Trong nước

Thủ tướng: Doanh nghiệp trả lương cho 3 người chỉ để… tiếp thanh tra?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập chuyện, có doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp sạch tại Hà Nội trong một tháng phải đón tiếp đến 8 đoàn thanh tra, kiểm tra, chuyện Sở Xây dựng ở một tỉnh bắt nhà đầu tư đi lại 32 lần chỉ để xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho dự án…

Đây là những vấn đề Thủ tướng nêu ra khi điều hành phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ.

Chủ trì họp báo thông tin về nội dung phiên họp tối muộn ngày hôm qua, 3/5, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh tình trạng “trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh”.

Thủ tướng dẫn chứng chuyện, Sở Xây dựng ở một địa phương, nhà đầu tư phải đi lại… 32 lần chỉ để xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho dự án. Thủ tướng chỉ rõ, vấn đề phân cấp, quyền đã được nói rất nhiều. Chính phủ đã quán triệt trao quyền cho địa phương trong việc này, để nhà đầu tư không phải kéo lên Bộ, xếp hàng dài chờ giải quyết thủ tục.

Thủ tướng kết luận phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ

Nhưng kết quả của giao quyền, như việc này, rõ ràng quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án thuộc thẩm quyền của lãnh đạo địa phương mà vẫn không quyết định được hay do muốn làm khó dễ cho nhà đầu tư?

Theo người phát ngôn Chính phủ, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc xảy ra này có địa chỉ cụ thể, tại một tỉnh được xếp hạng cao về cải cách thủ tục hành chính. Điều đó không chấp nhận được.

Thủ tướng quyết liệt: “Tôi yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan trong chỉ đạo, điều hành, phải sớm chấm dứt tình trạng "trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh", ứng phó kịp thời với các vấn đề mới, biến động rất nhanh”.

Kết luận phiên họp, dẫn báo cáo của một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay khoảng 6,5-7,1%, Thủ tướng nhận định về nhiều rủi ro tiềm ẩn như giá dầu có thể tăng cao, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn…

Một thách thức lớn là năng suất lao động trong nước còn thấp. Sức cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế trước sự biến đổi của thế giới còn là vấn đề đáng lo ngại. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, chưa đổi mới, chưa quyết liệt trong công việc.

Nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp. Do đó, Thủ tướng đề nghị từng thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, tư lệnh các ngành phải luôn nhận thức rõ ràng trọng trách của mình, thực sự đổi mới, cầu thị, sát việc, sát thực tiễn, sát dân, theo dõi, ứng phó kịp thời với các vấn đề mới, biến động rất nhanh của bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan trong điều hành, chú trọng giải quyết các tồn tại, vấn đề mới phát sinh. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng cần điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các đầu nậu, đối tượng phá rừng tự nhiên, buôn lậu, gian lận thương mại. Quy trách nhiệm người đứng đầu, từ cấp xã, đến kiểm lâm, quản lý thị trường.

Thủ tướng lưu ý việc khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan.

Người lãnh đạo Chính phủ cho biết, ông nghe thông tin, có doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp sạch tại Hà Nội trong một tháng phải đón tiếp đến 8 đoàn thanh tra, kiểm tra. Doanh nghiệp phải thành lập bộ phận 3 người với quỹ lương 30 triệu đồng/tháng chỉ chuyên đón tiếp, phục vụ yêu cầu về giấy tờ, sổ sách cho các đoàn thanh tra, kiểm tra. Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội kiểm tra thông tin, chấn chỉnh tình trạng này.

Thủ tướng cũng đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì, rà soát lại các quy định thanh tra, kiểm tra, thúc đẩy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20 của Thủ tướng.

"Phải công khai minh bạch giá thị trường tài sản công và đất đai, không để thất thoát tài sản đất đai Nhà nước. Tiếp tục chuẩn bị nội dung cho các hội nghị chuyên đề quan trọng như cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, gắn kết doanh nghiệp trong nước và FDI…" - Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ quyết tâm phấn đấu tăng trưởng ít nhất 6,7%, lạm phát không quá 4%. Do đó, lộ trình thực hiện giá y tế, giáo dục, điện lực phải được kiểm soát chặt chẽ.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư công. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, làm chậm tiến độ. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có chương trình kế hoạch đưa hàng Việt Nam vào siêu thị cùng với kiểm soát an toàn thực phẩm.

Các bộ, ngành, cơ quan chức năng chấn chỉnh công tác xét duyệt, trao giải thưởng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, một việc làm cần thiết để tôn vinh, khích lệ sản xuất sản phẩm tốt, có chất lượng nhưng rất dễ bị lợi dụng làm trái như thuốc chống ung thư làm từ than tre vừa qua.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP