>> Bộ trưởng Trần Hồng Hà: ‘Tôi vừa trải qua 84 ngày căng thẳng nặng trĩu’
Trao đổi với chúng tôi sáng nay 2/7, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, ông không phát ngôn như vậy.
Bức ảnh với thông tin không chính xác đang được lan truyền trên mạng xã hội
Cụ thể, ông Nhân cho hay tại buổi họp báo ngày 27/4, ông đã đọc thông cáo báo chí công bố nguyên nhân ban đầu về việc cá chết hàng loạt tại miền Trung:
“Sau cuộc họp kín liên Bộ chiều nay, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học đã đi tới thống nhất có 2 nhóm nguyên nhân chính dẫn hiện tượng cá chết hàng loạt:
Thứ nhất là do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai do hiện tượng dị thường tự nhiên tác động kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.
“Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt.
Qua số liệu quan trắc và đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, môi trường nước biển chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định”, ông Nhân đọc rõ nội dung thông báo.
Như vậy theo lời ông Nhân, tại thời điểm cách 2 tháng, vị đại diện Bộ TN&MT mới chỉ nói chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt chứ không khẳng định “cá chết do thuỷ triều đỏ, không phải do Formosa”.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, vị Thứ trưởng này cho rằng, có được kết quả để công bố thủ phạm gây ra nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là sự nỗ lực của tập thể các Bộ, ngành, của cả hệ thống chính trị trong đó có Bộ TN&MT.
Và với ông Nhân, khoảng thời gian qua là khoảng thời gian cá nhân ông và tập thể Bộ TN&MT đã nỗ lực hết sức để cùng các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân.
“3 tháng qua hầu như chúng tôi không có thứ 7 và Chủ nhật. Có nhiều hôm chúng tôi làm việc đến 9-10h tối mới về. Sức ép từ dư luận một phần nhưng chính chúng tôi cũng tự bị sức ép khi nghĩ đến việc người dân đang bị thiệt hại vậy mà mình chưa tìm ra nguyên nhân.
Chúng tôi đã làm việc tâm huyết và hết sức mình. Tôi nghĩ rằng, những người ở các cơ quan chức năng khác cũng vậy”, ông Nhân chia sẻ thêm.
Liên quan đến nguyên nhân của vụ việc này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã chia sẻ: “Khi xảy ra sự việc, đã có 4-5 nhà khoa học cho rằng sự cố có thể do các nguyên nhân là chất thải từ con người chúng ta (chất vô cơ), chất thải sinh học và thủy triều đỏ.
Thời điểm đó các nhà khoa học đã ghi nhận những điều đó. Thông qua nghiên cứu của các nhà khoa học tại Bộ KH&CN, phải 2 tháng nữa mới xác định được rằng: Cái gì đã xảy ra, cái gì là nguyên nhân chính?
Và chúng ta khẳng định phenol và cyanua là nguyên nhân chính. Như vậy, toàn bộ báo cáo này đã phục vụ cho quá trình đấu tranh về pháp lý, đầy đủ căn cứ. Có thể nói chúng ta đã làm đầy đủ, bảo đảm tính khoa học, bảo đảm tính pháp lý.
Chính vì vậy, Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh, các nhà khoa học của Formosa Hà Tĩnh, các luật sư của Formosa Hà Tĩnh đều đã thừa nhận kết luận của chúng ta và chúng tôi thực hiện đúng sự chỉ đạo của Chính phủ là làm một cách cẩn trọng, bài bản, chính xác, có tính thuyết phục”.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà
“Việc điều tra chia ra làm 3 nhóm triển khai: Nhóm thứ nhất là xác định nguyên nhân, hình dung giải thích cái gì đang diễn ra trên biển 4 tỉnh miền Trung, tìm ra cơ chế gì đang gây ra hiện tượng hải sản và sinh vật chết hàng loạt? Điều này rất khó, phức tạp.
Nhóm thứ hai là xác định nguồn gây ô nhiễm. Hai nhóm độc lập nhưng có quan hệ biện chứng, có mối liên hệ chặt chẽ.
Riêng ở nhóm 1, các cơ quan chức năng đã tập trung 100 nhà khoa học trong và ngoài nước, trong các lĩnh vực sinh học, hóa học, vũ trụ học, hải dương học… tiến hành nhiều việc liên quan nhiều đến các mẫu cá, nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du…
Đồng thời thực hiện nhiều hoạt động khác nhau xác định từ các hình ảnh vệ tinh bắt đầu diễn biến sự việc, hồi tố lại các sự việc từ trước khi phát hiện ra ô nhiễm. Nhiều cán bộ khoa học căn cứ cả những hình ảnh vệ tinh, xuống biển tìm theo các dấu vết ô nhiễm để xác định bản chất vấn đề là gì…
Các nhà khoa học, nhân viên đã lao động vất vả nguy hiểm, nhưng vẫn thận trọng, phân tích hàng nghìn thí nghiệm khác nhau, cả các mẫu thí nghiệm độc tố vài tuần mới có hiệu quả. Ngoài ra lấy ý kiến các nhà khoa học, phòng thí nghiệm để đối chứng, nhiều thông số cần kiểm chứng bảo đảm tính pháp lý khi giải quyết.
Thủ tướng đã chỉ đạo làm khoa học phải đúng theo trình tự khoa học. Do đó, chúng tôi đã tổ chức Hội đồng khoa học Nhà nước đánh giá, lấy ý kiến các nhà khoa học thế giới phản biện độc lập, khi có đầy đủ chứng cứ, kết quả chính xác mới tổ chức công bố.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa độc tố như Phenol, Cyanua, kết hợp với Hydroxit Sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỉ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.
Bản thân các hợp chất đó có nhu cầu hút ôxy, nên đi đến đâu trên biển thì lấy ôxy đến đó, góp phần tạo độc tố gây ra cá chết. Toàn bộ sự việc này diễn ra vẫn còn dấu vết”.
theo Trí Thức Trẻ