Trong xu hướng của thế giới, truyền hình Trung Quốc cũng đang bùng nổ những show truyền hình thực tế. Những format ăn khách ở nước ngoài lần lượt được đưa về và nhanh chóng trở thành những chương trình ăn khắch nhất ở đất nước hơn 1 tỷ dân này. Có thể kể đến những cái tên như
The Voice, Chinese Idol, China’s Got Talent, Happy Boys, Super Girls, The X Factor, Who’s Still Standing, Dance Out Of My Life…Vẫn nghĩ đất nước đông dân nhất thế giới này không thiếu nhân tài để tham dự các cuộc thi và không cần đến những chiêu trò để thu hút khán giả. Tuy nhiên, cũng như bất cứ thế giới của các chương trình truyền hình thực tế ở mọi nơi trên thế giới, phía sau bức rèm đỏ là những sự thật mà không phải ai cũng biết.
Dùng giám khảo để hút khán giả
Na Anh, Trương Tịnh Dĩnh, Trần Khôn, Tạ Đình Phong, Lý Vũ Xuân… những tên tuổi lớn trong làng nghệ thuật Cbiz được mời làm giám khảo trong các chương trình thực tế. Sao càng lớn, mức đọ thu hút của chương trình càng cao
Các show truyền hình thực tế, ban giam khảo đóng một vai trò quan trọng và do đó, mời được những nhân vật đình đám ngồi ghế “nóng” là chiếc chìa khóa góp phần làm nên sự thành công của show thực tế xét về rating. Thế nên, mới có những câu chuyện ban tổ chức luôn nhắm vào những ngôi sao, bất kể họ có thực sự phù hợp và đủ tài năng để cầm cân nảy mực trong những cuộc thi lớn hay không.
Với việc ngồi ghế nóng trong the X Factor, Chương Tử Di khiến không ít khán giả phải tò mò.
Tài tử Huỳnh Hiểu Minh cũng được mời góp mặt trong đội hình ban giám khảo của Chinese Idol năm nay.
Chương Tử Di là 1 cái tên gây nhiều tranh cãi khi đảm nhận vai trò giám khảo trong cuộc thi của X Factor – một chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc chuyên nghiệp. Ca sĩ nổi tiếng Na Anh (giám khảo The Voice của Trung Quốc) đã thẳng thắn phát biểu trên báo chí: “Tôi không hiểu Chương Tử Di sẽ nhận xét hay sẽ dạy cho thí sinh điều gì khi cô ấy không biết gì về âm nhạc?”. Tuy nhiên, với nhà sản xuất, điều này không quan trọng. Điều họ cần là khán giả sẽ xem X Factor, xem Chương Tử Di nhận xét và âm nhạc. Ngoài ra, biết đâu, những “1 phút sai lầm” trong lời nhận xét của mỹ nhân này có thể trở thành chiêu PR hữu hiệu cho chương trình.
Tương tự, Huỳnh Hiểu Minh cũng bị đặt dấu chấm hỏi khi đảm nhận vai trò giám khảo của cuộc thi Chinese Idol. Tuy đem đến những giây phút hài hước, thú vị cho chương trình, nhưng không thể phủ nhận, anh không thể đưa ra những nhận xét và định hướng về mặt chuyên môn cho thí sinh và chỉ “loanh quanh vòng ngoài”.
Và tiếp tục bài học của X Factor, nhà tổ chức Chinese Idol cũng không đặt nặng trình độ thanh nhạc của ngôi sao, vì ban giám khảo, xét cho cùng, cũng chỉ là một yếu tố để tăng rating, thu quảng cáo về cho chương trình. Với show thực tế, đôi khi, yếu tố chuyên nghiệp và chất lượng bị xếp sau những yếu tố doanh thu và lợi nhuận
Xoay vòng thí sinh
Thí sinh nhảy từ cuộc thi này sang cuộc thi khác với sự lôi kéo của ban tổ chức.
Dù là một đất nước đông dân, nhưng không phải Trung Quốc cũng có đầy đủ nhân tài cho hàng chục các cuộc thi truyền hình thực tế, chủ yếu là ca hát, như The Voice, X Factor, Super Girls, Happy Boys, I am A Singer, Super Star China, China’s Got Talent… diễn ra hầu như cùng lúc. Hàng chục những đài truyền hình lớn, từ đài truyền hình Trung ương CCTV, đài truyền hình Bắc Kinh, Hồ Nam, Thượng Hải, An Huy, Hồ Bắc, Triết Giang, Giang Tô… mạnh ai nấy “chạy”, để thu hút khán giả của riêng mình.
Do đó, để huy động dàn thí sinh “lót” và những những thí sinh “đinh” thu hút chương trình, mỗi một gameshow thực tế có 1 đội ngũ chuyên nghiệp chuyên “săn” thí sinh, không khác gì những tay “săn đầu người” trong ngành nhân sự.
Để tuyển thí sinh cho cuộc thi Super Star China, đài truyền hình Hồ Bắc không ngại chi khoản tiền khổng hồ lên đến hơn 100 nghìn USD cho 20s quảng cáo, phát sóng đúng trong chương trình I am A Singer. Mẫu quảng cáo này có slogan “I am not a singer, I am super star China”, đã trở thành trò cười cho khán giả và những người làm trong giới truyền hình, khi đài truyền hình Hồ Bắc công khai “dìm” chương trình này để “tôn” chương trình mới chuẩn bị phát sóng. Trương Xuân, một chuyên gia làm ở phòng nghiên cứu, đài truyền hình Hồ Bắc thừa nhận mẫu quảng cáo này có phần “thô thiển”, nhưng “sau khi bạn lọt vào top 10, thật khó để tiếp tục cạnh tranh. Con đường dễ dàng hơn là đến với một cuộc thi khác có tính chất tương tự hoặc có quy mô hơn”.
Có những thí sinh được coi là gương mặt quen thuộc trong các show thực tế, thường là những ca sĩ được đào tạo chuyên nghiệp nhưng chưa thành sao thực sự, những ca sĩ hát lót… Họ được đặt hàng chỉ để tham gia ở những vòng đầu, gây sự chú ý từ khán giả, từ ban giám khảo, và rồi… rớt ở lưng chừng, hoặc chủ động xin rời cuộc thi vì lý do cá nhân. Tất cả những điều này đã có sẵn trong hợp đồng ban đầu, với những con số được thương lượng tùy vào từng con người cụ thể. Cô Thường Tiểu Hạ, thí sinh từng đi thi ở vòng Audition ở Chinese Idol, và đi thi ở Super Girls, được trả 5.000 tệ cho mỗi lần xuất hiện như vậy.
Diêu Bối Na – thí sinh của The Voice 2013 là một ca sĩ đã phần nào tạo dựng được tên tuổi, nhưng lại xuất hiện trên sân khấu với dáng vẻ mộc mạc như cô nữ sinh lần đầu đến với 1 sân khấu lớn
Hay thí sinh Diêu Bối Na, gây sự chú ý đặc biệt ở vòng Giấu mặt trong The Voice 2013, bởi giọng hát đầy kỹ thuật và câu chuyện không ngừng nỗ lực vì ước mơ của mình. Giọng hát của cô khiến 4 vị giám khảo phải đứng dậy tranh giành thí sinh, khiến khán giả vô cùng phấn khích. Nhưng sau một vòng, khán giả mới phát hiện, cô chính là người thể hiện ca khúc chủ đề của bộ phim truyền hình nổi tiếng Chân Hoàn truyện, từng đạt một số giải thưởng về ca hát trước đó. Phát hiện này khiến hình ảnh “ngây thơ” của cô bị phản tác dụng.
Thân phận thí sinh phải đặc biệt
Ngoài tài năng, các thí sinh cần phải có một hoàn cảnh đặc biệt!
Khán giả có bao giờ tự hỏi, tại sao các thí sinh của các cuộc thi thực tế càng ngày càng có những số phận, hoàn cảnh… ẩn chứa nhiều điều không khác gì các bộ phim truyền hình, có thể khiến người xem thấy sống mũi cay cay, hay lợi hại hơn, là rớt nước mắt vì những thí sinh đi thi.
Câu trả lời rất đơn giản, đằng sau câu chuyện mà mỗi thí sinh đem đến cuộc thi trước khi bước vào màn trình diễn chính thức, là cả một tập đoàn các “chuyên gia”, bao gồm người viết kịch bản, biên kịch, đạo diễn. Trước khi thử tài năng, các thí sinh sẽ được phỏng vấn về thân thế và sự nghiệp, và cuộc phỏng vấn này đôi khi còn kéo dài hơn cả cuộc kiểm tra về chuyên môn.
Một thí sinh từng dự thi Happy Boys (Khoái Nam) chia sẻ: “Họ muốn hiểu rõ con đường của tôi từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, có những biến cố gì, cha mẹ thân sinh ra sao, có điều gì bất ngờ, khác thường hay không…”. Không ít những trường hợp có tài năng thường thường, nhưng gia cảnh, câu chuyện đặc biệt, nghiễm nhiên lọt tiếp vào vòng ghi hình trong khi những thí sinh có khả năng hơn đành phải ngậm ngùi ra về vì cuộc đời họ quá đỗi… bình thường.
Do đó, trong các show thực tế của Trung Quốc hiện nay, có quá nhiều những hoàn cảnh thương tâm như mồ côi, bệnh tật, nghèo khó, người mẹ đơn thân, gà trống nuôi con… Dĩ nhiên, những hoàn cảnh này là có thật, nhưng đã được chọn lọc từ trước và nhà đài thổi phồng trong quá trình quay phóng sự bên lề.
Đào tạo về diễn xuất cho các thí sinh
Các thí sinh đi thi khiêu vũ, hát… không chỉ phải giỏi chuyên môn, mà còn cần có khả năng diễn xuất để phối hợp hoàn hảo với câu chuyện mà nhà đài giúp họ tạo nên. Do đó, trước khi lên hình, các thí sinh đều trải qua những khóa đào tạo diễn xuất cơ bản, gọi là “kỹ năng biểu diễn”, nhưng thực tế, là dạy các thí sinh phải ứng xử sao cho thật nhất với câu chuyện mà họ đem đến. Thí sinh nào diễn xuất càng tốt thì càng dễ lấy tình cảm của khán giả, của ban giám khảo… Các lò đào tạo loại diễn xuất này thường được tổ chức ngay trong chính nhà đài hoặc của đơn vị sản xuất chương trình.
Do đó, những hình ảnh, câu chuyện đầy sức lay động của các thí sinh trong các show truyền hình thực tế hiện nay, đa phần “thật mà giả, giả mà thật”, tùy vào sự cảm nhận, đánh giá và độ tinh tế của mỗi khán giả khi xem chương trình.
Dàn dựng có chủ đích
Hình ảnh Lưu Nhã Đình trên sân khấu The Voice khiến khán giả liên tưởng đến một cô nữ sinh mập mạp, dễ thương và đáng yêu.
Cô được khán giả chú ý bởi nét gần gũi, dễ thương, trong sáng.
Nhưng cách đấy không lâu, Lưu Nhã Đình nổi loạn như thế này.
Bên cạnh việc thu hút khán giả qua những câu chuyện “chính thống” lâm ly bi đát, các chương trình thực tế còn có nhiều chiêu khác để PR cho chương trình của mình. Ví dụ như, việc dàn dựng có chủ đích với hiệu ứng trái ngược để gây sự chú ý. Thí sinh vượt qua vòng Giấu mặt của The Voice Trung Quốc năm nay, Lưu Nhã Đình xuất hiện trên truyền hình với hình tượng trong sáng, như một cô nữ sinh tài năng, chân chất lần đầu bước lên sân khấu lớn. Tuy nhiên không lâu sau màn trình diễn của cô, trên mạng lan truyền hình ảnh cô “khóa môi” cùng một doanh nhân giàu có. Vậy là Lưu Nhã Đình trở thành tâm điểm của sự chú ý!
Trong quá trình phỏng vấn kiểm tra hoàn cảnh của nhân vật, nhà đài không thể không biết con người, hình ảnh thực sự của thí sinh này. Có điều, họ đã gợi ý cho Lưu Nhã Đình về hình ảnh trái ngược khi đứng trước công chúng và khi sự thật được phơi bày, chương trình lại tiếp tục nhận được sự quan tâm của khán giả. Số phận của Lưu Nhã Đình tiếp theo sẽ ra sao, có thể sẽ không còn đuợc nhà đài thực sự quan tâm, khi mà mục đích chính của họ đã đạt được.
Các gameshow thực tế vẫn tiếp tục bùng nổ và cạnh tranh để thu hút khán giả bằng nhiều chiêu trò. Tất cả như một guồng xoáy với đủ hỉ nộ ái ố, với những kịch bản được viết sẵn sao cho kịch tích nhất, nhưng thường được giấu sau một tấm rèm nhung, để đến khi xuất hiện, khán giả chỉ được thấy những gì lung linh, đẹp đẽ và cảm động nhất. Thật giả không quan trọng, điều đáng quan tâm nhất là thu hút được khán giả và qua đó, nhận được nhiều đơn hàng quảng cáo và kết quả cuối cùng, vẫn là lợi nhuận. Giám khảo, thí sinh, khán giả… xét cho cùng, vẫn chỉ là những “quân cờ” của ban tổ chức trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt của thế giới những chương trình thực tế.
Theo Tri Thức