Đại diện Công ty CP Điện Quang cho biết, ngày 8-10 có một nhóm người tự xưng là nhân viên của Công ty CP truyền thông Điện Quang (địa chỉ ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đến phường Tân Thành, TP Cà Mau tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm mới, tri ân khách hàng, đồng thời bán hàng điện gia dụng. Rất đông người dân đến dự và mua hàng.
Tuy nhiên, sau khi mua sản phẩm họ phát hiện thấy có dấu hiệu đáng ngờ vì giá sản phẩm được nhóm người này bán ra cao hơn 2-3 lần giá thị trường và tất cả các sản phẩm đều mang hiệu Kyoto của Trung Quốc. Biết mình bị lừa, hàng chục người dân đã bao vây nhóm bán hàng yêu cầu trả lại tiền mà họ đã bỏ ra mua sản phẩm.
Trước vụ lùm xùm này, đại diện Công ty CP Bóng đèn Điện Quang khẳng định, không có bất kỳ mối liên hệ nào với “công ty” của nhóm người trên và nhóm người này có dấu hiệu lợi dụng thương hiệu Điện Quang để gây hiểu nhầm cho NTD. Vụ việc đã được Công an TP Cà Mau thụ lý, giải quyết.
Sản phẩm may mặc nhập lậu từ Trung Quốc thay mác “Made in Việt Nam” bị QLTT TP Hồ Chí Minh thu giữ, đem tiêu hủy. |
Theo thông tin Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, từ tháng 6-2017 đến nay đã phát hiện và bắt giữ hơn 13 lô hàng áo quần, giày dép, phụ kiện, máy in... của 5 DN nhập khẩu gắn mác xuất xứ “Made in Vietnam” nhập từ Trung Quốc. Trước đó, trong 6 tháng cuối năm 2016, Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng phát hiện 2 vụ nhập khẩu gạch men gồm 5.000 thùng và 7 container nhập từ Trung Quốc nhưng trên bao bì lại ghi “Made in Vietnam”.
Thực tế, trong thời gian qua, hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt xuất hiện trên thị trường gần như mặt hàng nào cũng có, nhưng phần lớn là hàng nông sản, trái cây và sản phẩm hàng thời trang may mặc, giày dép. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những mặt hàng này đa phần là chất lượng kém, tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại, không an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, hàng Trung Quốc có mẫu mã đẹp, giá rẻ bèo, nên đây chính là cơ hội cho các DN làm ăn chụp giật, đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ mục đích muốn kiếm lợi nhuận nên họ nhập hàng Trung Quốc (nhập chính ngạch hoặc tiểu ngạch), sau đó thay mác “Made in Việt Nam” để bán được hàng.
Tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square và Trung tâm Taka Plaza (đều cùng ở quận 1), bày bán tràn ngập các sản phẩm hàng may mặc, giày dép mang nhãn hàng quốc tế như: Polo Dior, Zara, CK, Gucci, Clarks, Aldo, Nine West,... nhưng lại gắn mác “Made in Vietnam” và có giá thấp hơn nhiều lần so với hàng chính hãng. Điển hình, áo thun hiệu Polo Dior giá 300 - 350.000 đồng/cái nhưng giá chính hãng đăng trên trang bán hàng giá 5,8 triệu đồng/cái. Áo đầm hiệu Zara giá 420 – 450.000 đồng/cái, sản phẩm chính hãng 1,2 triệu đồng/cái...
Ngoài ra, tại các con đường chuyên bán hàng thời trang xuất khẩu như: Hai Bà Trưng, Nguyễn Kiệm, Lý Chính Thắng, nhiều sản phẩm ghi “Made in Vietnam” nhưng có không ít sản phẩm (nhiều nhất là may mặc, giày dép) là hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam xuất khẩu.
Theo đánh giá của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh, ngoài những thương hiệu Việt Nam có uy tín lớn trên thị trường nội địa bảo đảm 100% sản xuất trong nước, thì vẫn có nhiều DN sản xuất - kinh doanh hàng may mặc nhập hàng Trung Quốc và các nước khác về gắn mác thương hiệu mình rồi bán ra thị trường.
Riêng hàng may mặc Trung Quốc có giá rẻ, nên nhiều người sang Trung Quốc mua số lượng lớn về bán sỉ trong nước, hoặc DN sang Trung Quốc đặt may, không nhãn mác để dễ dàng qua cửa hải quan, sau đó mới gắn mác thương hiệu Việt.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh DN cho rằng, DN Việt nhập hàng Trung Quốc vì nhiều nguyên nhân như: Thời thế thị trường, ham giá rẻ - lợi nhuận cao, mẫu mã nhiều, dễ bán, giao nhanh trả tiền chậm và hàng Trung Quốc chỉ cần thay nhãn mác là lừa NTD dễ dàng. Điều này góp phần bóp nghẹt sản xuất trong nước, làm mất niềm tin NTD với hàng Việt.
Tác giả: Thúy Hà
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân