Vòng quay Thể thao

Thể thao khuyết tật Việt Nam chờ kỳ tích tại Paralympic Rio 2016

Số lượng VĐV đến dự Paralympic Rio đông kỷ lục, chưa bao giờ Việt Nam lại tự tin giành huy chương lớn như kỳ Đại hội này. Những cái tên như Lê Văn Công, Cao Ngọc Hùng, Võ Thanh Tùng… hứa hẹn sẽ làm nên lịch sử trên đất Brazil.

“Đến Olympic để dành huy chương”

Sau khi kết thúc giải thể thao Người khuyết tật toàn quốc từ ngày 8 – 14/7, các VĐV đã mang lại niềm tin giành huy chương rất lớn cho BHL và Hiệp hội Paralympic. Sự tự tin ấy không đơn thuần chỉ là khích lệ mà thể thao khuyết tật năm nay được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn.

Theo nhận định của HLV Nguyễn Hồng Phúc (đội cử tạ Việt Nam) thì niềm tin lớn nhất của đội là lực sĩ Lê Văn Công với hạng cân 49kg đã phá kỷ lục thế giới tại giải thể thao Người khuyết tật toàn quốc khi anh nâng thành công tạ 186kg (hơn VĐV Yakubu người Nigeria cạnh tranh với Công nhiều năm nay là 3kg).

Song song với thành tích đáng nể của Lê Văn Công thì người đồng nghiệp của anh là Nguyễn Bình An hạng cân dưới 54kg cũng đang chạm mốc tạ 184kg (kém thành tích thế giới của VĐV Malaysia là 5kg).


Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam hy vọng làm nên bất ngờ tại Paralympic 2016.Ảnh: H.G

Dù thấp hơn 5kg so với cột mốc thế giới nhưng VĐV Nguyễn Bình An vẫn là ứng cử viên nặng ký nuôi tham vọng tranh chấp huy chương. Theo nhận định của HLV Nguyễn Hồng Phúc thì: “Lê Văn Công được đánh giá có tâm lý vững và hy vọng em sẽ phát huy được khả năng ở Paralympic để làm nên lịch sử cho thể thao khuyết tật Việt Nam. So với Công thì tâm lý của Bình An không vững vàng bằng, nhưng nếu giữ được mức đó, Bình An cũng có HCB Paralympic”.

Ngoài cử tạ thì điền kinh cũng là một môn thi đấu được mong đợi sẽ giành được huy chương. Và cái tên sáng giá nhất là Cao Ngọc Hùng với sở trường ném lao. Tại giải thể thao Người khuyết tật toàn quốc năm 2016 thì anh đã đạt được 41m71. Ngọc Hùng đã phá kỷ lục của chính anh vì trước đây tại giải vô địch điền kinh Châu Á – Đại Dương Dubai 2016, anh đã giành HCV với cự ly 40m98. Với bản lĩnh và phong độ ổn định như hiện nay thì việc Ngọc Hùng bứt phá để nới rộng thành tích hơn nữa là điều hoàn toàn có thể.

Trước những kỷ lục và thành tích ấn tượng của các VĐV năm nay, ông Vũ Thế Phiệt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Paralympic đã không ngại đưa ra những quyết tâm mạnh mẽ cho Đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam bằng nhận định: “Chúng ta đến với Olympic năm nay không chỉ để học hỏi nữa mà tham dự để dành huy chương.”

Năm nay chuẩn bị “đỉnh” nhất

Với thành tích ấn tượng của các VĐV thì khâu chuẩn bị từ sức khẻo đến tập luyện cũng như tâm lý cho các VĐV cũng được hiệp hội Paralympic quan tâm bật nhất. Hiện tại chế độ dinh dưỡng và công tác chăm sóc chấn thương đã được Tổng cụ TDTT cùng Phòng Y học của BHL đảm trách. Ngoài ra, tháng 4/2016, Ủy ban Olympic VIệt Nam cùng nhiều nhà tài trợ đã hợp tác để chăm sóc dinh dưỡng cho các VĐV tham dự Paralympic 2016.

Ông Vũ Thể Phiệt cho hay: “Paralympic là một giải đấu vô cũng khắc nghiệt vì nơi đây tập trung những VĐV khuyết tật giỏi nhất hành tinh. Vì vậy, công tác chuẩn bị vô cùng quan trọng. Không phải đến lúc này chúng tôi mới chuẩn bị mà ngay từ đầu năm, hiệp hội đã có sự quan tâm đặc biệt với các VĐV. Đối với các VĐV thi đấu đạt suất chính thức đến Brazil thì sẽ được hưởng chế độ đặc biệt gồm 400 nghìn tiền ăn và 400 nghìn tiền chế độ tập luyện.

Ngoài ra hiệp hội còn vận động các đơn vị tài trợ bên ngoài để có thể hỗ trợ thêm về mặt dinh dưỡng cũng như tài chính cho từng VĐV. Chưa năm nào các VĐV đội tuyển được chuẩn bị đầy đủ như năm nay”. Trước giờ lên đường trong buổi lễ xuất quân tại TP.HCM, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic, Phạm Văn Tuấn phấn khởi chia sẻ các VĐV đang rất hưng phấn trước giờ lên đường.

Vào lúc 11h46 (giờ địa phương, 9h46 giờ Việt Nam) ngày 19/10 tại Incheon (Hàn Quốc) Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã có được tấm huy chương đầu tiên tại ASIAN Para Games 2.

Có sự chuẩn bị từ đầu năm nên các VĐV có nền tảng rất vững vàng. Thiệt thòi lớn nhất trước khi đến Brazil là các VĐV không được cọ sát quốc tế cũng vì lý do kinh phí. Nhưng vượt trên tất cả, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện hy vọng các VĐV Việt Nam sẽ tự tin vào bản thân để mang vinh quang về cho đất nước. Bộ trưởng không đặt nặng chỉ tiêu thành tích vì đến được Rio năm nay đã là thành công lớn với rất nhiều VĐV. Từ cảm hứng Hoàng Xuân Vinh, các VĐV cho biết sẽ “dựa hơi” người hùng của Thể thao Việt Nam để lấy may và làm động lực chinh phục huy chương.

VĐV bơi Võ Thanh Tùng, người có đến 5 HCV cho thể thao Việt Nam ở ASIAN Games 2014 chia sẻ: “Trước đây ở Hàn Quốc dự ASIAN Games, tôi thấy Ánh Viên đoạt huy chương nên đã lấy Ánh Viên làm gương để cố gắng. Và rồi may mắn đã mỉm cười với tôi. Năm nay, anh Hoàng Xuân Vinh là động lực không chỉ của tôi mà tất cả các VĐV Việt Nam”.

HLV Đặng Văn Phúc (đội điền kinh khuyết tật Việt Nam) chia sẻ: “Người thường không dám đặt mục tiêu huy chương ở Olympic lần này nhưng thể thao khuyết tật thì dám nhận sẽ có huy chương. Đặc biệt tôi biết cử tạ rất mạnh”. Với sự tự tin và hưng phấn, Thể thao Việt Nam có cơ sở để đón nhận tin vui từ Paralympic Rio 2016.

Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam dự Thế vận hội Paralympic Rio 2016 với tổng số 22 thành viên, gồm 11 VĐV, 1 VĐV dẫn đường, 3 HLV, 2 phiên dịch, 5 cán bộ, bác sỹ tham gia thi đấu ở 3 môn là bơi, cử tạ, điền kinh. Trong số đó, TP.HCM vinh dự đóng góp đến 10 VĐV. Trước giờ lên đường, Đoàn đã dâng hương Tượng đài Bác Hồ tại TP.HCM.

Trang Ý – Diệu Hoàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP