Cụ thể, các nhà đầu tư đến từ lãnh thổ Hồng Kông (thuộc Trung Quốc) đầu tư hơn 5,08 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 tháng qua, với hơn 113 dự án cấp mới, 31 dự án tăng vốn thêm và 57 dự án góp vốn mua cổ phần.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng khiến dòng vốn từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam nhiều hơn, nhanh hơn |
Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục cũng đầu tư hơn 2,02 tỷ USD vào Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư nước này vào Việt Nam thời gian qua đạt gần 7,1 tỷ USD.
Các nhà đầu tư thuộc vùng lãnh thổ Đài Loan (thuộc Trung Quốc) cũng đầu tư vào Việt Nam hơn 570 triệu USD. Nếu tính thêm vốn của nhà đầu tư Đài Loan, chắc chắn lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc và có yếu tố Trung Quốc có thể tăng cao hơn nữa.
Trong nhóm 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, Hàn Quốc và Singapore đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 với số vốn lần lượt là 2,6 tỷ USD và 2,08 tỷ USD; nhà đầu tư Nhật Bản đứng vị trí thứ 5 với số vốn đầu tư vào Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD.
Như vậy, sau một thời gian dài chỉ đứng thứ ba hoặc thứ 4 tại Việt Nam, vốn đầu tư của các nhà đầu tư từ Trung Quốc đã vượt qua các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore ở Việt Nam. Đây cũng là tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc suốt thời gian từ năm 2018 đến nay.
Đáng nói, trong cơ cấu vốn đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp Hồng Kông dành 3/4 lượng vốn để đầu tư mua bán cổ phần, mua lại các doanh nghiệp, số vốn đầu tư mới và tăng thêm vào các dự án cũ của nhà đầu tư này chỉ chiếm chưa đầy 1/4. Điều này cho thấy, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn chủ yếu đầu tư vào Việt Nam theo dạng thụ động như hợp tác góp vốn lấy lợi nhuận, mua bán doanh nghiệp cũ, doanh nghiệp lên sàn để chờ đợi thời cơ.
Theo các chuyên gia, lượng vốn cấp mới, tăng thêm của Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu vào các dự án may mặc, thiết bị điện, bất động sản và xây dựng, chế biến chế tạo có công nghệ thấp, số vốn nhỏ.
Trung bình, mỗi dự án cấp mới của nhà đầu tư Hồng Kông tại Việt Nam chỉ 6 triệu USD (gần 140 tỷ đồng). Trong khi đó, các nhà đầu tư Singapore rót vốn trung bình gần 9 triệu USD/dự án tại Việt Nam (khoảng 200 tỷ đồng).
Thời điểm hiện tại, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang ở giai đoạn căng thẳng vượt ra ngoài phạm vi đánh thuế thương mại vào hàng hóa thông thường của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Mỹ đang áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các hãng công nghệ, kỹ thuật cao của Trung Quốc như Huawei; công ty chuyên sản xuất các thiết bị giám sát Hikvision; hay hãng công nghệ iCarbonX...
Trong bối cảnh "thương chiến"Mỹ - Trung Quốc leo thang căng thẳng, từ năm 2018 đến nay, các chuyên gia trong và ngoài nước kỳ vọng Việt Nam sẽ là điểm đến của doanh nghiệp đang làm ăn tại Trung Quốc chuyển vốn sang đầu tư, né rủi ro. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp lớn nào hiện thực hóa điều này.
Gần đây, ngày 13/5, trên trang mạng xã hội Twitter của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, các công ty chịu áp thuế của Mỹ sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các nước tương tự ở châu Á. Điều này cũng khiến những chuyên gia, nhà đầu tư lạc quan về triển vọng Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước thu hút được lượng vốn lớn trong tương lai. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn ở phía trước và kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ từ cuộc chiến mà Mỹ và Trung Quốc dành cho nhau hiện tại.
Tác giả: An Linh
Nguồn tin: Báo Dân trí