Ngay sau khi dự và phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 (SMEMM 24) tại TP HCM sáng 15/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã ra Quảng Bình để kiểm tra tình hình mưa bão, chỉ đạo công tác ứng phó hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả cơn bão. Cùng đi có Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Thủ tướng hủy hàng loạt cuộc làm việc để ra miền Trung
Thủ tướng đã hủy hàng loạt cuộc làm việc tại các địa phương phía Nam để ra miền Trung khắc phục hậu quả mưa bão tại đây.
Trao đổi với Zing.vn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sau khi thị sát, ghi nhận thiệt hại ở TP Đồng Hới, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.
Theo Báo điện tử Chính phủ, trước tình trạng mất điện diện rộng ở Quảng Bình, Thủ tướng yêu cầu việc trước mắt là khắc phục hệ thống điện để cấp điện cho người dân, “chứ để cả thành phố tối, mất điện, rất nguy hiểm”.
Thủ tướng cũng yêu cầu huy động lực lượng khắc phục, sửa chữa nhà cửa cho người dân, không để người dân vào cảnh màn trời chiếu đất. Theo báo cáo của tỉnh, số nhà bị tốc mái, hư hại là rất lớn.
Sau khi thị sát hiện trường, Thủ tướng có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình đánh giá tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả mưa bão.
“Khó khăn do bão gây nên là rất cấp bách. Vì vậy, tỉnh đề nghị Chính Phủ hỗ trợ khẩn cấp 5.000 tấn gạo cứu đói cho dân”, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nói.
Theo ông Hoài, tỉnh đã chỉ đạo hoãn các cuộc họp, tập trung nguồn lực ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả, cứu người bị thương, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân thiếu đói, hộ bị cô lập, nhất là các hộ bị hư hỏng nhà cửa, hộ nghèo.
Ngoài ra, Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết thêm tỉnh đã huy động lực lượng y tế cơ sở, cán bộ môi trường triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, nước sạch, phòng chống dịch bệnh, huy động thanh niên, quân đội hỗ trợ dân dựng lại nhà cửa, dọn dẹp trường học để sớm tổ chức cho học sinh đến trường.
Không để người dân 'màn trời chiếu đất', đứt bữa
Biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Bình chỉ đạo, cùng sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, công an, các tổ chức đoàn thể như thanh niên đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
“Việc đầu tiên là bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân, không để rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu cơm lạt muối, đứt bữa do bão số 10 gây ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Ảnh: VGP. |
Vì vậy, Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện bảo đảm sớm có điện cho 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và các địa phương khác. Có phương án huy động các công ty điện lực miền Bắc, miền Trung phối hợp để bảo đảm hệ thống điện trở lại hoạt động bình thường.
Tỉnh có kế hoạch cụ thể, cùng các lực lượng quân đội và công an, giúp người dân dựng lại nhà cửa bị sập, tốc mái, hư hỏng. Bảo đảm vệ sinh môi trường ngay sau bão. Chỉ đạo khôi phục hệ thống giao thông nông thôn, miền núi có khả năng bị sạt lở.
Ngay sau bão, Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du. Bộ GTVT chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố trên tuyến giao thông, bảo đảm thông suốt. Các ngành GTVT, điện lực có phương án hỗ trợ cho các địa phương thiệt hại nặng khôi phục hệ thống điện, giao thông. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự cho người dân, không để tình hình phức tạp xảy ra.
Cùng với việc khắc phục thiệt hại do bão, Thủ tướng nhấn mạnh việc khôi phục sản xuất, hệ thống cơ sở hạ tầng cần làm sớm, kịp thời, giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Ngành Y tế bảo đảm cơ số thuốc cần thiết, tăng cường công tác phòng chống, không để xảy ra dịch bệnh sau bão.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để dự báo, thông báo kịp thời, có phương án sẵn sàng ứng phó.
Về các kiến nghị của tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng giao các cơ quan chức năng tổng hợp thiệt hại của các địa phương, trong đó có 2 địa phương thiệt hại lớn là Hà Tĩnh, Quảng Bình, trình Thủ tướng phương án xử lý.
Đối với Quảng Bình, Thủ tướng đồng ý cấp 3.000 tấn gạo hỗ trợ người dân; đồng ý giao Bộ NN&PTNT kịp thời giải quyết giống lúa, rau màu cho Quảng Bình để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Giao Bộ NN&PTNT trình phương án xây dựng các công trình mà tỉnh Quảng Bình đề nghị như khu neo đậu tàu thuyền và nghiên cứu trung tâm cứu hộ, cứu nạn.
Tăng cường lực lượng quân đội cùng địa phương hỗ trợ kịp thời người dân sửa chữa nhà cửa. Đây là nhiệm vụ cấp bách ngay sau cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hai chiếc cổng chào ở TP Đồng Hới bị quật đổ trong bão số 10. Ảnh: Văn Được. |
Là địa phương tâm bão, Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề. Theo thống kê ban đầu, tỉnh có ít nhất 1 người chết, 6 người bị thương; gần 50.000 bị tốc mái, hàng nghìn ha hoa màu, cao su... gãy đổ. Thiệt hại ước tính trên 2.000 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, hệ thống điện lưới của tỉnh mất trên diện rộng, mạng viễn thông gián đoạn.
Mưa gió dữ dội khi bão giật cấp 15 đổ bộ miền Trung Sáng 15/9, tâm bão số 10 trực tiếp ảnh hưởng Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế gây mưa lớn, gió mạnh. Nhiều nhà cửa ven biển bị hư hại, tàu thuyền của ngư dân phải tìm nơi ẩn nấp.
Tác giả: Nhật Lâm - Văn Được
Nguồn tin: Báo Zing