Trong nước

Sửng sốt với kết quả thanh tra của Bộ Khoa học và Công nghệ

Trong các số báo trước, Đời sống và Pháp luật đã đăng loạt bài “Nhận diện thủ đoạn nhập khẩu thiết bị y tế cũ thành mới và sự thật về những bộ “Hồ sơ ma””, phản ánh những yếu kém trong công tác quản lý về nhập khẩu trang thiết bị y tế (TTBYT) của cơ quan chủ quản và nguy cơ từ những TTBYT cũ, quá đát cho kết quả sai, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh (KCB).

Mới đây, Thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ (KH-CN) đã công bố kết quả thanh tra chuyên đề về đo lường đối với một số thiết bị y tế như máy đo điện tim, máy đo điện não, nhiệt kế, huyết áp kế… Kết quả thanh tra khiến dư luận thật sự bàng hoàng.

Sửng sốt với kết quả thanh tra của Bộ Khoa học và Công nghệ - Ảnh 1

Máy đo điện não đồ thuộc danh mục 2 phải kiểm định thường xuyên (ảnh minh họa).

Những con số biết “khóc”

Số liệu thống kê từ bản công bố kết quả thanh tra chuyên đề về đo lường với một số thiết bị phương tiện đo nhóm hai (thiết bị đo đồng hồ nước, thiết bị đo điện năng và một số thiết bị y tế như máy đo điện tim, máy đo điện não, nhiệt kế, huyết áp kế-PV) do Thanh tra Bộ KH-CN thực hiện cho thấy: Trong tổng số 1.493 cơ sở y tế được thanh tra, có tới 385 cơ sở có vi phạm (25,8%). Trong 13.437 thiết bị y tế được kiểm tra, có 3.597 thiết bị vi phạm (26,8%). Điều đáng nói, những TTBYT nói trên có vai trò rất quan trọng trong quy trình thăm khám ban đầu tại các cơ sở KCB. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới những quyết định của các bác sỹ (BS) trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân.

Cũng thể hiện trong bản báo cáo này, có địa phương khi kiểm tra 331 thiết bị y tế gồm huyết áp kế, máy đo điện tim, máy đo điện não và cân sức khỏe, có tới 327 thiết bị hết hiệu lực kiểm định (99%). Thậm chí, 17/49 huyết áp kế có sai số vượt mức cho phép. Nhiều địa phương, 100% thiết bị y tế được kiểm tra đều phát hiện sai số. Ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kiểm tra 852 nhiệt kế, 98 áp kế bình thở oxy, 88 máy đo điện tim thì thấy 100% áp kế bình thở oxy, nhiệt kế, 45,5% máy đo điện tim có vấn đề. Tại Gia Lai, đoàn kiểm tra 345 huyết áp kế, 43 máy đo điện tim, hai nhiệt kế, ba máy đo điện não, 314 áp kế bình oxy thì 100% đều có vi phạm, chủ yếu là vi phạm về kiểm định.

Trước đó Bộ KH-CN cũng tiến hành thanh tra về an toàn bức xạ đối với cơ sở sử dụng thiết bị X- quang. Trong số gần 1.500 cơ sở kiểm tra, có 323 cơ sở vi phạm, hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về kiểm soát liều chiếu xạ cá nhân, kiểm định máy, đánh giá an toàn phòng chụp.

Video tham khảo:

Nữ cán bộ thanh tra Sở Y tế bị bắt do “quỵt nợ”

Chánh Thanh tra Bộ KH-CN nói gì?

Để hiểu sâu hơn về những con số được thanh tra Bộ KH- CN công bố, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có buổi trao đổi trực tiếp với ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH-CN. Ông Dũng cho biết: Trước hết, hoạt động thanh tra này, chúng tôi căn cứ vào các Văn bản pháp luật đã được ban hành như pháp luật đo lường được Quốc hội thông qua năm 2011, Nghị định 86/CP hướng dẫn luật năm 2012 và Thông tư 23/BKH-CN năm 2013… có quy định danh mục các phương tiện đo nhóm hai dùng trong mua bán ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe, môi trường phải được kiểm tra, còn hàng hóa danh mục 1 thì không cần.

Trong danh mục 2, có một số thiết bị y tế như huyết áp kế, máy đo điện tim, máy đo điện não đồ… Kết quả này là những số liệu tổng hợp khách quan sau 3 tháng triển khai ở 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Những con số đó thực sự làm “giật mình” tất cả các cơ quan chức năng quản lý liên quan. Hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm về kiểm định PTĐ (phương tiện đo).

Sửng sốt với kết quả thanh tra của Bộ Khoa học và Công nghệ - Ảnh 2

Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH-CN “giật mình” về những kết quả thanh tra.

Điều đáng nói, những TTBYT trước khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở KCB nếu không được kiểm định, hoặc quá hạn kiểm định sẽ cho ra những sai số rất lớn. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả xét nghiệm, chẩn đoán ban đầu cho người bệnh và khiến bác sỹ đưa ra phác đồ điều trị sai rất nguy hiểm. Trước câu hỏi của PV, vậy ai chịu trách nhiệm kiểm định ban đầu cho những TTBYT khi đưa vào sử dụng tại các cơ sở KCB?

Ông Dũng giải thích: “Trước khi đưa bất kỳ TBYT nào vào sử dụng thì đơn vị cung cấp TTBYT đó phải đảm bảo kiểm định về sản phẩm theo quy định của pháp luật, có các quy trình, thời gian kiểm định cụ thể. Một thực tế ở đây là việc kiểm định ban đầu đã bị ” bỏ ngỏ” trong một thời gian dài, ý thức trách nhiệm về quản lý Nhà nước về đo lường đối với PTĐ nhóm hai còn yếu và cũng do có sự chồng chéo, phối hợp hạn chế trong quản lý giữa cơ quan chủ quản – Bộ Y tế với cơ quan chức năng – Bộ KH-CN. Với những PTĐ có “vấn đề” đã được công bố trong kết luận, hướng giải quyết là sẽ tiến hành kiểm định lại, bởi các cơ quan chức năng có liên quan. Nếu không vượt qua được kiểm định phải loại bỏ những TBYT đó”.

Trước kết quả thanh tra do Bộ KH-CN công bố, nhằm rộng đường dư luận, PV đã chủ động liên hệ nhiều lần với ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế để hỏi về kết quả thanh tra của bộ KH&CN, tuy nhiên ông Chính cho biết, trách nhiệm phát ngôn vấn đề này thuộc về ông Dương Xuân An, Phó Chánh thanh tra. Tuy nhiên, tất cả những cuộc gọi và tin nhắn đặt lịch làm việc của PV với ông Dương Xuân An đều không có hồi âm! Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng “kênh” thanh tra của ngành y tế đã bị “tê liệt”?

Trước đó, trong loạt bài “Nhận diện thủ đoạn nhập khẩu thiết bị y tế cũ thành mới và sự thật về những bộ “hồ sơ ma””, trao đổi với Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị – Công trình y tế, Bộ Y tế cũng như quy định trong Thông tư 24/BYT đều nói rõ: Việc giám sát, thanh kiểm tra việc sử dụng TTBYT tại các bệnh viện và cơ sở KCB thuộc trách nhiệm của thanh tra Bộ Y tế, thanh tra các sở y tế trong cả nước.

Hà Nội đứng đầu bảng danh sách các phương tiện đo vi phạm

Cũng theo những số liệu trong kết luận thanh tra của Bộ KH-CN thì Hà Nội là một trong những địa phương được thanh tra nhiều nhất trong chuyên đề lần này về các PTĐ thuộc danh mục nhóm 2 như đã nói ở trên. Cụ thể Hà Nội có tới 83 cơ sở bị thanh tra, kiểm định thì phần lớn các thiết bị cho sai số cao thuộc về máy đo điện tim, máy đo điện não. Những thiết bị vi phạm dạng này, tập trung nhiều nhất tại các bệnh viện tuyến huyện. Riêng với vi phạm về an toàn bức xạ của các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang y tế trên địa bàn Hà Nội, kết quả thanh tra là có 26 cơ sở vi phạm trên 54 cơ sở được thanh tra (chiếm 48,1 %). Điều đó cho thấy, công tác kiểm định TTBYT bị ” bỏ ngỏ” nên vẫn tồn tại nhiều TTBYT không kiểm định và quá thời gian kiểm định tồn tại trong các bệnh viện, phòng khám. Người bệnh bất an mỗi khi đến KCB cũng là điều dễ hiểu.

Dạo qua một lượt các phòng khám cũng như một số trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện tại Hà Nội, chúng tôi ghi nhận, có nhiều thiết bị đồng dạng với những thiết bị mà thanh tra Bộ KH-CN kết luận là vi phạm vẫn đang tiến hành hoạt động bình thường. Những thiết bị đó có vi phạm hay không, người sử dụng và nhập thiết bị thừa biết. Vấn đề đặt ra là sao công tác này không được thực hiện thường xuyên, do chính thanh tra chuyên ngành thực hiện mà lại do thanh tra công nghệ? Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi có những thông tin mới nhất.

VĂN HẬU

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP