Theo kế hoạch, những thông tin chính thức về thực trạng biển sẽ được đề cập đến trong hội nghị “Công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế” diễn ra tại TP Đông Hà (Quảng Trị) với sự tham dự của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, đại diện địa phương chịu thiệt hại nặng do cá chết hàng loạt cùng nhiều nhà khoa học trong, ngoài nước và các đơn vị liên quan.
Thông tin này được nhận định sẽ giúp địa phương cũng như người dân cả nước biết được khu vực nào đã và chưa an toàn, tránh tâm lý hoang mang khi tới vùng biển 4 tỉnh miền Trung.
Trước đó, trong công văn trả lời báo Lao Động, lãnh đạo Bộ TNMT từng khẳng định mức độ ô nhiễm môi trường nước tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng có xu hướng giảm dần theo thời gian và chất lượng nước biển đảm bảo an toàn cho mục đích tắm biển, du lịch và sẽ công bố mức độ an toàn của môi trường nước biển sau khi kết thúc chương trình điều tra, đánh giá biển, phân tích mẫu đối chiếu với quy chuẩn về chất lượng môi trường nước biển.
Liên quan tới việc khắc phục sự cố Formosa, Bộ đã lắp đặt 2 camera theo dõi, giám sát hoạt động trạm quan trắc liên tục, tự động của Công ty Formosa về Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh, Tổng cục Môi trường và yêu cầu công ty này tiếp tục lắp đặt hệ thống lấy mẫu tự động.
Bộ cũng buộc Công ty phải có giải pháp kiểm soát nước thải từ hệ thống xử lý nước thải sinh hóa và kiểm soát nước thải, phòng ngừa sự cố trước khi xả ra biển; lắp đặt quan trắc nước thải của hệ thống xử lý sinh hóa và bể tràn lưu giữ nước thải một thời gian trước khi xả ra biển, sử dụng bể chỉ thị sinh học để kiểm soát chất lượng nước thải. Được biết, Tổ giám sát trực tiếp tại Công ty Formosa Hà Tĩnh vừa được thành lập để thường xuyên giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện các cam kết khắc phục sự cố môi trường cũng như các hành vi vi phạm của Công ty.
Hoạt động quan trắc chất lượng môi trường biển tại 8 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và Quảng Nam cho thấy môi trường nước biển và trầm tích khu vực ven bờ, gần bờ tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế bị ô nhiễm đối với một số thông số như Sắt, Phenol, Amoni,… Các tỉnh còn lại, chất lượng nước biển và trầm tích biển duy trì khá ổn định so với thời gian trước.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai chương trình khảo sát, điều tra, đánh giá ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh ven biển miền Trung; trong đó tiến hành khảo sát tại 36 tuyến khảo sát vuông góc với đường bờ biển với tổng số 146 điểm khảo sát, tổng chiều dài các tuyến khảo sát khoảng 348 km.
Kết quả ban đầu qua phân tích 100 mẫu nước cho thấy chất lượng nước tầng mặt, tầng đáy đạt dưới ngưỡng cho phép tại QCVN 10-MT:2015/BTNMT.
Đối với việc làm sạch môi trường biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học khẩn trương nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp nhất căn cứ trên cơ sở phạm vi, mức độ ô nhiễm của môi trường biển và của các hệ sinh thái biển; đồng thời, xem xét, học tập một số công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Ý…. Việc điều tra, đánh giá phạm vi, mức độ ô nhiễm của môi trường biển, các hệ sinh thái biển cũng đang được Bộ tiến hành thông qua việc lấy mẫu, phân tích môi trường nước biển, trầm tích, sinh vật phù du, sinh vật đáy, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển tại khu vực xảy ra sự cố. Sau khi có kết quả đánh giá, Bộ sẽ quyết định lựa chọn và triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp. Trên cơ sở đó, Bộ cũng sẽ xác định thời gian, lộ trình cụ thể nhằm đảm bảo tính khả thi cũng như hoàn thành công việc trong thời gian sớm nhất.
Clip về thảm hoạ biển Formosa. Nguồn Bùi Minh Tuấn:
Khánh Hòa