Mũi Cà Mau để mong kiếm được một cái nghề. Thế rồi, vào một buổi chiều chàng trai từng có ý định theo nghề mộc đã trở thành một cầu thủ bóng đá. Chuyện Đàn “Hà Tĩnh” của chúng tôi bắt đầu từ đó.
 hatin
Không có tài năng quá nổi bật nhưng nhờ khổ luyện và sự kiên nhẫn, Phan Viết Đàn đã từng bước trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trong màu áo các CLB như Kiên Giang, Đồng Tháp, Sanna Khánh Hòa.

NẾU KHÔNG CÓ NGÀY ẤY

Nhắc đến Hà Tĩnh những năm cuối thập niên 90, ngay lập tức người ta thường nhớ đến những phố thị sầm uất như Voi (Kỳ Anh), nơi mà không ít vị khách trên con đường thiên lý Bắc Nam phải thất kinh với vấn nạn “cơm tù”. Và mảnh đất này cũng nổi tiếng nhờ “tai tiếng” bởi những tệ nạn xã hội mà cánh lái xe vẫn rỉ tai nhau. Nếu thị trấn Voi chỉ cách Quảng Bình ngọn đèo Ngang, nơi mà thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan chỉ còn “mảnh tình riêng ta với ta”; thì huyện Nghi Xuân chỉ cách Nghệ An bằng… cây cầu Bến Thủy huyền thoại.
Nhà tiền vệ Phan Viết Đàn, người mà chúng tôi nhắc ở trên nằm ở Nghi Xuân. Nhắc đến Nghi Xuân thì chẳng ai lại không biết đến bãi biển Xuân Thành cách thành phố Vinh khoảng 13km và cách TP. Hà Tĩnh khoảng 40 km, nơi mà không ít cầu thủ của SLNA vẫn thỉnh thoảng đến “đổi gió”, bằng cách đón taxi đi trong đêm tối và họ chỉ về khi đại bản doanh đóng cửa.
Viết Đàn lớn lên bên những đồi cát, những dãy phi lao vun vút và nghe mùi mặn chát của biển khơi. Tuổi thơ của anh dữ dội, mà như tiền vệ này kể rằng: “Ngày ấy học xong cấp III rồi, nếu không đi học nghề gì đó có khi đi phụ hồ, làm cu li đâu đó để kiếm kế sinh nhai”.
Năm 18 tuổi, Viết Đàn nộp hồ sơ thi đại học ở TP.HCM, nơi mà anh có anh em họ hàng khá nhiều ở đây. Nhưng cuối cùng, nghiệp đèn sách chẳng đi đến đâu. Thế rồi, anh quyết định xuống Cà Mau một chuyến nữa để đi chơi cho biết và cũng để tìm kiếm một cơ hội. Và rồi…
Viết Đàn trong màu áo Kiên Giang

Viết Đàn trong màu áo Kiên Giang

HỌC NGHỀ “ĂN TAY”, RỒI RẼ QUA BÓNG ĐÁ

“Thi trượt đại học, về quê cũng chẳng biết làm gì, chẳng lẽ lại bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Một gã trai 18 như tôi xác định sẽ không về quê nữa, hoặc chỉ về khi đã có một cái nghề trong tay. Chính vì thế, tôi quyết định nhảy xe đò từ Sài Gòn xuống Cà Mau, nơi có chị gái đang sinh sống tại đây”.
Chưa định hình được mình sẽ làm gì, Viết Đàn quyết định xin học nghề mộc. Cái nghề mà trong giới vẫn nói với nhau là nghề “ăn tay”, bởi chỉ cần một giây bất cẩn thôi, người thợ sẽ mất đi ngón tay, cả bàn tay, thậm chí cả tính mạng như chơi. Nghề mộc cũng là một cái “nghề chọn người” nhưng có vẻ như Viết Đàn đã không được “tổ nghề” chọn. Bằng chứng là ít lâu sau đó anh đã rời nghề để theo nghiệp bóng banh.
Mọi chuyện là do khi xuống học nghề tại đây, Viết Đàn đã xin nhập hộ khẩu tại phường 5, thị xã Cà Mau. Sẵn có chút năng khiếu bóng đá, chàng trai người Hà Tĩnh đã được phường “bắt” đi đá giải của thị xã. Cũng chẳng biết thế nào, Viết Đàn đã lọt vào mắt xanh của HLV Dương Hữu Cường, người đã dẫn dắt đội Cà Mau lên giải hạng Nhất mùa giải vừa qua và hiện nay là Phó giám đốc Trung tâm TDTT Cà Mau.
Viết Đàn trong màu áo Đồng Tháp

Viết Đàn trong màu áo Đồng Tháp
Ông Cường kể với chúng tôi: “Lúc ấy, tôi thấy Đàn có một chút năng khiếu bóng đá. Dù không quá xuất sắc nhưng cậu ấy có thể hình và tư duy chơi bóng khá tốt thế là đưa lên thử. Nào ngờ cậu ấy đã chơi rất tiến bộ và được giữ lại tập cùng đội của tỉnh. Từ đá giải U21, giải hạng Ba, rồi hạng Nhì, Đàn đã gắn bó với chúng tôi cả 6-7 năm trời. Cho đến bây giờ, tôi vẫn xem cậu ấy là học trò cưng của mình. Hai thầy trò thi thoảng vẫn gặp nhau, lai rai và bàn chuyện xưa khá rôm rả”.
Còn Viết Đàn thừa nhận rằng: “Anh đến với bóng đá cũng là một cơ duyên. Hồi nhỏ tôi tự nhận thấy mình có đam mê bóng đá nhưng năng khiếu thì không phải hơn ai. Nếu ngày đó không xuống Cà Mau thì tôi đã không đến với bóng đá và chẳng có được như ngày hôm nay”.

TỪ NGHIỆP DƯ LEO LÊN… CHUYÊN NGHIỆP

Sau những năm tháng chơi bóng ở Cà Mau và chỉ quẩn quanh ở giải hạng Ba rồi hạng Nhì, Phan Viết Đàn đã có những ngã rẽ cuộc đời khi CLB TDC Bình Dương, lúc đấy đang chơi tại giải hạng Nhất, đưa về.
“Nói thật có nằm mơ ngày xưa tôi cũng chẳng dám nghĩ tới việc mình sẽ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Kể từ ngày đặt chân đến Bình Dương thì tôi biết đó là điều đã trở thành sự thật”, Viết Đàn bày tỏ cảm xúc.
Năm 2011, sau khi đội bóng đất Thủ bị xóa sổ, Phan Viết Đàn chuyển đến đầu quân cho Kiên Giang. Năm ấy, đội bóng vùng duyên hải Nam bộ đã làm nên câu chuyện cổ tích khi giành quyền thăng hạng V.League và Phan Viết Đàn là một trong những “công thần” của đội bóng. Đến mùa 2013, khi Kiên Giang bị “khai tử” thì cầu thủ gốc Hà Tĩnh đã chuyển đến chơi cho An Giang.
Nhưng số phận long đong, đại diện của miền Tây cũng đã phải xuống hạng. Cái duyên tiếp tục đưa Viết Đàn đến với Đồng Tháp ở mùa 2014. Trong một mùa bóng chơi xuất sắc, tiền vệ này đã cùng đội bóng xứ Tháp mười lên chơi V.League. Tuy nhiên, ngay sau đó, Viết Đàn đã đầu quân cho tân binh Sanna.KH và ở đó cho đến bây giờ. “Là một cầu thủ, tôi cũng chọn một bến đỗ có môi trường tốt để chơi bóng. Ở Khánh Hòa, tôi cảm thấy như ngôi nhà của mình vì thế mọi thứ đang trở nên tuyệt vời”, Viết Đàn không ngừng khen ngợi đội bóng phố Biển.
Viết Đàn không phải là một ngôi sao, anh cũng như bao cầu thủ bình thường khác đến với bóng đá và coi nó như cái “cần câu cơm”. Cầu thủ Hà Tĩnh cũng là một điển hình trong rất nhiều cầu thủ vượt lên hoàn cảnh để tìm một chỗ đứng trong con đường bóng đá chuyên nghiệp. Chúc mừng Viết Đàn bởi sự khổ luyện và sự kiên nhẫn của anh đang được đền đáp một cách xứng đáng!.
Vài nét về Phan Viết Đàn
Sinh năm 1987 tại Hà Tĩnh
2004 -2009: Cà Mau
2009-2010: TDC.BD
2011- 2012: Kiên Giang
2013: An Giang
2014: Đồng Tháp
2015-?: Sanna.KH
Hai người thầy nặng nợ ân tình
“Tôi mãi chỉ là một tay mơ nếu như không sự phát hiện dạy dỗ của thầy Dương Hữu Cường ở Cà Mau. Và tôi sẽ chẳng bao giờ được ra sân ở V.League nếu như không có sự uốn nắn, chỉ bảo từng li từng tí của thầy Đặng Trần Chỉnh ở Bình Dương. Họ là 2 người thầy mà tôi sẽ không quên suốt cuộc đời này”, Viết Đàn gửi lời tri ân đến những người thầy tuyệt vời của mình.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP