Lấy chồng xa quê đã hơn 10 năm, lại sinh cùng lúc 3 đứa con nheo nhóc, thành ra Thái chẳng còn được mấy khi về thăm nhà đẻ. Nhà vốn neo người, bố mất sớm, anh trai Thái đã ra ở riêng từ lâu nên cũng ít khi về thăm mẹ. 10 năm lấy chồng thì may ra, Thái về quê được khoảng 3 - 4 lần, mà lần nào cũng vội vàng, ngồi chưa nóng chỗ đã vội đi ngay.
Bà Vang - mẹ Thái, là một phụ nữ kiểu truyền thống điển hình. Cả một đời chỉ biết chăm chăm làm lụng, lo cho chồng con. Đến khi dựng vợ, gả chồng xong xuôi cho hai đứa, bà vẫn giữ nguyên nếp sống tằn tiện như cũ. Nhiều người thủ thỉ với bà: "Sao bà dại thế, sao có tiền mà không chịu đem ra tiêu hay mua đồ ăn ngon, quần áo đẹp cho sướng thân. Đằng này lại cứ ki ca ki cóp, ăn không dám ăn, mặc chẳng dám mặc, giờ bà có còn phải nuôi ai nữa đâu!". Nhưng bà Vang chỉ đáp lại bằng nụ cười hiền từ: "Chưa được đâu, con cái tôi còn chưa sướng thì tôi sướng làm sao được".
Lần về thăm quê này, Thái dắt theo cả 3 đứa con về chơi với bà ngoại hẳn một tuần. Thằng út lần đầu được gặp bà, cứ cuống quýt hết cả lên, chạy nhảy liên hồi khắp cái sân rộng. Nhà bác cả, biết Thái về nên cũng ghé sang nhà ăn cơm. Đã lâu lắm rồi, cả nhà mới có một ngày tụ tập đông đủ như thế này. Nhìn con cháu đề huề, bà Vang mừng đến ứa nước mắt.
Buổi tối hôm ấy, Thái còn nhìn thấy mẹ lại bàn thờ thắp hương cho bố, miệng lẩm nhẩm khấn: "Nay chúng nó về đầy đủ hết ông ạ, nhà cửa vui lắm. Thôi thế là mình cũng chuẩn bị làm tròn nghĩa vụ của mình đi thôi, để tôi còn thanh thản về gặp ông nữa". Nghĩ là mẹ tuổi cao nên nghĩ lẩn thẩn, Thái cũng không để tâm lắm.
Ảnh minh họa |
Đến bữa cơm tối hôm ấy, bà Vang đem ra một cục tiền lớn được gói giấy báo cẩn thận, bên trong lại chia thành 3 gói nhỏ nữa, mỗi gói cũng phải 500 triệu đồng. Trước sự ngạc nhiên của các con cháu, bà vuốt lại gói tiền cho phẳng rồi chậm rãi nói: "Đây là toàn bộ số tiền mẹ tích cóp được trong suốt mấy chục năm qua. Hôm nay thấy các con về đông đủ như thế này, mẹ mừng lắm. Mẹ cũng gần đất xa trời rồi, chẳng biết còn sống được bao niên nữa. Mẹ đã chia tiền tiết kiệm ra làm 3 phần, phần này cho thằng Thanh, phần này cho cái Thái, còn phần này bà cho thằng út nhà Thanh, vì nó bị bệnh hiểm nghèo nên phải cần nhiều tiền chạy chữa".
"Mẹ, mẹ lấy đâu ra ngần ấy tiền?", Thanh sửng sốt.
"Ừ, tiền mẹ chắt bóp được. Mẹ làm việc này là theo di nguyện của bố con. Trước khi đi, bố con dặn mẹ là sau này dù có phải bán nhà, bán đất, cũng không được để các con phải khổ. Mẹ sống đến từng này tuổi mà vẫn chưa giúp đỡ được con cháu thứ gì, mẹ thấy thật có lỗi…", bà Vang nói, mắt đã rưng rưng.
Thái ôm lấy vai mẹ. Bà Vang tiếp lời: "Mảnh vườn trước mặt, mẹ đã bán đi để tiền cho các con. Còn căn nhà này, mẹ giữ lại, sau này cho con cháu còn lấy chỗ thờ cúng tổ tiên. Các con yên tâm, mẹ đã tính toán đâu vào đấy, không phải lo cho mẹ đâu".
Mãi sau này, khi hỏi hàng xóm, Thái mới biết hàng ngày bà Vang cứ đi khắp xóm nhận làm rau cỏ cho nhà người ta, chưa kể, bà cặm cụi tự trồng cây ăn quả, chăn gà, nuôi lợn đem bán đi để có tiền. Bữa cơm bình thường, bà ăn qua quýt, có khi nhịn, thức ăn cũng toàn bắt tạm ít cá nhỏ, mớ rau héo cho qua ngày.
Cầm tiền của mẹ, Thái và anh trai chỉ biết ngậm ngùi ngước mắt hết nhìn nhau rồi lại nhìn mẹ, cảm giác khó tả. Thấy bà Vang đã cương quyết, hai anh em cũng nghe lời, không quên cảm ơn bà. Trong lòng Thái thì thấy hối hận lắm, thế mà đã có những lúc, cô trách mẹ vì bà đã không lên nhà giúp đỡ cô lúc sinh đẻ, cũng vì mải mê kiếm tiền cho con theo lời chồng dặn dò. Cô định bụng, lát nữa sẽ ngồi tâm sự thêm với bà ít lâu, vì mai mấy mẹ con cô đã đi về nội rồi.
Ảnh minh họa |
Lúc hai mẹ con dọn dẹp trong bếp, Thái vô tình thấy bà Vang mở nắp thùng gạo, đặt vào trong đó một tờ tiền 10.000 đồng. Sực nhớ ra, mấy hôm nay, cũng giờ này là bà lại làm như thế. Ngó vào thùng, cô thấy bên trong có khoảng hơn 10 tờ tiền, xếp gọn gàng trong một chiếc túi nilon đã thắt nút. Bà Vang còn cẩn thận phủ một lớp gạo mỏng lên rồi mới đóng nắp thùng lại.
Thấy con gái nhìn sang, bà Vang đoán cô đang thắc mắc nên phân bua ngay: "Tiền đi trại dưỡng lão của mẹ đấy. Mẹ tính sau này già yếu, lẩm cẩm rồi, ở với con cháu thì khổ chúng mày ra nên đã dành dụm để sau này vào trại dưỡng lão. Mẹ ở thế cũng được, có khi còn vui hơn ở nhà".
Nghe mẹ nói, Thái sững sờ. Cô không ngờ rằng vì quá lo cho con nên ngay cả việc chăm sóc bản thân mình, bà cũng không muốn cậy nhờ đến con trai và con gái nữa.
Không để mẹ nói dứt lời, Thái lao vào ôm chầm lấy mẹ, khóc nức nở. Cô hối hận lắm, phận làm con mà không quan tâm được đến mẹ, chỉ biết nhận mà không quan tâm gì đến cảm xúc của bà. Ngày mai thôi, cô định sẽ ngồi bàn bạc với anh Thanh việc để bà Vang lên ở hẳn với nhà mình.
Tác giả: T.H
Nguồn tin: helino.ttvn.vn