Còn nhớ, cũng độ này 2 năm trước, khi Báo Hà Tĩnh phản ánh “Dự án gần ngàn tỷ ì ạch thi công do nhà thầu không tập trung”, không ít cán bộ trong ngành chủ quản từng tỏ ý băn khoăn với tôi bởi một lẽ: Tập đoàn Xuân Thành là nhà thầu mạnh, có tiếng trong thi công các công trình giao thông, thủy lợi lớn trong cả nước nên sẽ không có gì đáng ngại với tiến độ hoàn thành dự án nâng cấp đê La Giang! Song, với lần trở lại công trường vào một ngày trung tuần tháng 11 này, vấn đề đã trở nên phức tạp hơn…
Ngã ba Bấn (phường Trung Lương – TX Hồng Lĩnh) là điểm cuối trong chiều dài 19,2 km của tuyến đê La Giang nhưng lại là điểm đầu gần nhất để tiếp cận công trường dù theo hướng từ ngoài Bắc vào hay trong Nam ra. Từ đây (k19), ngược lại k14+00, thuộc gói thầu 1 (giá hợp đồng hơn 209,5 tỷ đồng, sau cắt giảm còn 173,9 tỷ đồng), người tham gia giao thông đã có thể bon xe trên tuyến đường bê tông phẳng lì, rộng 7m của cơ đê phía đồng (trong đê) và mát mắt với những thảm cỏ xanh bên mái đê; nếu lên đỉnh đê, bách bộ trên tuyến đường bê tông rộng 5m và phóng tầm mắt về phía dòng La hiền hòa uốn lượn hay những cảnh làng bình yên trong khói lam chiều, sẽ thấy đê La Giang còn cho ta nhiều giá trị ngoài một tuyến đê phòng lũ.
Gói thầu 1 (nâng cấp đê đoạn k14 – k19) chỉ còn khối lượng nhỏ nhưng nhà thầu vẫn không tập trung xử lý dứt điểm |
Tiếc là niềm vui đó chỉ kéo dài… một đoạn hơn 3 km, bởi lẽ, gói thầu 1 này đáng lý hoàn thành vào 30/7/2011, sau đó là 15/10/2012 (gia hạn lần 1) và cuối cùng là 20/7/2014 (gia hạn lần cuối) thì đến nay vẫn còn 5% khối lượng mà nhà thầu Công ty CP Xuân Thành Group đang “nợ” gồm: hạng mục vỉa hè cơ đê phía tường chắn, đắp đất hoàn thiện mái đê, làm phai tại Đò Hào và đấu nối điểm cống Trung Lương. Vậy nhưng, tại công trường gói thầu 1, hiện không một bóng người chứ đừng mong tìm được xe, máy đang làm việc.
Cứ cho gói thầu 1 chỉ còn những hạng mục nhỏ, không mất nhiều thời gian để giải quyết dứt điểm, song, với gói thầu 2 (nâng cấp đê đoạn từ k0 – k14+00 có khối lượng đất đào đắp hơn 800 ngàn m3, đổ bê tông hơn 43 ngàn m3; làm 3 tuyến đường cứu hộ đê) đến nay đã quá hạn hơn 2 năm (theo hợp đồng là 14/10/2012 hoàn thành) với giá trị thực hiện mới đạt 55%, mà công trường cũng chỉ lác đác dăm bảy người cào cuốc, 1 máy xúc đất đào tường chắn cơ đê… thì thật khó hiểu trước sự “đủng đỉnh” của Công ty CP Xuân Thành Group.
Theo đại diện nhà thầu, do trạm trộn đang bảo dưỡng nên xe máy “tạm nghỉ” |
Ngược đến điểm nhà thầu đặt trạm trộn bê tông (xã Đức Yên, Đức Thọ), tôi may mắn gặp phụ trách kỹ thuật gói thầu 2 – Trần Văn Hợi, được hay, sau khi đổ bê tông 3 tuyến đường ứng cứu đê ở các xã: Đức Nhân, Yên Hồ và Bùi Xá (Đức Thọ), thi công đang tập trung đào đất kết hợp đổ bê tông tường chắn cơ phía trong đê. Tuy nhiên, trong vài ngày nay, do trời lác đác mưa nên công nhân tranh thủ bảo dưỡng trạm trộn buộc nhân lực và xe, máy tạm nghỉ.
Cũng theo vị này, trên công trường gói thầu số 2 hiện có khoảng 150 lao động, 4 xe bồn, 3 máy xúc ủi, nhiều xe chuyên dụng khác. Nói vậy, chứ kiếm ra vài chục người giờ còn thấy khó chứ với số lượng như người phụ trách kỹ thuật này nói quả rất khó tin, bởi khi tiếp tục ngược đến đoạn cuối thuộc địa phận xã Đức Yên về Tùng Ảnh (Đức Thọ) – nơi đơn vị thi công đang triển khai đào đất kết hợp đổ bê tông tường chắn cơ trong phân đoạn k2 – k3+200 tôi chỉ thấy thêm 2 lao động đang gia trát một số điểm rỗ của mấy đốt bê tông vừa tháo ván khung.
Ông Đinh Ngọc Đáp (55 tuổi) lặn lội từ Ninh Bình (nơi Tập đoàn Xuân Thành “đóng đô”) vào đây hồi đầu năm, cho biết, tốp của ông có hơn 10 người, chủ yếu xử lý phần bê tông nhưng công việc đang tạm ngưng. Đối diện với đó, phần tường chắn mái đê đoạn k0 – k3+600 từ Tùng Ảnh đến Đức Yên đã hoàn thành, đất đắp mái đê đã được tập kết phần nào nhưng chưa thấy đơn vị thi công có động thái nào hơn.
Có vẻ như phần việc chính hiện nay đối với gói thầu 2 đoạn k0 – k14 là đổ bê tông tường chắn cơ đê nhưng nhà thầu cũng không vội lắm |
Theo Ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản ngành NN&PTNT (đại diện quản lý Dự án nâng cấp đê La Giang cho chủ đầu tư là Sở NN&PTNT), nếu nói về khó khăn trong quá trình triển khai dự án thì có chăng chỉ là vài “điểm nghẽn” trong nguyên liệu đất đắp, nhưng từ ngày 20/6/2014, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã giới thiệu cho nhà thầu mỏ đất ở đồi Mù Trúc, xã Đức An (Đức Thọ). Theo giấy phép, mỏ này có diện tích 3 ha, đủ trữ lượng (khoảng 306.371m3), chất đất tốt, giá cả phù hợp, quãng đường vận chuyển từ mỏ đến hiện trường (k6+00) chỉ 15 km và đảm bảo cho xe tải trọng dưới 12 tấn hoạt động, song, không hiểu vì lý do gì, đến nay, Công ty CP Xuân Thành Group vẫn chưa thỏa thuận với chủ mỏ để khai thác đất đắp cho hơn 200 ngàn m3 còn thiếu hụt (tính cả khối lượng bù đỉnh đê do cắt giảm bê tông mặt).
Không chỉ “siêu” chậm tiến độ, quá trình thi công dự án này còn bộc lộ nhiều tồn tại mang tính chủ quan. Rõ nhất là nhà thầu Công ty CP Xuân Thành Group không có chỉ huy trưởng công trường; kỹ thuật thi công thay đổi, luân chuyển thường xuyên; lực lượng thi công nhiều lúc không chấp hành chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật chủ đầu tư; hồ sơ quản lý chất lượng tại hiện trường không cập nhật theo tiến độ thi công… Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty CP Tư vấn xây dựng dân dụng và Công nghiệp Ninh Bình chưa thực hiện nghiêm công tác quản lý chất lượng tại hiện trường, để đơn vị thi công đưa vật liệu đá dăm đổ bê tông cơ đê vào thi công dẫn đến bị chủ đầu tư đình chỉ. Nhà thầu tư vấn thiết kế (liên danh Công ty CP Tư vấn xây dựng HANOCO) không tiếp tục thực hiện hợp đồng nên việc điều chỉnh đoạn đê từ k3+650 – k4+640 và bổ sung tuyến mương thoát nước dọc đường từ ngã tư Trổ đến Đò Hào đoạn qua xóm mới Nguyễn Biểu, xã Yên Hồ (Đức Thọ) vẫn chưa triển khai được…
Tại thời điểm PV có mặt (10/11/2014), công trường chi duy chiếc máy xúc này hoạt động |
20/2/2015 là thời hạn cuối cùng để gói thầu 2 hoàn thành, đồng thời, Dự án nâng cấp đê La Giang khép lại, nhưng với khối lượng thực hiện đến 31/10/2014 cho phần đất đào đắp mới đạt 601.800/814.400 m3 (hơn 73,8%), đổ bê tông cơ đê 12.390/22.271 m3 (55,6%), đổ bê tông tường chắn cơ đê 6.435/13.227 m3 (48%), đổ bê tông đường cứu hộ 5.012 m3/7.570 m3 (66,6%)… cho thấy đây là “nhiệm vụ bất khả thi” dù nguồn vốn đã bố trí đến năm 2014 là 558,4 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư sau điều chỉnh 658 tỷ đồng.
Lo ngại hơn là nhà thầu đã ứng trước 97 tỷ đồng (Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống bão lụt Hà Tĩnh cho ứng nhưng không có bảo lãnh) trong khi giá trị thực hiện mới đạt khoảng 50 tỷ đồng, nhưng đến nay cũng chưa làm hồ sơ thanh toán, kéo theo việc giải ngân hết nguồn vốn đã bố trí năm 2014 khó như “bắc thang lên trời”!
Một buổi làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành để nghe “bầu” Thụy cam kết thời gian hoàn thành dự án hoặc chấm dứt hợp đồng cho nhà thầu khác vào thi công với chủ đầu tư Sở NN&PTNT là khá xa xỉ nhưng lại là việc cần làm ngay đối với UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm “giải phẫu” những tồn tại mà dự án nâng cấp đê La Giang đang gặp phải, bởi thời gian đếm ngược đến 31/12/2014 cho 100 tỷ đồng đã bố trí năm 2014 không còn nhiều!
Hải Nguyễn