Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Đại biểu Quốc hội thuộc đoàn đại biểu Tp.Đà Nẵng, Ủy viên Thường trực ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phản ánh những ý kiến của cử tri xung quanh những vấn đề giáo dục.
Những điểm nóng trong việc lựa chọn sách giáo khoa, ứng phó của ngành giáo dục trước đại dịch, chuyển đổi số giáo dục được vị đại biểu này nhắc tới nhiều lần trong các lượt phát biểu của mình. Điều này thể hiện sự cấp bách, và được đông đảo tầng lớp nhân dân quan tâm
Thông tư 25 cần sớm sửa đổi
Trong phần chất vấn chiều ngày 8/11, đại biểu Kim Thúy bày tỏ: “Đầu năm học 2021-2022, báo chí lên tiếng phê phán khá gay gắt một số bài học thiếu khoa học, giáo dục trong các bộ sách giáo khoa khoa học tự nhiên, tiếng Việt, ngữ văn của NXB Giáo dục Việt Nam”.
Đại biểu thẳng thắn, nhận xét Bộ GD&ĐT, lãnh đạo chính quyền và ngành giáo dục ở không ít địa phương chưa quán triệt đầy đủ yêu cầu Nghị quyết 88/2014/QH13 và luật Giáo dục liên quan đến sách giáo khoa.
Báo chí cũng phát hiện một tác giả trong 2 năm viết đến 50 đầu sách giáo khoa, sách bài tập các loại ở cả 3 cấp học.
Dư luận còn chỉ ra nhiều bất cập trong việc lựa chọn sách khoa mà bắt nguồn từ Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT. Nhiều cơ sở giáo dục đã phải lên tiếng phàn nàn về thông tư này trao toàn quyền quyết định lựa chọn sách khoa cho những hội đồng tuyển chọn sách mà không quan tâm ý kiến của cơ sở.
Đại biểu cho biết: “Nếu việc lựa chọn sách tiếp tục diễn ra như vậy chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa sẽ khó được triển khai. Dẫn tới nguy cơ trở lại độc quyền sách giáo khoa do một doanh nghiệp trực thuộc bộ là NXB Giáo dục Việt Nam nắm giữ.
Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT sớm sửa đổi Thông tư 25, tiến hành thanh tra các công việc biên soạn lựa chọn và phát hành sách giáo khoa và điều chỉnh các bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện”.
Cũng tại kỳ họp, bà Kim Thúy cho rằng tập thể tác giả và NXB Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục.
“Dù việc phê duyệt sách giáo khoa là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước là xuyên suốt cho nên lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam và tập thể tác giả sách giáo khoa nói trên trả lời công luận, nếu có sai sót thì lãnh đạo Bộ phải chỉ đạo sửa chữa, khắc phục và xử lý theo thẩm quyền”, bà Thúy thẳng thắn đề nghị.
“Sạn” trong sách giáo khoa trách nhiệm thuộc về tác giả
Ngày 12/01/2022, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 104/BGĐT-GDTrH trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Theo đó, Bộ đánh giá thời gian qua, khi sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đưa vào sử dụng, có ý kiến phản ánh về một số vấn đề liên quan đến nội dung và ngữ liệu sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản yêu cầu các nhà xuất bản và tác giả chủ động nghiên cứu các ý kiến phản ánh.
Các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt đã thực hiện các bước cụ thể như: tác giả tự rà soát, tiếp thu các ý kiến phản biện, góp ý và đề xuất phương án điều chỉnh; nhà xuất bản tổ chức lấy ý kiến phản biện các chuyên gia, giáo viên, cán bộ quản lý theo hình thức phù hợp và có văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT đề xuất điều chỉnh một số nội dung trong sách giáo khoa.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ra nhiều bất cập trong lĩnh vực giáo dục |
NXB Giáo dục Việt Nam đã thành lập Hội đồng khoa học đánh giá các đề xuất của tác giả và thống nhất phương án điều chỉnh, báo cáo Tổng Giám đốc Nhà xuất bản phê duyệt phương án điều chỉnh; tổ chức thiết kế các bản mẫu đối với các nội dung đề xuất điều chỉnh.
Khi tiếp nhận báo cáo của các nhà xuất bản, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa rà soát, kiểm tra và có kết luận cụ thể các nội dung theo phản ánh.
Tuy nhiên, trong trả lời chất vấn về việc chậm xử lý sai sót liên quan đến sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Tiếng Việt 2 và Ngữ văn 6 của NXB Giáo dục Việt Nam mà dư luận, báo chí nêu thành vấn đề gay gắt, Bộ GD&ĐT lại viện dẫn các công văn đã ban hành từ năm 2020 về việc điều chỉnh ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách khác.
Đối với sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6 của NXB Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT cho biết: Ngay sau khi nhận được góp ý của một số chuyên gia, nhà khoa học, Bộ đã chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam và Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của môn học đó kịp thời điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp.
NXB Giáo dục Việt Nam đã tiếp thu, chỉnh sửa và hướng dẫn giáo viên lưu ý vấn đề này trong sách giáo viên Khoa học tự nhiên 6.
NXB Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn đồng thời, hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống; rà soát, đính chính một số lỗi trong các sách giáo khoa Ngữ văn 6, Lịch sử và Địa lí 6 và một số môn học khác.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí ngay sau phiên trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết: Theo thông tin bà nhận được thì sách viết sai đã bán cho học sinh, giáo viên và chưa có cuốn sách nào của NXB Giáo dục Việt Nam được sửa, kể cả những lỗi nghiêm trọng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.
Đến nay, học sinh trên cả nước vẫn chưa được quay trở lại trường 100% |
Ngành giáo dục còn lúng túng trước đại dịch
Trong bài phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đánh giá: “Các nhà quản lý giáo dục còn nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng, đại dịch Covid-19 diễn ra từ hai năm nay nhưng Bộ GD&ĐT chưa có những động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch.
Đến ngày 04/8/2021, khung kế hoạch thời gian năm 2021-2022 vẫn hệt như mọi năm, không có một dòng nào nói về các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo triển khai thực hiện được linh hoạt, hiệu quả và an toàn”.
Trong gần hai năm qua, Bộ GD&ĐT cũng chưa đánh giá khả năng dạy học trực tuyến ở các địa phương; chưa có biện pháp hỗ trợ dạy học trực tuyến cho những vùng và đối tượng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các bộ cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục.
Vẫn chưa có phương án phù hợp cho quy trình chọn sách giáo khoa |
Trước vấn đề này, ngày 15/3/2022 Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1614/VPCP-KGVX thông tin ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về báo cáo các vấn đề theo kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng nêu của Bộ GD&ĐT tại văn bản số 228/BC-BGDĐT đề ngày 07/3/2022.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phan Minh Chính đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách; rà soát, thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế về các văn để đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu theo thẩm quyền, bảo đảm dùng quy định của pháp luật và thông tin tới đại biểu, các cơ quan liên quan biết.
Khẩn trương ban hành chiến lược tổng thể, kế hoạch hành động của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19 trước ngày 31/3/2022.
Bám sát tỉnh hình dịch ở các nhà trường; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế kịp thời cập nhật và tổ chức thực hiện nhất quán các quy trình, hướng dẫn trong tổ chức dạy và học. Chủ động phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm an toàn, hiệu quả, phù hợp.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình "sóng và máy tính cho em"; xem xét, quyết định về việc cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phi học tập theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Tác giả: Nguyễn Hoa Trà
Nguồn tin: nguoiduatin.vn