Giờ đây, phạm nhân Nguyễn Duy Tuấn, SN 1995, trú tại xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, Hà Nam đang cải tạo mà không hẹn ngày về tại trại giam. Mỗi khi nhắc lại quá khứ, bản thân Nguyễn Duy Tuấn vẫn không thể hiểu nổi tại sao mình lại liều lĩnh và bất trị đến thế. Theo lời Tuấn thì anh ta đang học lớp 8, Tuấn đã gây sự, chém đứt gân tay của một bạn cùng trường và phải vào trường giáo dưỡng. Ba năm sau, Tuấn tiếp tục gây trọng tội và đó là lý do anh ta nhận bản án không hẹn ngày về.
Theo lời Tuấn thì anh ta sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả nhưng cũng may vùng đất Nhân Thịnh ngoài ruộng bãi ra còn có nhiều nghề phụ nên những lúc nông nhàn, bố mẹ Tuấn lại đi làm thuê cho một xưởng gỗ gần nhà. Thu nhập ổn định nhờ có tay nghề và chăm chỉ, bố mẹ Tuấn hy vọng có tiền cho hai con ăn học tới nơi tới chốn, vậy mà, Tuấn đã phụ công lao của cha mẹ. Nét mặt còn trẻ, đôi lúc ngơ ngác, Tuấn cho biết lý do ban đầu khiến anh ta phải vào trại giáo dưỡng cải tạo vì tháng 5-2009, khi đang dở dang học kỳ 2 lớp 8, anh ta đã gây sự chém một bạn cùng trường đứt gân tay. “Em hay được bạn bè rủ rê đánh nhau, ban đầu thì thích nhưng sau vì muốn thể hiện”, Tuấn kể.
Phạm nhân Nguyễn Duy Tuấn chia sẻ nỗi niềm. |
Sau lần đánh nhau bị đình chỉ học 1 tuần, Tuấn tiếp tục đánh nhau nữa, cộng thêm số lần trộm cắp vặt ở nhà, bị chính quyền cơ sở gọi lên răn đe, nhắc nhở, Tuấn bị đưa vào trường giáo dưỡng. Song cái tính không biết sợ ai của Tuấn khi vào trường giáo dưỡng lại tiếp tục được thể hiện mà kết quả là số lần vi phạm, bị làm kiểm điểm, Tuấn không đếm xuể.
Lần gặp ấy, khi nhắc đến học viên Nguyễn Duy Tuấn, cô giáo Nguyễn Thị Thủy, quản giáo ở trường giáo dưỡng cho biết, Tuấn là đứa trẻ bướng bỉnh, từ ngày vào trường liên tục vi phạm. Có tháng anh ta vi phạm tới 8 lần, toàn là đánh nhau, hút thuốc lá, thuốc lào. Sau Tuấn còn 1 em gái, kém anh ta 8 tuổi. Tuấn kể có ý định về nhà đi học lái xe rồi nhờ anh con nhà bác xin việc hộ. Vậy mà ra trại giáo dưỡng chưa được bao lâu, Tuấn tiếp tục phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Theo tài liệu, sau khi được ra khỏi trường giáo dưỡng lần thứ hai không lâu, Tuấn lên Hà Nội sống lang thang. Sáng 4-11-2013, Tuấn đi bộ tới khu trọ của chị Phạm Thị Hạnh (SN 1995), ở phường Cổ Nhuế để tăm tia tài sản. Thoáng thấy cô gái đang ngồi bên chiếc máy tính xách tay trong phòng trọ, Tuấn giả vờ hỏi mượn chị Hạnh chiếc sạc pin điện thoại để cô gái mở cửa rồi nhân cơ hội khu trọ vắng người, chồm đến túm lấy cô gái, đè nạn nhân xuống giường bóp cổ. Mặc dù bất ngờ nhưng giữa ranh giới cái sống và cái chết mong manh, chị Hạnh đã dùng hết sức chống trả.
Chị Hạnh cố sức nhoài người chạy thoát khỏi nơi nguy hiểm, song vẫn bị Tuấn túm tay kéo lại. Sợ nạn nhân chạy thoát, tên cướp chúi đầu cắn mạnh một phát vào mông cô gái, khiến chị Hạnh bị hụt đà, ngã xuống. Vẫn với ý đồ phải giết chết cô gái bằng được, Tuấn tiếp tục vòng tay kẹp cổ nạn nhân. Anh ta còn vơ luôn chiếc dây cặp chuyên đựng máy tính xách tay của chị Hạnh quàng vào cổ nạn nhân, rồi cứ thế siết mạnh cho tới khi cô gái bất tỉnh. Tưởng nạn nhân đã chết, tên cướp tháo chiếc lắc bạc và lấy chiếc máy tính xách tay của khổ chủ trốn khỏi hiện trường. Trước khi “biến”, hắn còn bình tĩnh lấy ghế chèn và móc cửa phòng trọ chị Hạnh lại… Rất may là bị hại chỉ bị ngất lịm nên khi tỉnh dậy đã gọi điện cho người thân đến giúp đỡ.
Hai hôm sau, Tuấn vẫy xe taxi hãng Huy Hoàng, BKS 88K-5232, do anh Nguyễn Hoài Việt (SN 1988 ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) điều khiển, yêu cầu chở từ Cổ Nhuế sang phường Thạch Bàn, quận Long Biên thăm bạn. Không gặp bạn, tiền trong túi cũng không có để thanh toán, Tuấn đã mượn điện thoại của lái xe, gọi và hẹn gặp Đỗ Trung Thành trước một cổng trường học ở phường Cổ Nhuế. Tại đây, tên cướp vờ xuống hỏi mượn tiền của bạn để trả cước taxi rồi lợi dụng lúc anh Việt mất cảnh giác, vớ chai nước ngọt ở quán nước vỉa hè đập túi bụi vào đầu người lái taxi. Nhân lúc anh này sợ hãi, Tuấn vào xe lục lọi lấy đi 3,5 triệu đồng cùng chiếc máy tính bảng của anh Việt rồi bỏ chạy nhưng cuối cùng vẫn sa lưới.
Lần bị bắt này, Nguyễn Duy Tuấn đối diện với bản án không hẹn ngày về với các tội “giết người, cướp tài sản”. Về trại giam Nam Hà (Bộ Công an) cải tạo Tuấn bảo rằng anh ta giờ đây mới thấm thía và thấy tiếc cho cuộc đời mình, thấy giá trị của những ngày tháng sống tự do.
Giờ đây, phạm nhân Nguyễn Duy Tuấn đang cải tạo ở đội dệt cói. Tuấn bảo với anh ta công việc lao động này cũng không quá vất vả, nhưng mất tự do và cuộc đời anh phải đối mặt với vết trượt rất dài. “Nếu như ngày ấy, em biết giá trị của cuộc sống, biết thương yêu và thấu hiểu những khó khăn của cha mẹ, thì có lẽ cuộc đời em không đối diện với tăm tối thế này...”, phạm nhân Nguyễn Duy Tuấn chia sẻ.
Bởi thế, khi bố mẹ ít đến thăm, Tuấn cũng không dám trách. Bởi Tuấn biết cha mẹ giờ đây vẫn còn bận cơm áo gạo tiền, chưa thể thảnh thơi nhàn hạ được, nhất lại có đứa con bướng bỉnh, vướng vào vong lao lý thế này. “Em chỉ mong cha mẹ hiểu, tha thứ cho em để em có được niềm hy vọng, được có động lực quay về. Bởi những năm tháng sống ở đây, em đã thấu hiểu và thấy giá trị của cuộc sống tự do như nào...”, phạm nhân Nguyễn Duy Tuấn tâm sự thêm.
Tác giả: Nguyễn Vũ - Đức Hùng
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội