Liên tiếp hai bộ trưởng cùng lên tiếng “đòi” đổi “phí” thành “giá” đã tạo nên câu chuyện dở khóc dở cười về cách dùng từ khiên cưỡng, gây phản cảm của các tư lệnh ngành. Ngay sau khi bộ trưởng Bộ GTVT muốn gọi các trạm thu phí là trạm thu giá thì bộ trưởng Bộ GD&ĐT lại tiếp “châm dầu vào lửa”, ông muốn thay học phí bằng cụm từ giá dịch vụ đào tạo.
“Nếu thích thu giá thì người bỏ tiền có thể trả giá không? Dịch vụ không tốt thì tôi mua chỗ khác được không? Chỉ nhiêu đó đã đủ thấy từ giá ở đây gây rối ngôn ngữ rồi, chưa kể các hệ lụy khác” - bạn NguyenTanMinh phản ứng.
Trong khi đó, bạn ThanhTien chỉ ra: “Dư luận đã ném đá liên tục việc trạm thu giá, tới giờ lại đẻ thêm giá dịch vụ đào tạo? Hai bộ trưởng càng giải thích tôi nghe càng không hiểu. Đã làm đến bộ trưởng thì trình độ phải hơn người mà lại có những đề xuất như thế này?”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm dư luận bức xúc việc muốn thu “giá dịch vụ đào tạo” thay vì thu “học phí” như lâu nay. Ảnh: TRỌNG PHÚ
“Các bộ trưởng cần tập trung công việc chuyên môn của mình, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong ngành của mình, đó là cái mà ai cũng nhìn thấy. Phí hay giá chỉ làm dân lắc đầu mà cười thôi, các bộ trưởng có thấy không?” - bạn Quế Nam mỉa mai.
Độc giả Lê Viết Thiện kết luận: “Bản chất cũng là tiền của dân bỏ ra. Cái người dân cần là chất lượng thu về khi bỏ ra đồng tiền chứ không phải tên gọi”.
Bên cạnh làn sóng phản ứng dâng cao vì phí và giá, trong tuần qua việc xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng cũng khiến người dân rất hoang mang. Bạn Xuannamchia sẻ: “Trước nay vẫn nghĩ tàu hỏa tuy chậm nhưng an toàn. Chưa bao giờ thấy lo lắng như bây giờ. Biết chọn phương tiện nào đây?”.
Vấn đề cải tiến, gia cố để đảm bảo an toàn cho đường sắt được bạn MaiVan đặt ra: “Mọi thứ đã quá cũ kỹ, đường sắt Việt Nam còn lạc hậu quá”. “Bên cạnh đòi hỏi cải tiến, mấu chốt là có thêm biện pháp cảnh báo, đảm bảo xe và người không thể vi phạm hành lang an toàn đường sắt mới được” là nhận định chung của nhiều bạn đọc.
Một vấn đề nhức nhối khi mùa mưa tới là cảnh chìm ngập trong biển nước của các con đường. “Chống ngập cho TP.HCM: Phải thay đổi cách làm” là bài viết phản ánh tình trạng cứ mưa là ngập ở TP khiến người dân vô cùng bức xúc. Bạn XuanDung đặt câu hỏi: “Đã tốn hàng ngàn tỉ đồng rồi mà vẫn ngập. Có phải cách làm lâu nay đã sai hướng không?”. Đồng tình, bạn MinhNam và nhiều bạn đọc khác cho rằng “rõ ràng càng chống càng ngập, phải thay đổi ngay trước khi quá muộn!”.
Trong tuần, đề xuất công nhận hình thức tố cáo qua điện thoại, Facebook bên cạnh tố cáo bằng đơn thư được người dân ủng hộ. Bạn BaoQuan phân tích: “Hạn chế nguồn tiếp nhận thông tin tố cáo ban đầu sẽ hạn chế luôn công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay của Chính phủ”. “Thời đại kỹ thuật số đã đi vào mọi ngõ ngách đời sống rồi. Tố cáo qua các phương tiện như email, Facebook, điện thoại là tất yếu, nên công nhận nó” là ý kiến của bạn MinhTram và được nhiều người ủng hộ, đồng tình.
Tác giả: Lê Huy
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM