Giao Thông

Tài xế tông xe CSGT lật nhào trên quốc lộ sẽ bị xử lý thế nào?

Tài xế Nguyễn Sỹ Tiến điều khiển chiếc xe 7 chỗ hiệu Fortuner vi phạm tốc độ, khi bị phát hiện liền bỏ chạy và đâm lật nghiêng xe CSGT.

Xe vi phạm tông xe CSGT

Công an huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Sỹ Tiến (SN 1978, quê Ninh Bình) để làm rõ về hành vi lái xe Fortuner 7 chỗ, mang BKS 15A-155.84 bỏ chạy rồi chèn ép, tông xe CSGT lật trên quốc lộ.

Theo đó, vào khoảng 8h30 ngày 13/6, CSGT Hà Tĩnh phát hiện xe 7 chỗ hiệu Fortuner chạy trên quốc lộ 1, đoạn qua huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vi phạm tốc độ 78/50km/h.

Thiếu tá Đinh Mạnh Cường, Đại uý Phan Thanh Long, Đại uý Trần Đức Hoàng thuộc đội CSGT cơ động, ra tín hiệu dừng xe tại Cầu Rong (Km474 + 500), nhưng tài xế đã cho xe lao vào phương tiện của Đội rồi bỏ chạy.

Xe của CSGT bị lật nghiêng trên đường, hư hỏng nặng.

Ba cán bộ trên nhanh chóng truy đuổi xe vi phạm theo hướng Bắc - Nam. Đến ngã ba TX.Hồng Lĩnh, xe vi phạm chuyển hướng theo QL8A. Tại đây, xe 15A - 155.84 chèn xe của CSGT nhiều lần.

Đến ngã tư Trỗ thuộc địa phận xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, xe CSGT cố gắng vượt lên chặn đường thì bị xe vi phạm chèn văng ra và lật trên QL8A, gây hư hại nặng. Còn chiếc xe vi phạm lao xuống đồng ruộng gần đó.

Vụ tai nạn giao thông không gây thiệt hại về người. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, ban Chỉ huy phòng PC67 Công an Hà Tĩnh, đội CSGT Công an huyện Đức Thọ đã có mặt tại hiện trường để xử lý.

Để tìm hiểu những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này, báo Người Đưa Tin xin dẫn ý kiến của luật sư Đào Thị Liên - công ty Luật Tiền Phong, đoàn Luật sư Hà Nội.

Tài xế có thể bị xem xét xử lý về 2 tội danh

Thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 4/1/2016 của bộ Công an đã quy định, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có quyền ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Dưới quan điểm của tôi, hành vi của tài xế Nguyễn Sỹ Tiến trong trường hợp này đã vi phạm đến nhiều khách thể được Bộ luật Hình sự bảo vệ.

Thứ nhất là sự an toàn của hoạt động giao thông đường bộ và sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác. Hành vi vi phạm tốc độ, cố tình chèn, tông vào xe của cảnh sát sẽ bị xử về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202, Bộ luật Hình sự. Nhưng hành vi này chỉ bị coi là tội phạm khi gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác mới bị xử lý.

Yếu tố “thiệt hại nghiêm trọng” về tài sản trong Điều 202 phải đạt mức 50 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng theo hướng dẫn của khoản 4.1, Điều 4, phần 1 của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, thì hành vi mới bị coi là tội phạm.

Hai là, xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn để quản lý xã hội nói chung và hoạt động quản lý hành chính nói riêng của cơ quan cảnh sát trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hoạt động giao thông đường bộ, được thực hiện thông qua hoạt động của các cảnh sát giao thông, làm giảm hiệu lực quản lý của cơ quan này. Hành vi này sẽ bị xử lý về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 257, Bộ luật Hình sự.

Theo tôi, trường hợp này hành vi vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ là hành vi mang tính chủ ý, nhưng chưa dẫn đến thiệt hại nào về người và tài sản cho những người tham gia giao thông khác.

Về hành vi cố tình đâm vào xe cảnh sát (chống người thi hành công vụ) dù mang tính phái sinh nhưng lại có tính chất nghiêm trọng, đã gây ra thiệt hại nên nhiều khả năng tài xế sẽ bị truy cứu và xét xử theo Điều 257 về tội Chống người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ, nếu xác định tính chất của cả hai hành vi đều ở mức độ nguy hiểm, đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải xử lý để đạt mục đích đấu tranh, phòng ngừa tội phạm thì tài xế Nguyễn Sỹ Tiến có thể bị xem xét xử lý cả 2 tội danh.

Tác giả: LS.Đào Thị Liên

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP