Chúng tôi tìm về thượng huyện Hương Khê, nơi đất cằn đá sỏi nhưng có loại quả đặc sản nổi tiếng khiến bao người Bắc, Nam mê đắm để tìm hiểu lý do. Về tới đây, gặp bất cứ ai khi nghe tôi nhắc hỏi bưởi Phúc Trạch cứ ngỡ tôi là người buôn bưởi, đều gạt đi và bảo với giọng buồn buồn: “Bưởi Phúc Trạch giờ có còn mấy đâu. Năm nay phải đợi đến tháng 9 vì bưởi ra hoa đậu quả muộn, nhưng cũng ít trái lắm”.
Rồi một chị hàng nước chỉ tôi vào gia đình bà Nguyễn Thị Mạo (74 tuổi, ngụ tại xóm 8, xã Phúc Trạch) – người hơn 40 năm gắn bó cuộc đời với nghề trồng bưởi. Vườn bưởi bà Mạo khoảng 6 sào đất với hơn 300 cây, được biết, trước đây năm nào cây cũng cho trĩu quả. Bà Mạo tiếp tôi hồ hởi, đưa tôi ra thăm vườn và chỉ cho tôi những gốc bưởi từng có năm đậu được cả 1000 quả “chăm không ngơi chân, hái không xuể tay”. Bằng kinh nghiệm “nhà nghề”, bà giới thiệu về đặc trưng của cây bưởi Phúc Trạch: “Bưởi Phúc trạch ăn một miếng thấy có vị thanh chua rồi ngọt hậu tới cổ, thơm nhẹ tự nhiên. Bưởi có hình cầu tròn trĩnh, bề ngang và chiều cao gần như bằng nhau. Đặc biệt, cuống quả không lồi, đế quả lại hơi lõm, vỏ không trơn nhưng cũng chẳng ráp, màu sắc vỏ quả có màu xanh vàng. Thịt bưởi Phúc Trạch có màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong, còn khối lượng quả đạt không to như những loại bưởi khác chỉ từ 1- 1,5 kg, một trái bưởi có 14 -16 múi/một quả…”.
Loại quả này đưa đến huyện khác khó bằng vị bưởi Hương Khê, còn nghĩ đến việc đưa bưởi Phúc Trạch phổ biến ra tỉnh khác lại càng khó hơn. Vì sự riêng có đó, bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH – CN Việt Nam cấp “giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa” ngày 9/9/2004 cho cả 4 xã gồm Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên (Hương Khê, Hà Tĩnh)
Vừa lấy bao bì che cho bưởi khỏi cái nắng cháy rát của miền gió Lào, bà Mạo vừa nhớ: “Mùa bưởi “thịnh” những năm trước bội thu mỗi mùa được khoảng 50 triệu tiền bán bưởi. Khi bưởi mới có thương hiệu, hội Huynh Đệ Việt Nam đã ủy nhiệm cho Cty Đông Nam (Hà Tĩnh) đưa dự án về hoạt động thu mua và tiêu thụ. Sân nhà bà mùa này chật bưởi, trái nào cũng vừa khuôn mẫu to, đẹp, ngon nên ngoài tiền bán bưởi còn được thưởng thêm. Người ở đâu về cũng hỏi mua làm quà, có khi mỗi trái phải trên 60 ngàn mà ai cũng không tiếc tiền mua”
Cả xã Phúc Trạch lẫn những xã cùng chung thương hiệu dấy lên phong trào trồng bưởi. Nhà nhà đào sắn, đào khoai trồng cây đặc sản thay thế, chăm chút mong bưởi chóng lớn để được khấm khá. Vậy mà, “Hương Khê đi trong ngạt ngào hương hoa bưởi” ngày nào, nay cứ hễ nhắc tới tương như chuyện ngày xưa…
Bây giờ bước vào khu vườn nhà bà Mạo, hay nhà chị Đinh Thị Bình (Xóm 11), ông Lê Thang Long (Xóm 8)… cùng nhiều nhà khác thấy vườn bưởi nép dưới những tán gió trầm đang lớn nhanh như thổi. Ông Long tâm sự: “3 -4 năm nay bưởi mất mùa, trong khi cuộc sống ngày càng khó khăn, nhà tôi ngày trước có hơn 100 cây bưởi giờ chỉ còn chưa đến nửa. Dân ở đây họ hướng chuyển đổi cây trồng chứ cứ bám mãi vào cây bưởi lấy chi mà ăn?”. Rồi ông chỉ cho tôi thấy trong số những cây bưởi “sót” trong cuộc “cách mạng” chuyển đổi cây trồng ấy, nhiều cây đã còi cọc, sâu đục thân cắn phá, thậm chí có cây quả chỉ bằng nắm tay.
Bà Mão cho biết: “Nhà tôi bây giờ cũng chỉ còn khoảng 100 cây. Trồng một cây bưởi mất 3 -5 năm thì cho ra quả thu hoạch, nhưng vòng đời nó ngắn nên giờ đến lúc cây tàn, quả có lẫn vị the, quả thì nhỏ lại còn bị các thương lái ép giá”. Nói rồi bà chỉ cây bưởi chỗ tôi đang đứng bảo: “Cây này mấy năm trước cho gần 1000 quả, vậy mà năm nay còn chừng 100!”.
Đã vậy, dịp tháng 9 hằng năm là mùa thu hoạch bưởi, cũng là lúc vùng này gặp lũ lụt, trái bưởi chua, cây đổ… nên dân chọn cây gió trầm thay thế, vừa hợp thổ nhưỡng, vừa nhàn hạ. Mặc dù, nhiều chương trình nghiên cứu, hỗ trợ tiền giống và tìm cách giữ uy tín cho bưởi Phúc Trạch, nhưng xem ra chẳng mấy ăn thua khi người trồng bưởi cứ “quay mặt” với bưởi.
Ông Đinh Hữu Tân – Chủ tịch huyện Hương Khê ( Hà Tĩnh) cho biết: “Hiện huyện đã lập kế hoạch, có giải pháp để ổn định tâm lý người dân trồng bưởi, đồng thời chỉ đạo lập quỹ gen và quản lý chặt chẽ thương hiệu bưởi Phục Trạch để trách bị mai một trên thị trường…
Nông Nghiệp