Tại kỳ họp thứ 9 của QH, ĐBQH Lê Việt Trường (An Giang) gửi câu hỏi chất vấn Thủ tướng việc xây dựng quảng trường đang có dấu hiệu phát triển thành “phong trào”, cá biệt có nơi còn xây mới “Văn Miếu”.
“Việc xây dựng quảng trường của các tỉnh, thành phố có nằm trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt không? Kinh phí xây dựng lấy từ nguồn nào? “Phong trào” này có nên tiếp tục phát triển trong tình hình hiện nay không, khi mà ngân sách nhà nước còn khó khăn, nợ càng ngày càng cao?” – ĐB chất vấn.
Trả lời ĐB, Thủ tướng cho biết, đến thời điểm hiện nay, không có quy hoạch chung cho hệ thống quảng trường cả nước.
Theo luật Quy hoạch đô thị, việc thiết kế quảng trường là một phần của nội dung thiết kế đô thị.
Tỉnh Sơn La đang gây ồn ào dư luận với dự án xây tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có tổng kinh phí 1.400 tỷ đồng |
Theo điều 44 luật này, Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc TƯ, quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại 1, quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại 3 trở lên và đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên.
“Việc quy hoạch chi tiết, quyết định đầu tư xây dựng các quảng trường trong các đô thị thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh” – Thủ tướng trả lời trong văn bản gửi ĐB Lê Việt Trường.
Xây bằng ngân sách địa phương
Theo luật Ngân sách nhà nước, quảng trường do ngân sách địa phương bố trí vốn thực hiện. Quyết định xây dựng các quảng trường thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố. Trên thực tế, hầu hết các quảng trường được xây dựng bằng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Căn cứ tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trong từng giai đoạn, ngân sách trung ương bổ sung hỗ trợ một phần vốn để thực hiện của các dự án đầu tư phát triển tại địa phương.
Những năm qua, ngân sách trung ương đã hỗ trợ một phần vốn xây dựng một số quảng trường như quảng trường Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ gắn với di tích Đền Hùng, quảng trường Nguyễn Tất Thành tại tỉnh Tuyên Quang gắn với tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ tướng cho rằng, việc xây dựng quảng trường tại các đô thị là tạo lập không gian sinh hoạt chung, phù hợp với xu thế phát triển đô thị văn minh hiện đại và cần được nghiên cứu trên cơ sở tổng hòa giữa nhu cầu của địa phương…; thời điểm, lộ trình phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, khả năng huy động vốn.
“Việc xây dựng “Văn Miếu” do HĐND, UBND các tỉnh, thành phố quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về nguồn vốn, quy mô, mức độ ưu tiên so với các công trình trên địa bàn của tỉnh, thành phố.
Các “Văn Miếu” này chưa phải là công trình di tích, di sản văn hóa nên cũng không chịu sự điều chỉnh của luật Di sản văn hóa hoặc các luật chuyên ngành về văn hóa khác” – trả lời nêu rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh, theo luật Đầu tư công, cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả kinh tế – xã hội của công trình cũng như khả năng cân đối vốn đầu tư.
“Các công trình, dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương phải tuân thủ quy trình lựa chọn nhất định, phù hợp với mục tiêu, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và mức hỗ trợ của ngân sách trung ương”- Thủ tướng nói rõ.
PV/ VNN