Đó là những điểm mới theo dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông.
Theo đó, hội thi tổ chức trên nguyện vọng tự nguyện.
Ở mỗi bậc học, nội dung thi đều gồm 2 phần: trực tiếp tổ dạy tại 1 lớp học trong 1 tiết và báo cáo thuyết trình tối đa 30 phút.
Các tiết dạy học hay tổ chức hoạt động được thực hiện tại cơ sở nơi giáo viên đang làm việc, ở các lớp học có đầy đủ học sinh. Những hoạt động này không được thử trước; và chỉ báo trước tối đa 3 ngày trước thời gian thi.
Ở phần trình bày, giáo viên sẽ thuyết trình biện pháp thực hiện có hiệu quả nhất về nghiệp vụ của mình (cách nuôi dạy trẻ ở mầm non, cách tổ chức hoạt động giáo dục ở bậc phổ thông...) trong thời gian tối đa 30 phút. Biện pháp báo cáo phải chưa được báo cáo ở bất cứ đâu, chưa được dùng để xét duyệt thành tích cá nhân trước đó.
Hội thi cấp trường được tổ chức mỗi năm một lần. Hội thi cấp huyện được tổ chức 2 năm một lần. Hội thi cấp tỉnh được tổ chức 4 năm một lần.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Để tham gia cấp trường, giáo viên phải đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên (của năm liền kề năm tham gia hội thi) kèm theo một số quy định khác.
Để tham gia cấp huyện, giáo viên phải được công nhận dạy giỏi cấp trường 2 năm liên tục, trong đó năm thứ 2 là năm đăng ký tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Để tham gia cấp tỉnh, giáo viên phải được công nhận dạy giỏi cấp huyện 2 lần liên tục, trong đó lần thứ hai là năm đăng ký tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (ở bậc mầm non). Còn tiêu chuẩn để dự cấp tỉnh ở bậc phổ thông là giáo viên được công nhận dạy giỏi cấp huyện 2 lần liên tục, trong đó lần thứ hai là năm đăng ký tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (đối với giáo viên tiểu học, THCS) và cấp trường 2 lần trong 4 năm liền kề, trong đó lần thứ hai là năm đăng ký tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (đối với giáo viên THPT).
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Giáo viên chủ nhiệm giỏi
Theo dự thảo, nội dung thi giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ bao gồm: thực hành một tiết tổ chức hoạt động trải nghiệm (tiết sinh hoạt lớp/ tiết hoạt động trải nghiệm hoặc hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp).
Tiết thực hành tham gia hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh, không "thử" trước, được báo trước tối đa 3 ngày.
Ngoài ra, giáo viên cũng phải trình bày biện pháp thực hiện có hiệu quả nhất trong công tác giáo dục học sinh.
Kết quả để đánh giá, xếp loại thi đua cá nhân
Giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh phải có điểm kết luận tiết thi giảng hoặc tổ chức hoạt động giáo dục đạt loại giỏi; báo cáo được trên 50% Ban giám khảo đánh giá "Đạt".
Kết quả hội thi là minh chứng để đánh giá, xếp loại thi đua của cá nhân. Các tiết dạy sẽ được giáo viên dạy lại, báo cáo lại để chia sẻ với đồng nghiệp.
Như vậy kết quả chỉ để đánh giá, xếp loại cá nhân giáo viên là điểm mới so với các Thông tư trước đây.
Sẽ không còn việc UBND các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương có chính sách khuyến khích với tập thể có nhiều thành tích trong Hội thi hoặc xếp hạng các đoàn tham gia Hội thi các cấp huyện, tỉnh căn cứ vào điểm đạt được của các giáo viên dự thi.
Bộ GD-ĐT sẽ nhận ý kiến góp ý về dự thảo này đến hết ngày 10/11, gửi về Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, địa chỉ số 35 Đại Cồ Việt – Hai Bà Trưng – Hà Nội (Bà Cù Thị Thủy, email: [email protected]).
Tác giả: Thanh Hùng - Song Nguyên
Nguồn tin: Báo VietNamNet