Mỗi ngày, lớp học của người thầy giáo đặc biệt vẫn luôn rộn tiếng ê ah đánh vần và những con số cộng trừ nhân chia.
Đó là câu chuyện xúc động về anh Phùng Văn Trường (1979 ) – người thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Dùng miệng tập viết
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng càng lớn, tay chân anh Trường càng yếu, đi không vững phải vịn tường mới có thể đứng được.
Ở tuổi cắp sách đến trường, vì muốn con cũng bằng bạn bằng bè, biết mặt chữ, biết tính toán, bố anh cho con đi học, không cầm bút được thì ông kẹp bàn tay anh lại tập viết. Năm 1985, sau khi được các gia đình cho ra Hà Nội mổ, chân anh có thể tập tễnh, chống nạng tự đi học được.
Năm lớp 8, tay chân anh yếu rồi liệt hẳn, anh phải nghỉ ở nhà. Từ đó, cuộc đời anh gắn liền với chiếc xe lăn. Nhìn các bạn đồng trang lứa đi học, nỗi nhớ lớp, nhớ bảng đen phấn trắng đôi khi khiến cậu học sinh rơi vào bế tắc.
Trưởng thành, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, anh xin bố mẹ vượt ao, làm nhà ngoài mặt đường bán hàng kiếm sống.
Khoảnh khắc đời thường ! |
Thấy mình biết chữ mà không thể viết được, người ta mua chịu hàng không ghi chép được anh trăn trở lắm. Anh nghĩ thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký có chân để quặp bút viết, còn anh đến cả chân cũng không đứng được thì nói gì đến tập viết. Giờ muốn tập chỉ có cách dùng miệng thôi. Nghĩ là làm, anh cắn bút tập viết. Mới đầu chưa quen, cán bút chọc vào họng anh liên tục đến bật máu, gây buồn nôn. Bên cạnh đó, do phải cúi cả người và lưng xuống mặt bàn nên lưng và cổ rất mỏi, anh thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt. Đau đớn là thế mà chữ lại không ra hình thù gì, có lúc anh đã quẳng cả bút giấy đi không muốn tập nữa.
Nhưng rồi ông trời cũng không phụ lòng người, ròng rã hơn tháng trời kiên trì tập luyện, anh bắt đầu viết được, dần dần anh có thể làm chủ được cây viết và tự nghiên cứu ra những kiểu dáng chữ mới.
Thấy các cháu trong họ hàng học yếu, anh bảo gia đình đến anh rèn chữ, luyện toán giúp. Dần dần, các gia đình trong các thôn xung quanh cũng đưa con đến nhờ anh giúp. Phần lớn, các cháu học ở lớp anh đều là học sinh yếu kém, các cháu học ở các khối lớp khác nhau nên mỗi trường hợp anh phải soạn một giáo án riêng, làm sao các cháu dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất.
Cứ đều đặn, mỗi ngày sau giờ đi học là các phụ huynh lại đưa con đến lớp anh học. Nhiều cháu sau thời gian được anh rèn đã có thể làm được những phép tính cơ bản, viết gọn gàng, sạch đẹp hơn.
Đặc biệt là trường hợp một cháu bé bị tự kỷ, gia đình rất khó khăn, đưa đến nhờ anh dạy. Giờ cháu đã học lớp 5, học hành đã tiến bộ, chúa hoàn toàn có thể hòa nhập được với các bạn ở trường.
Nét chữ viết bằng miệng ! |
Anh quan niệm: Các cháu tiếp thu chậm không có nghĩa là không tiếp thu được, dạy một lần không nhớ thì tôi dạy lại nhiều lần, bao giờ các cháu nhớ được thì thôi. Như thế, sau này các cháu không đi học cao được thì cũng biết tính toán, rành mặt chữ mà làm ăn.
Ngày ngày, lớp học đặc biệt này của anh vẫn luôn rộn tiếng ê a đánh vần, tính toán phép cộng trừ nhân chia của lũ trò nhỏ đáng yêu. Với anh đó là cả niềm hạnh phúc của một người tàn nhưng không phế, mang chút công sức ra đóng góp cho đời.
7 năm cõng con chữ cho các học trò nghèo – giờ đây anh được nhiều người trìu mến gọi là thầy Trường – điều mà anh chưa bao giờ dám nhận. Vì với anh mỗi ngày trôi qua được truyền đạt những kiến thức, những nét chữ cho các em nhỏ đã là thỏa nguyện rồi.
Anh chia sẻ: Tôi chưa bao giờ tự nhận mình là thầy cả. Vì người ta học cao, đỗ đạt mới gọi là thầy giáo, còn tôi học chưa hết lớp tám, kiến thức cũng cơ bản thôi. Như nhà Phật nói, các cháu đến với tôi là do chữ Duyên. Tôi chỉ là người đi trước truyền lại những gì mình biết cho người đi sau thôi, giúp được các cháu là tôi thấy vui lắm rồi.
Và nơi đó, không chỉ tiếp thêm nghị lực cho anh Trường vươn lên trong cuộc sống, làm điều có ích cho đời, mà còn là nơi viết lên thiên tình sử tuyệt vời của anh và người phụ nữ trong làng, chấp nhận vượt qua định kiến xã hội, xây dựng gia đình nhỏ cùng anh.
Muốn làm vợ tôi, phải đủ ba điều kiện…
Sức khỏe yếu, tay chân ngày càng yếu do chứng thoái hóa cơ, dù gia đình cũng động viên, mai mối nhiều nơi cho anh lấy vợ nhưng mặc cảm bản thân anh đều từ chối. Anh nghĩ: Mình yếu ớt, còn không lo nổi cho thân mình, lấy vợ có khi lại trở thành gánh nặng, làm khổ người ta nên mình khước từ hết.
Chỉ đến khi dạy học cho các cháu, niềm vui sống, tinh thần anh mỗi ngày lạc quan hơn, yêu tiếng cười con trẻ thì suy nghĩ lập gia đình mới đến với anh.
Được các chị gái tìm hiểu, giới thiệu gặp gỡ người phụ nữ hơn anh 5 tuổi trong thôn, anh đồng ý gặp. Tại cuộc gặp đầu tiên, anh thẳng thắn: muốn làm vợ tôi cô phải chấp nhận 3 điều kiện thì chuyện mới thành được. Thứ nhất: Người ta có chân có tay, làm được nhiều việc. Tôi có chân có tay cũng như không, lấy tôi đồng nghĩa việc cô trở thành tay, thành chân của tôi. Thứ hai: Thể trạng tôi yếu ớt, cô phải thương tôi, người ta lấy vợ thì 7 phần đẹp, 3 phần nết nhưng tôi lấy vợ đẹp chỉ 1 phần thôi, còn nết phải 9 phần. Thứ 3: Người ta lấy nhau, hạnh phúc là có đứa con nhưng tôi thế này chắc gì đã con cái được. Nếu chẳng may không có thì cũng phải vui vẻ mà sống với tôi. Cô cứ suy nghĩ kĩ, đồng ý thì ta gặp lại nhau.
Thấy vậy, các chị gái anh kêu anh gàn, người ta đồng ý gặp rồi thì phải có thời gian tìm hiểu, chưa gì nói vậy, chắc gì người ta ưng nữa.
Anh không biết rằng, người phụ nữ đó, từ lâu đã biết đến ý chí và nghị lực kiên cường của anh nên đã sinh lòng cảm mến. Trước những điều kiện anh đưa ra, chị cũng trăn trở rồi lại gạt đi. Chị Ngô Thị Hường chia sẻ: Lúc đó thấy anh Trường nói vậy, càng suy nghĩ tôi càng thấy thương hơn, muốn bù đắp lại những bất hạnh anh ấy đã trải qua.
Lần thứ hai gặp gỡ, chị đồng ý với những điều kiện của anh. Tuy vậy, sóng gió vẫn chưa dừng để anh chị có thể viên mãn bên nhau trong ngày vu quy. Dù chị đã gật đầu làm vợ anh, nhưng bố đẻ chị ra sức ngăn cản, ông không muốn con gái ông lấy người chồng khuyết tật, người ta có chồng khỏe mạnh, nương tựa nhau lúc ốm đau, bệnh tật, chăm sóc lúc tuổi già, lấy chồng như vậy, sẽ khổ cho chị. Phần chị, chị không dám trái ý bố nên đã có lúc tưởng hôn sự không thành. Mất nhiều tháng anh và các chị mình ra sức thuyết phục, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, cuối cùng ông cụ cũng gật đầu đồng ý.
Giờ con trai đầu lòng đã được 3 tuổi, với anh đây là món quà quý giá mà ông trời ban tặng cho anh. Cháu bé sinh ra khỏe mạnh, lành lặn, khôi ngô tuấn tú, dù còn nhỏ nhưng biết yêu thương bố mẹ. Anh đặt tên con là Phùng Thiên Trường Quảng – vừa hàm ý là món quà trời ban, vừa mang những tâm tư nguyện vọng của anh gửi gắm đến con trai.
Diệu Bình