Đó là ý kiến của GS.TS. Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD TTNNĐ của Quốc hội) góp ý về sửa đổi Luật Giáo dục.
GS.TS Nguyễn Đình Hương cho rằng, xu hướng thế giới đang lấy trí tuệ là con người do giáo dục mang lại làm tài sản hàng đầu để cạnh tranh quốc gia thay thế tài nguyên thiên nhiên. Đây là cơ hội và thách thức của nền giáo dục nước nhà, nếu không thay đổi sẽ tụt hậu so với các nước trong khối ASEAN và thế giới.
Muốn đổi mới giáo dục cần đổi mới tư duy, hành động, ý chí chính trị của toàn Đảng, toàn dân và sửa đổi hệ thống luật lệ đang cản trở sự phát triển của giáo dục.
Muốn sửa đổi Luật giáo dục cần xin ý kiến của Bộ chính trị về chủ trương, định hướng lớn và sửa đổi một số Nghị quyết liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân, quản lý giáo dục và chương trình, sách giáo khoa trong toàn hệ thống, và phổ cập giáo dục.
|
Điều chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân: THCS nên từ lớp 7 đến lớp 10
Cần nghiên cứu điều chỉnh hệ thống giáo dục đảm bảo phổ cập THCS đến 10 năm, phân luồng chuyển sang đào tạo kỹ năng, liên thông đa cấp trong toàn hệ thống. Giáo dục tiểu học 5 năm từ lớp 1 đến lớp 6. Giáo dục Trung học cơ sở 4 năm từ lớp 7 đến lớp 10.
Học sinh tốt nghiệp THCS 16 tuổi có thể phân luồng sang học nghề. Thiết kế chương trình phổ thông cơ bản 10 năm để học sinh tốt nghiệp THCS đủ kiến thức cơ bản sang học chuyên nghiệp và có thể tiếp tục học liên thông lên đại học khi có điều kiện.
Giáo dục THPT 2 năm từ lớp 11 đến lớp 12 để phân ban cứng và học dự bị Đại học. Nên nghiên cứu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông gắn với giáo dục kỹ thuật và dạy nghề để đảm bảo phân luồng sau lớp 10. Phổ cập giáo dục THCS đến lớp 10, để thay hoàn chỉnh kiến thức phổ thông cơ bản. Kinh phí phổ cập từ ngân sách cho giáo dục mầm non đến lớp 10 chủ yếu cho vùng sâu, vùng xa, còn lại từ xã hội hóa.
Giáo dục chuyên nghiệp nên điều chỉnh thành một hệ thống từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong các cơ sở đào tạo đa cấp. Quản lý Nhà nước thống nhất theo một chương trình cứng liên thông các trình độ của từng loại ngành nghề.
Cần điều chỉnh thời gian đào tạo đại học, giảm lý thuyết, tăng thực hành, đào tạo kỹ năng tin học, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng nghề như ở các nước. Thời gian học đại học chỉ 3 đến 3,5 năm, trung cấp nghề 2 năm, cao đẳng 2,5 năm.
Giảm thời gian học đại học, chuyên nghiệp và hướng vào đào tạo kỹ năng vừa tiết kiệm thời gian tài chính, thực hiện phổ cập 10 năm, chuyển sang học nghề khởi nghiệp
Hệ thống cơ cở giáo dục từ mầm non, phổ thông đến đại học cần cơ cấu hợp lý, giảm quốc lập, tăng tư thục chất lượng cao và hình thành cơ sở giáo dục đa cấp để sủ dụng hiệu quả nguồn lực. Cần chuyển mô hình giáo dục hàn lâm, thi cử sang mô hình giáo dục công nghệ thông tin và kỹ năng (kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năn tin học, kỹ năng nghề) để học sinh ra trường khởi nghiệp.
Cần nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, cơ cấu, trình độ, có chất lượng, đủ khả năng, năng lực trong toàn hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo của quốc gia. Chúng ta đang rất cần có đội ngũ nhà giáo trẻ ra nước ngoài và có năng lực giảng dạy ở các cơ sở đại học quốc tế.
Đồng thời phải hợp tác với các giáo sư các viện, các đại học nước ngoài cùng đào tạo sau đại học ở nước ta. Cần nghiên cứu đại học hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông, kể cả hệ mầm non và mạnh dạn cử đi học nước ngoài để họ tiếp cận với chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học các nước. Nhiều nước trên thế giới đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông đã có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Cần xem ngoại ngữ là tài sản
Chúng ta cần đầu tư để tiếp cận với chương trình giáo dục đào tạo tiên tiến của thế giới phù hợp với thực tiễn trong các cấp học. Tăng cường ngoại ngữ nhất là tiếng Anh để hội nhập và sử dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy và học.
Phải có chương trình cứng thống nhất, liên thông trong các cấp học và phân ban bằng hệ thống các môn học tự chọn phong phú, đa dạng trong chương trình để phát huy tính sáng tạo của người học và người dạy nhanh chóng tiếp cận cuộc cách mạng 4.0.
Chương trình, sách giáo khoa phổ thông cần giao cho các trường đại học sư phạm trọng điểm chủ trì kết hợp với các viện, trường quốc tế và học tập chương trình, sách giáo khoa của các nước tiên tiến như Anh, Mỹ kể cả học song ngữ theo kinh nghiệm của nhiều nước. Không cần đầu tư quá nhiều tiền để tự soạn chương trình, sách giáo khoa.
Chương trình, nội dung đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp phần cứng phải giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì kết hợp với các viện, trường quốc tế phù hợp, phần tự chọn giao cho các cơ sở đào tạo quyết định.
Về cơ bản cũng cần sử dụng chương trình, sách giáo khoa theo các ngành nghề các trường danh tiếng và cần tăng cường ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh để hội nhập, liên thông với chương trình các nước. Cần xem ngoại ngữ là tài sản con người và dân tộc.
Nhiều nước đã đưa hai, ba ngoại ngữ vào giáo dục để đào tạo công dân toàn cầu. Hiện tại ở Việt Nam du học đang là xu hướng phát triển ngày càng đông. Nếu Việt Nam sớm đổi mới giáo dục theo kỹ năng và chương trình quốc tế thì sẽ thu hút được nhiều học sinh sinh viên các nước ASEAN và quốc tế đến học. Làm được điều này nhiều cơ sở giáo dục Việt Nam sẽ được xếp hạng tốp cao trên thế giới.
Cần phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường sở khang trang. Các địa phương, thành phố cần có trách nhiệm và vinh dự xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo tại địa phương mình. Cần nghiên cứu phương án di chuyển các cơ sở giáo dục, đào tạo ra ngoài các trung tâm thành phố hợp lý, hiệu quả.
Đại học có thể có các cơ sở ở các địa điểm khác nhau. Mọi sự đầu tư cho giáo dục từ doanh nghiệp, cá nhân được miễn, giảm thuế thu nhập và được vinh danh.
Đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo.
Cần chuyển mô hình quản lý Nhà nước về giáo dục theo mô hình kiểm soát sang mô hình giám sát, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo. Giảm các đầu mối quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo. Giao cho Bộ giáo dục và Đào tạo quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo.
Hiện Chính phủ và nhiều Bộ, Ngành cả đoàn thể quản lý các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có bộ máy tham mưu giỏi được đào tạo ở nước ngoài.
Các địa phương chăm lo cơ sở vật chất. Các cơ sở giáo dục, đào tạo phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng trong các cơ sở giáo dục, đào tạo theo hệ thống tiêu chí quốc gia.
Những khó khăn trong việc đổi mới giáo dục
Thiếu đồng thuận về đánh giá và quan điểm đổi mới giáo dục nhất là sửa đổi Luật giáo dục vướng một số Nghị quyết của Đảng ghi cụ thể về hệ thống giáo dục quốc dân và quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo.
Thiếu bộ máy tham mưu chiến lước và quản lý về giáo dục, đào tạo, các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo ít khi ngồi cùng nhau để thống nhất giải pháp.
Chưa thu hút được các chuyên gia giỏi, Việt Kiều, các nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản từ nước ngoài về nước tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông và các cấp học.
Đây là những trở ngại nếu không nhanh chóng đổi mới tư duy và hành động thì đất nước khó có được nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo công dân cạnh tranh, hội nhập toàn cầu.
GS.TS. Nguyễn Đình Hương
(nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD TTNNĐ của Quốc hội)
Nguồn tin: Báo Dân trí