Hiện trường toa tàu AH2 bị trật bánh ở Bình Thuận ngày 19/2 |
Từ đầu năm 2019 đến nay trên tuyến đường sắt Bắc - Nam xảy ra 4 vụ tàu đang chạy bị trật bánh, gây gián đoạn giao thông đường sắt. Vụ mới nhất xảy ra sáng 19/2, tàu chở hàng AH2 chạy từ ga Sóng Thần ra phía Bắc, khi qua khu gian Sông Dinh - Suối Kiết (Bình Thuận) bị trật bánh 3 toa tàu, khiến 1 toa bị đổ.
Trước đó, tối 18/2, tàu chở hàng SB1 bị trật bánh tại khu gian Mỹ Lý - Quán Hành (Nghệ An). Ngày 14/2, trật bánh toa xe tàu khách Thống Nhất TN7 tại khu gian Biên Hòa - Hố Nai (Đồng Nai). Rạng sáng 2h10 sáng 27/1, tàu khách Thống Nhất SE1 trật bánh khi chạy qua ga Sông Lòng Sông (Bình Thuận).
Các vụ tàu trật bánh gây gián đoạn vận tải đường sắt, nặng nhất là vụ tàu chở Thống Nhất SE1, khiến đường sắt Bắc - Nam bị tắc nghẽn kéo dài hơn 10 giờ, gây rối loạn biểu đồ chạy tàu.
Trước hiện tượng bất thường trên, Cục Đường sắt VN đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN có biện pháp chấn chỉnh, khẩn trương phân tích, tìm nguyên nhân các vụ tai nạn trên và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt, tàu trật bánh có thể do các nguyên nhân như: tàu va phải chướng ngại, lỗi hạ tầng đường sắt (chất lượng ray, nền đường); bộ phận chạy (giá chuyển hướng) trên toa xe... Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, các sự cố trật bán trên đang được hội đồng phân tích sự cố của ngành đường sắt đánh giá tìm nguyên nhân.
Tuy vậy, theo một chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt, trong số các sự cố trên, đáng lưu ý là có trường hợp toa tàu bị trật bánh khi đang chạy trên đoạn đường ray nằm thẳng. Ngoài ra, năm 2017 từng có trường hợp nhân viên tuần đường phát hiện đường ray trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng bị gãy trước khi đoàn tàu đến. Điều này phần nào cho thấy có chất lượng của ray không đảm bảo là một trong những nguyên nhân có thể dẫn khiến tàu trật bánh.
Đăng kiểm viên kiểm định tiêu chuẩn mòn của bánh tàu tại xưởng bảo dưỡng toa xe |
Liên quan đến trách nhiệm kiểm định chất lượng của ray đường sắt quốc gia, ngày 20/2, ông Trần Xuân Sinh, Trưởng phòng Đường sắt Cục Đăng kiểm VN cho biết, Cục Đăng kiểm VN chịu trách nhiệm kiểm định an toàn kỹ thuật lĩnh vực đường sắt, nhưng chỉ kiểm định đối với phương tiện (đầu máy, toa xe, linh kiện, thiết bị trên phương tiện...) còn ray đường sắt thuộc kết cấu hạ tầng, do ngành đường sắt quản lý, chịu trách nhiệm.
“Việc kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện đường sắt được thực hiện theo Thông tư số 29 ngày 14/5/2018 của Bộ GTVT. Theo đó, đơn vị đăng kiểm kiểm định, cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện đường sắt theo định kỳ. Còn đường ray, hệ thống thông tin tín hiệu hoặc kỹ thuật khác trong hệ thống đường sắt quốc gia do ngành đường sắt quản lý, duy trì chất lượng”, ông Sinh cho biết.
Theo quy định tại thông tư trên, đầu máy, phương tiện chuyên dùng có động cơ nhập khẩu và sản xuất mới sau lần kiểm định đầu tiên để hoạt động, sau 18 tháng phải kiểm định lại, toa xe khách 28 tháng, toa xe hàng 36 tháng.
Từ lần kiểm định thứ 2, chu kỳ kiểm định đối với đầu máy là 18 tháng, toa xe khách 14 tháng, toa xe hàng 20 tháng (niên hạn dưới 30 năm). Nhóm đầu máy, toa xe đã sản xuất trên 30 năm có chu kỳ kiểm định 12 -15 tháng/lần.
Tác giả: Hồng Xiêm
Nguồn tin: Báo Giao thông