Trong nước

Thấy gì từ việc nhiều cán bộ cao cấp bị đề nghị kỷ luật?

"Dù là kỷ luật nhiều người nhưng mức độ nhẹ như khiển trách, cảnh cáo. Còn số người mất chức là bao nhiêu?…", Ông Nguyễn Đình Hưng, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức TW, Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ TW

Lời tòa soạn: Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ) khóa XI tại kỳ họp thứ 20 đã xem xét, thống nhất kết luận và giải quyết nhiều nội dung quan trọng liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban. Cũng tại kỳ họp này, UBKT TƯ cũng yêu cầu kỷ luật một số cán bộ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức TW, Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ TW về vấn đề này.


Ông Nguyễn Đình Hương (Ảnh: Tuấn Nam)
Ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức TW, Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ TW (Ảnh: Tuấn Nam)


PV: Ông cảm nhận như thế nào về việc yêu cầu kỷ luật một số cán bộ tại kỳ hợp thứ 20 của UBKT TƯ khoá XI vừa qua?


Ông Nguyễn Đình Hương: UBKT TƯ xử lý số lượng cán bộ trong cùng một lúc như vậy là nhiều (bởi ở các nhiệm kỳ trước số lượng cán bộ kỷ luật rải rác trong nhiệm kỳ – PV). Còn tình tiết nặng nhẹ thì tôi cũng không hiểu được. Tuy nhiên, có 3 điều chú ý:


Thứ nhất đây là một việc làm thường xuyên của UBKT TƯ chứ không phải là khi có Nghị quyết TƯ 4 thì mới làm. Khi chưa có Nghị quyết TƯ 4 thì UBKT TƯ cũng làm những việc này, kỷ luật trong Đảng là bình thường. Lần này có Nghị quyết TƯ 4, đây có phải là một việc làm mới không? thì tôi cho là không mới.


Thứ hai, chuyện cán bộ vi phạm như nhận định của Nghị quyết 4 là suy thoái nhiều mà đợt kỷ luật này chưa phản ánh hết được. Tôi chắc rằng UBKT TƯ cũng nhận định như tôi rằng không chỉ có số này vi phạm.


Thứ ba, tôi thấy có một dấu hiệu khác. Chúng ta mới xử lý được cấp tỉnh thôi, mới chỉ thấy có ông Hà Hùng Cường (Bộ trưởng Bộ Tư pháp) phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm.Tuy nhiên việc này cũng không thể trách UBKT TƯ được. BKT TƯ làm việc như thế này là tốt, đáng mừng khi đã có Nghị quyết TƯ 4. Tuy nhiên không thể nói là không có Nghị quyết TƯ 4 thì không làm được. Cứ ai vi phạm kỷ luật thì xử lý thôi.


PV: So với Nghị quyết TƯ 4, số lượng cán bộ bị UBKT TƯ yêu cầu kỷ luật lần này nói lên điều gì, thưa ông?


Ông Nguyễn Đình Hương: Nếu căn cứ vào việc này để đánh giá sự chuyển biến của Nghị quyết TƯ 4 thì tôi đánh giá, việc kỷ luật cán bộ như vậy vẫn chưa ngang tầm và cũng chưa giải quyết xong như Nghị quyết TƯ 4 đã chỉ ra. Theo như Nghị quyết TƯ 4 thì tình trạng còn nghiêm trọng hơn nhiều.


PV: Vậy, còn so với các nhiệm kỳ trước…?


Ông Nguyễn Đình Hương: Số lượng cán bộ kỷ luật ở các nhiệm kỳ trước cũng nhiều nhưng đó là kỷ luật rải rác trong nhiệm kỳ. Điều đó cho thấy kỳ họp này của UBKT TƯ là bình thường và cũng như các kỳ họp khác. Trước đây còn có những vị quan chức ở cấp TƯ bị mất chức. Lần này UBKT TƯ xử lý kỷ luật đông thì có đông nhưng mức xử lý là những mức độ nhẹ nhàng.


Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn còn nhiều vị cán bộ bị xử lý chứng tỏ mức độ kỷ luật các cán bộ trước đây của ta chưa đủ sức răn đe để không có cán bộ mắc vi phạm tương tự.


Tôi quan tâm đến 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là các vụ án lớn làm thất thoát nhiều tiền của Nhà nước thì bị kỷ luật bao nhiêu người? Thứ hai là mức độ kỷ luật. Dù là kỷ luật nhiều người nhưng mức độ nhẹ như khiển trách, cảnh cáo. Còn số người mất chức là bao nhiêu? Trong lần này, theo tôi được biết chỉ có ông Nguyễn Đình Nhương ở Quế Võ, Bắc Ninh bị mất chức thôi.


PV: Việc kỷ luật nghiêm minh chỉ là biện pháp xử lý sau công tác bổ nhiệm cán bộ khi có vấn đề. Trong thời gian tới, những người thực hiện công tác cán bộ phải chú ý điều gì để chất lượng cán bộ tăng lên, thưa ông?


Ông Nguyễn Đình Hương: Trong công tác cán bộ có những điểm khó lắm. Bởi vì con người cũng có những biến động, trước khi được bổ nhiệm thì là một cán bộ tốt, nhưng sau khi bổ nhiệm, quyền đi kèm với lợi nên dẫn đến việc lạm dụng quyền hành để trục lợi cho cá nhân.


Nhân dân khi đã nhận xét về cán bộ thì rất chuẩn, nhân dân có khả năng nhận ra ai tốt, ai xấu nên tôi cũng lưu ý, công tác cán bộ không dựa trên ý kiến của nhân dân thì sẽ kém.


Liên quan đến dư luận chạy công chức 100 triệu ở Hà Nội được dư luận quan tâm cách đây không lâu, theo thẩm quyền thì vụ việc này Hà Nội vào cuộc thôi. UBKT TƯ nên vào cuộc những vụ việc lớn hơn của đất nước. Đó là những vụ làm thất thoát hàng nghìn tỷ.


PV: Ông có hy vọng trong thời gian tới, UBKT TƯ sẽ làm được những việc như thế không?


Ông Nguyễn Đình Hương: Khó đấy. Việc này không phải do cơ quan nào kém mà là vấn đề khác.


Chống tham nhũng không phải là việc đốt đèn đi bắt muỗi bởi tìm được con này, xử lý được con này thì con khác sẽ xuất hiện. Vấn đề ở chỗ là UBKT TƯ, ban Nội chính phải nghiên cứu xem cái gì tạo ra tham nhũng để rồi có biện pháp xử lý.


Cán bộ có quyền thì bao giờ cũng đi kèm với lợi. Nhưng cái xe nào cũng cần có phanh để nó có thể vận hành tốt. Nói như thế là để tìm cái gọi là phanh cho vấn đề tham nhũng mà ở đây chính là gốc của vấn đề.


PV: Thưa ông, nhận ra gốc vấn đề như vậy nhưng hẳn là có điểm khó để có thể thay đổi cơ chế sao cho phù hợp?


Ông Nguyễn Đình Hương: Sửa là đúng! Nếu là tôi thì tôi dám sửa.


Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ ý kiến!

Tri Thức Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP