Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có nhiều bộ SGK. Ảnh: HH |
Tại tọa đàm trực tiếp với chủ đề “SGK cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, do Báo Lao động tổ chức ngày 17/9, ông Thái Văn Tài - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT đã cho biết như vậy.
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học thông tin, việc thẩm định SGK phải bắt đầu từ các câu chuyện thực, các văn bản Nghị quyết 88 của Quốc hội và xuất phát từ chỉ đạo cao nhất là Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương.
Từ Nghị quyết 88, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04 về chương trình SGK. Trong các văn bản nói trên đã khẳng định SGK theo chương trình GDPT mới phải đáp ứng những yêu cầu rõ ràng.
Trách nhiệm trong luật cũng nói rất rõ về trách nhiệm của Hội đồng Thẩm định (HĐTĐ) Quốc gia và trách nhiệm của Bộ GD&ĐT phân công các tổ chức thực hiện.
Để thực hiện các nội dung trên, Bộ đã ban hành Thông tư 33 năm 2017 và năm 2018 ban hành Thông tư 32. Các tổ chức, cá nhân muốn viết sách phải theo quy định trong 2 thông tư này.
"Cho tới thời điểm Bộ GD&ĐT thông báo, có 3 NXB gửi 5 bộ bản thảo SGK. Chúng tôi đánh giá đây là thành công bước đầu thực hiện các chỉ đạo của Đảng, sự đổi mới chương trình SGK trong giai goạn mới . Tuy nhiên, trong 5 bộ, có sách tiếng Việt, sách Toán, sách Giáo dục thể chất… có nhiều sách không đạt", ông Thái Văn Tài nói.
Lý do không đạt được ông Tài lý giải là những bản thảo này HĐTĐ đã áp dụng những điều kiện tiên quyết từ Thông tư 33 về cấu trúc SGK, những nội dung SGK. Sau đó, đi vào mạch kiến thức theo quy định ở Thông tư 32.
Ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Tô Thế |
Ông Tài cũng nhấn mạnh: Tác giả có quyền chỉnh sửa bản thảo không đạt và nộp lại cho ban tổ chức để thẩm định lại. Tới thời điểm này, kết thúc vòng 1 với 5 bộ SGK, các tác giả chưa có 1 phản hồi chính thức nào thông qua NXB trình lên hội đồng.
Nói về thành viên HĐTĐ, ông Tài thông tin, HĐTĐ được thành lập dựa trên 1 quy trình chặt chẽ có giáo viên, nhà quản lý, nhà khoa học chuyên sâu, có cả ở miền Nam, miền Trung, miền Bắc và cả ở vùng khó khăn. Hội đồng có 15 ngày để tiếp cận và 7 ngày để các thành viên thảo luận với nhau.
Để lựa chọn được những bộ SGK chất lượng tốt nhất, kịp tiến độ triển khai chương trình GDPT mới trong năm học 2020 - 2021, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết: Sau khi ban hành chương trình theo Thông tư 32, Bộ đã có chỉ đạo các địa phương bằng Văn bản số 344 để cụ thể hoá các nội dung chuẩn bị trong thẩm quyền của chính quyền các cấp.
Hiện nay, các địa phương đều đã thành lập ban chỉ đạo ban hành các kết hoạch triển khai cụ thể. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức sơ kết việc chỉ đạo, chuẩn bị cho chương trình GDPT mới tại các địa phương.
Ông Tài chia sẻ: Với các văn bản hướng dẫn đã có các cụm chuyên môn liên quan hướng dẫn. Ví dụ: Giáo dục tiểu học có văn bản hướng dẫn nội dung chương trình tại các địa phương, văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học ngay ở chương trình lớp 1…
Bên cạnh đó, các văn bản liên quan đến các môn học có yếu tố mới như môn học trải nghiệm cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn sớm 1 bước để các thầy cô giáo trải nghiệm.
Về chuẩn bị tài liệu SGK, ông Tài cho rằng, đây là việc làm rất lớn. Theo kế hoạch, trước ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thẩm định SGK lớp 1.
Song song với đó, Bộ đang lấy ý kiến thông tư quy định, hướng dẫn các địa phương lựa chọn SGK theo đúng quy định. Thông tư này dự kiến ban hành trong tháng 12/2019. Đây là cơ sở để địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ lựa chọn SGK.
“Sau khi có SGK, địa phương sẽ thực hiện tập huấn chương trình đối với giáo viên, giáo viên phải tìm hiểu về chương trình, SGK được lựa chọn và tìm hiểu về các văn bản liên quan”, ông Tài nói.
Tác giả: Hải Hà
Nguồn tin: Báo Thanh tra