Chuyện khó tin

Tâm hồn đẹp lung linh của cô bé 18 tuổi có đôi chân khổng lồ

Những dòng nước mắt chảy ướt đẫm trên khuôn mặt thông minh, lanh lợi của cô bé 18 tuổi mang theo đôi chân voi khổng lồ, Trần Thị Mỹ Son (SN 1995, trú thôn 10, xóm Cống, xã Thủy Phù, Thị xã Hương Thủy, TT-Huế) với ước mơ nhỏ nhoi làm xúc động chúng tôi.

Con đường dẫn vào nhà em Son gập ghềnh, khó đi. Đây là nơi thấp trũng nhất ở xã, mùa mưa lụt đến, nước ngập quá đầu người, phương tiện di chuyển bằng ghe nhỏ. Tiếng chim chóc, lá cây xào xạc bên dòng sông Đại Giang lững lờ với đục bình trôi, làm nên một cảm giác buồn bã.


Trong căn nhà chưa tô được vôi, xi măng trét vào bờ lô còn dang dở, Son ngồi trên xe lăn, ánh mắt em sáng rực rỡ. Học chỉ được 6 tháng mẫu giáo, ba em vất vả đưa tới lớp bằng chiếc ghe trước hè, vì điều kiện nhà khó quá nên phải dừng lại. Chưa một ngày học lớp 1, nhưng bằng lòng chăm học, cầu tiến, em đã tự tập đọc, tập viết thành thạo.



Son cùng ba mẹ
Son cùng ba mẹ


Cuộc đời bất hạnh theo em từ trong bụng mẹ. Ngày sinh Son ra, chị Huỳnh Thị Dưa bị băng huyết nặng gần chết. Nguyên do là đôi chân của em quá to, các y tá kéo mãi mới ra được. Mất máu quá nhiều, chị Dưa ngất lên ngất xuống. May mắn là qua khỏi và nuôi đứa con bị dị tật từ đó đến giờ đã 19 năm ròng. Trước đó, người chị của Son đã chết vì bệnh tim khi đang còn 4 tuổi. Hơn 20 năm trước, ba mẹ Son vào vùng kinh tế mới Khe Lời ở Huế, rừng rú với “non thiêng, nước độc” đã như là nguyên nhân làm cả 2 người con chị Dưa bị bạo bệnh.


Từ lúc ra ở tại xóm Cống năm 1999, cha em, ông Trần Như Dũng (56 tuổi) một tay lo cho cả nhà vì vợ lúc đó sức khỏe bỗng yếu đi. Những tháng ngày ở chốn rừng núi đã làm cho chị Dưa bị bệnh khớp, tim và thận. Ngoài làm 2 sào ruộng có lúa ăn, ông Dũng đi bắt ốc ngoài sông Đại Giang theo mùa để bán, và chờ ai kêu chi thì làm nấy. Nhưng làm có cật lực bao nhiêu cũng chẳng đủ ăn. Và gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã đã nhiều năm qua.


Trở lại với Son, đôi chân em cứ to dần, to dần và trở nên nặng nề vào lúc em lên 6 tuổi. Đi không được, em phải lết trong nhà, cánh tay nhỏ là lực đẩy và thân mình rướn tới. Thấy mấy bạn trong xóm đi học con chữ mà thèm, em nói cha dồn tiền mua mấy cuốn sách và vở cho em tự học. Mày mò suốt mấy năm, giờ em đọc sách báo, viết chữ không thua kém ai.





Đến lúc tuổi cấp 2, em bỗng bị thêm 1 khối u từ bắp chân trái kéo lên trên bụng rất đau. Qua 2 lần phẫu thuật nhưng không đỡ. Khối u có phần ngày càng tím tái làm cho em đau đớn hàng ngày. Các bác sĩ chẩn đoán em bị nhiễm chất độc màu da cam, và căn bệnh chân to khổng lồ và khối u khó lòng chữa được. Việc đi lại đã trở thành một cực hình khi mà 2 chân vì quá to đứng trụ không vững. Mọi hy vọng cho việc đi được đã không còn.


Những ngón chân nhúc nhích rất khó khăn. Đầu các móng chân ứa máu. Thử chạm vào chân em, thì phần thịt dày và lỏng, không thấy xương đâu. Mỗi cẳng chân của em còn to hơn cả phần thân từ thắt lưng lên cổ. Nhìn cảnh em, chúng tôi không khỏi xót, ứa nước mắt.


Ý thức được mình bị tật nguyền, em ở nhà lo được nhiều việc như nấu ăn, giữ nhà, tự vệ sinh thân thể… Ngoài ra, Son còn đan len được và đan đẹp cũng như làm thơ hay.



Một chiếc khăn màu trắng dễ thương do chính tay em đan
Một chiếc khăn màu trắng dễ thương do chính tay em đan


Và cũng có nhiều bay bổng, cảm xúc lạ lẫm như lứa tuổi học trò cấp 3 với những bạn cùng trang lứa, Son muốn đi chơi phố đêm Huế, đi ngắm phố phường dù mỗi lần đi là mỗi lần mặc cảm đến phát khóc vì mọi người nhìn mình với ánh mắt khác lạ. Nhưng cũng rất lâu em mới đi được một lần, nhờ vào bà con hay các nhà thiện nguyện đến đưa đi. Cha em nghèo, chỉ có độc mỗi chiếc xe đạp, không thể chở con đi vì đôi chân khổng lồ của Son quá kềnh càng.


“Em muốn sẽ có công việc trong thời gian tới không?” – “Em nghĩ em đan len được cho nên nếu có tổ chức nhận em vào dạy, em sẽ cố gắng để đan len giỏi để có một nghề nghiệp cho mình. Ngoài ra, em vẽ tranh cũng đẹp, em thích vẽ lắm” – Son thổ lộ.


“Em ước mơ gì” – “Em muốn mẹ khỏi bệnh”. Tôi hỏi và nghe Son trả lời mà như không tin vì em quá thương mẹ. Em tự biết thân phận mình với bệnh nan y không thể chữa khỏi nên muốn mẹ khỏe hơn để lo cho nhà đỡ khổ và đỡ gánh nặng cho ba.



Đôi chân khổng lồ vì chất độc màu da cam cứ đau nhức suốt khi trái gió trở trờiĐôi chân khổng lồ vì chất độc màu da cam cứ đau nhức suốt khi trái gió trở trời
Đôi chân khổng lồ vì chất độc màu da cam cứ đau nhức suốt khi trái gió trở trời
Gương mặt đầy nước mắt của em khi chúng tôi hỏi em có thích đi chơi ở ngoài không? Những ao ước dù rất nhỏ nhưng đối với Son lại khó làm được


Những ngày trở trời, trái gió, các khớp xương và khối u ở 2 bàn chân của em đau nhức vô cùng. Son kể các bác sĩ nói bệnh của em không thể sống lâu. Vì thế, đối với em mỗi ngày đều là những khoảnh khắc đầy cố gắng của em, vượt qua bệnh tật để tìm đến sự hy vọng và niềm ước mơ.


Và để hiểu thêm những tình cảm của Mỹ Son, 1 bài thơ làm về mẹ rất cảm động của em từ lâu xin được giới thiệu cùng bạn đọc. Những dòng chữ trên, dù còn đôi chỗ sai chính tả nhưng đã có được nhờ vào quá trình tự học đầy nỗ lực của cô bé. Và phía dưới bài thơ là một bức tranh chỉ với vài đường nét nhưng diễn tả được một mặt hồ sen với nhiều chuồn chuồn, bươm bướm đến vui đùa trên những bông sen đang nở bung. Bức tranh đẹp và có hồn không kém gì bài thơ của Mỹ Son:


Con sẽ không đợi một ngày kia


khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc


Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ


con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt


chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua


Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ


ai níu nổi thời gian, ai níu nổi


Con một ngày một lớn lên… Mẹ một ngày một già cỗi. Cuộc hành trình thầm lặng, thầm lặng phía hoàng hôn…



Bài thơ em dành tặng mẹ với rất nhiều cảm xúc.
Bài thơ em dành tặng mẹ với rất nhiều cảm xúc.


Video:

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:


1. Mã số 996: Em Trần Thị Mỹ Son (thôn 10, xóm Cống, xã Thủy Phù, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế)


ĐT: 0128-864-4441

Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP