Bộ GD-ĐT chưa trả lời chính thức cho câu hỏi này, song đây đó, người ta vẫn có những đường nét phác qua về một kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới.
Giữ phương thức thi của năm 2017
Trong báo cáo trình lên Quốc hội tháng 10/2016, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019.
Tuy nhiên, sẽ có có "những điều chỉnh hợp lý" trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông.
Từ năm 2020 trở đi, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức ổn định, đảm bảo sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Chính phủ phê duyệt.
Sẽ thi trên máy tính thay vì trên giấy?
Trong khá nhiều lần trả lời báo chí về chủ đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia 3 năm qua đã được cân nhắc rất kỹ về lộ trình để tránh gây sốc đối với thí sinh và toàn xã hội.
Tới kỳ thi năm 2017 vừa qua, những mục tiêu của lộ trình đổi mới đã đạt được.
Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ được giữ ổn định cho các năm sau. Ảnh: Lê Văn. |
Theo lý giải của ông Ga, những mục tiêu này là rất căn bản, tạo tiền đề để hoàn thiện nhiều khâu của kỳ thi. Do đó, các năm sau, phương thức thi sẽ không thay đổi so với năm nay nhưng các khâu kỹ thuật sẽ được cải tiến để tạo thuận lợi cho thí sinh.
"Chẳng hạn, các năm sau có thể thi như năm nay, phương án tổ chức thi, cấu trúc đề thi, nội dung thi sẽ không thay đổi gì nhiều nhưng thí sinh không phải làm bài trên giấy nữa mà làm bài ngay trên máy tính" - ông Ga nói. "Khi đó thí sinh chỉ chuyển từ việc tô đáp án bằng bút chì như hiện tại sang bấm máy".
"Điều này có nghĩa, chúng ta sẽ không có những thay đổi liên tục về mặt phương thức nữa mà chỉ còn những cải tiến những kỹ thuật để làm cho kỳ thi tốt hơn, thí sinh thi nhẹ nhàng hơn" - ông Ga khẳng định.
Ví dụ về sự cải tiến ông Ga đưa ra rất đáng để kỳ vọng, song chưa rõ áp dụng cho một kỳ thi trên quy mô quốc gia - bao gồm cả những khu vực vùng sâu, vùng xa còn nghèo nàn về cơ sở vật chất - khi nào thực sự khả thi
Tổ chức lại bài thi tổ hợp
Một cải tiến mang tính chất kỹ thuật khác, có thể làm được ngay trong kỳ thi năm 2018 chính là việc tổ chức lại 2 bài thi tổ hợp.
Kỳ thi 2017 là lần đầu tiên áp dụng ghép 3 môn thi vào một "bài thi tổ hợp". Nhiều ý kiến đã nêu vấn đề, mặc dù gọi là bài thi tổ hợp nhưng thực chất là 3 môn thi với 3 đề hoàn toàn khác nhau, làm trong 3 khoảng thời gian cũng hoàn toàn khác nhau.
Cái chung duy nhất chính là tờ phiếu trả lời trắc nghiệm.
Điều này làm phát sinh bất cập là thí sinh có thể "ăn gian" - dành thời gian của môn sau để làm bài thi của môn thi trước đó.
Việc tổ chức bài thi tổ hợp với 3 môn thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm được cho là có bất cập. Ảnh: Lê Văn. |
Tại cuộc họp báo chiều ngày 24/6, sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD-ĐT đã khắc định sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và điều chỉnh những khâu còn bất hợp lý của kỳ thi năm nay.
Có tiếp tục công bố đáp án?
Nhiều năm nay, việc công bố đáp án chính thức sau khi kỳ thi kết thúc đã trở thành một thông lệ tốt. Điều này giúp thí sinh đối chiếu kết quả bài thi, tự chấm điểm cho mình, giảm áp lực tâm lý căng thẳng chờ kết quả. Mặt khác, cũng là sự minh bạch thông tin, thúc đẩy quá trình giám sát cách tổ chức kỳ thi.
Trước khi các ngày thi diễn ra trong tháng 6/2017, đã từng có đề xuất "năm nay không công bố đáp án". Ý định này đã vấp phải sự phản ứng và bị dừng lại.
Trả lời câu hỏi về việc có tiếp tục công bố đáp án trong năm tới hay không, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, việc đó sẽ do Hội đồng thi THPT quốc gia năm sau quyết định.
Tuy nhiên, ông Ga cũng cho rằng, việc công bố đáp án gây áp lực rất lớn cho Ban ra đề, đặc biệt là với các môn thi trắc nghiệm. Dù vậy, từ năm sau, phạm vi ra đề ngoài chương trình lớp 12 còn có chương trình lớp 10 và 11, do vậy, vẫn có một nguồn dồi dào để bổ sung vào ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm.
Không còn điểm sàn đại học
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 là kỳ thi cuối cùng Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH). Điều này đã được ghi rõ trong quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH.
Từ năm 2018, các trường ĐH sẽ tự xác định ngưỡng điểm nhận hồ sơ hay còn gọi là điểm sàn của mình. Điều này được nhiều chuyên gia nhận định là phù hợp với xu thế chung.
Trên thực tế, bản thân các trường ĐH cũng thừa nhận, việc các trường tự đưa ra điểm sàn của mình cũng chính là một phép thử đối với chính họ bởi việc đưa ra mức điểm sàn cao hay thấp cũng là một cách giúp xã hội nhìn nhận, đánh giá chất lượng của các trường ĐH.
Tương lai nào cho kỳ thi THPT?
Nhìn vào tương lai xa hơn, câu hỏi nhiều người quan tâm là kỳ thi THPT quốc gia sẽ còn duy trì tới khi nào?
Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố hồi tháng 4, việc đánh giá học sinh sẽ được đổi mới với dự kiến: Việc xét tốt nghiệp THPT sẽ giao cho các trường.
Để được cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay mà việc xét tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá định kỳ do chính trường THPT thực hiện.
Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Điều này cũng có nghĩa, nếu Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng đại trà (mà theo lộ trình của Nghị quyết 88 của Quốc hội là năm học 2022-2023) kỳ thi THPT quốc gia sẽ không còn lý do để tồn tại nữa.
Đến nay, dự thảo về chương trình mới này chưa được "chốt" nên phương án trên vẫn còn bỏ ngỏ.
Tại cuộc họp báo chiều 24/6, khi trả lời câu hỏi về tương lai của kỳ thi THPT quốc gia, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, việc này tùy thuộc vào việc sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học sắp tới. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề án để sửa đổi các luật này.
Tác giả: Lê Văn
Nguồn tin: Báo VietNamNet