Xã Tam Thái có 58 hộ dân ảnh hưởng khi thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Theo dân xã này, nhà cửa bị nứt, sập tường do rung lắc quá mạnh khi làm đường gây ra.
Ông Trần Quốc Ngọc có ngôi nhà cấp bốn cách đường cao tốc khoảng 20m. "Giữa tháng 3 vừa qua đơn vị thi công cho máy rung lắc quá mạnh khiến tường nứt toác, sau đó sập xuống", ông Ngọc thuật lại và kể rất may hôm đó không có người ở trong nhà.
Căn nhà của ông được xây dựng năm 2000 nhưng chưa từng bị nứt. Từ ngày nhà thầu bắt đầu làm đường, các vết nứt xuất hiện nhiều. Sau khi chính quyền xã đến lập biên bản sự việc, công ty bảo hiểm và đơn vị thi công đến và đề xuất mức đền bù 28 triệu đồng.
Ông Ngọc không ký giấy nhận tiền vì cho rằng số tiền này không đủ xây nhà mới hoặc sửa chữa. “Khi nhà sập họ có hỗ trợ 2 tháng cho gia đình 5 triệu đồng để thuê nơi ở, đến nay đã hết. Cả nhà phải tá túc trong nhà bếp chất hẹp, đồ đạc không biết để chỗ nào, mưa xuống bị ẩm ướt”, ông Ngọc than thở. Ông muốn nhà thầu phải tăng tiền đền bù, hoặc xây lại căn nhà như nguyên trạng.
Ông Ngọc bên bức tường đã sập. Ảnh: Đắc Thành. |
Tương tự, nhà bà Trần Thị Minh, cách đường cao tốc gần 50m, tường bị nứt nhiều nơi. Nhà chức trách về thẩm định và thông báo mức giá đền bù 10 triệu đồng. “Mức độ hư hỏng rất lớn, như mái ngói bị rơi xuống, mưa nước chảy đầy nhà”, bà Minh giãi bày.
Đến nay, nhà thầu mới chỉ đưa bạt đến lợp tạm trên mái nhà. Mức giá đền đưa ra, bà Minh cho rằng quá thấp. Theo bà, họ chỉ thẩm định những vết nứt hiện tại rồi đền bù mà không tính tổng thể cả ngôi nhà: "Các vết nứt sẽ ảnh hưởng đến đến sau này, lúc đó đơn vị thi công rút đi thì biết kêu ai?".
Bà Minh cùng người dân đã không ít kéo nhau lên đường chặn xe, máy móc làm đường. “Chúng tôi kiến nghị rất nhiều lần phải có phương án đền bù thỏa đáng cho người dân, thế nhưng đơn vị thi công không thực hiện. Tôi sống mình neo đơn, nhà cửa hư hỏng mà đền bù như vậy thì không đủ để khắc phục”, bà Minh gạt nước mắt và quả quyết sẽ cùng người dân lên cao tốc tiếp tục chặn xe, ngăn cản không cho nhà thầu làm tiếp khi đền bù chưa thỏa đáng.
Bà Trần Thị Minh bật khóc khi nói về mức tiền bồi thường ngôi nhà bị hư hỏng được 10 triệu đồng. Ảnh: Đắc Thành |
Cách đường cao tốc khoảng 15m, nhà ông Phạm Minh Hoàng xuất hiện nhiều vết nứt xuyên tường. Thậm chí, có thể từ trong nhà nhìn ra ngoài qua những vết nứt này - nhưng đơn vị thi công chỉ chấp nhận đền bù 8 triệu đồng.
Ngoài căn nhà hư hỏng, hồ nuôi ba ba gần 50 mét vuông của gia đình cũng nứt toắc, nước thoát ra ngoài. “Hơn 400 con ba ba không còn nơi sống, hồ cạn khô nước. Tôi bỏ ra mấy chục triệu đồng xây dựng, mỗi năm thu về hơn 10 triệu đồng tiền lời nhưng đơn vị thi công không đền bù”, ông Hoàng bức xúc.
Tường nhà ông Phạm Minh Hoàng nhiều vết nứt xuất hiện khi thi công đường cao tốc. Ảnh: Đắc Thành |
Ông Lê Hồng Quân, chủ tịch xã Tam Thái cho biết, đường cao tốc qua đi qua địa phương dài khoảng 4km, nằm trong gói thầu số 7, do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 chịu trách nhiệm.
“Trong quá trình làm đường có 57 hộ dân nhà cửa bị nứt, một nhà bị sập tường. Nguyên nhân máy lu rung lắc gây ra, chính quyền xã phối hợp với đơn vị thi công tiến hành thẩm định và có phương án đền bù”, ông Quân cho hay.
Theo chính quyền xã, hiện có 18 hộ dân đã đồng ý nhận tiền, các hộ còn lại chưa thẩm định xong hoặc chưa chấp nhận mức đền bù. Riêng trường hợp nhà của ông Trần Quốc Ngọc, xã đã kiến nghị nâng tiền hỗ trợ nhưng đến nay chưa được phản hồi.
Trước việc không tìm được tiếng nói chung về đền bù thiệt hại, nhiều lần người dân kéo lên đường cản trở việc xây dựng, xã làm công tác vận động. Công tác đền bù, ông Quân khẳng định sẽ làm theo đúng quy trình.
“Đơn giá bồi thường do huyện quy định, sau đó đơn vị thi công phối hợp với các cơ quan tổ chức giám định và chính quyền xã chi trả. Ngoài mức đền bù, chúng tôi sẽ kiến nghị đơn vị thi công có phương án hỗ trợ thêm cho người dân”, ông nói.
Tác giả: Đắc Thành
Nguồn tin: Báo VnExpress