Sau 30 năm, Gạc Ma dự kiến lần đầu tiên được đưa vào SGK |
Theo Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), việc nhắc lại sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 đối với học sinh là rất cần thiết.
"Tròn 30 năm chúng ta mất Gạc Ma và cũng ngần ấy thời gian Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma. Đó là một sự thật, một nỗi đau mà chúng ta không thể che đậy, giấu giếm vì bất cứ lý do gì" – thày Hiếu nhấn mạnh.
Trong khi sách giáo khoa (SGK) Lịch sử phổ thông hiện hành, vấn đề chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây - Nam đề cập sơ sài, còn vấn đề về quá trình đấu tranh xác lập chủ quyền và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma... không có một dòng, thày Hiếu cho hay dưới góc độ là giáo viên môn Lịch sử, ông đã nhiều lần lên tiếng đề xuất đưa sự kiện này vào SGK mới.
"Theo thông tin tôi có được khi là thành viên của Hội đồng góp ý, phản biện của Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục môn Lịch sử phổ thông mới dự kiến đưa sự kiện Gạc Ma, cũng như cuộc hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974, bổ sung đầy đủ hơn sự kiện chiến tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam (1975-1978), chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989)... vào chương trình và SGK" – thày Hiếu chia sẻ.
Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến góp ý, phản biện từ các chuyên gia, nhà giáo, các cơ quan, trường học, cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Cấu trúc nội dung chương trình môn Lịch sử ở bậc THPT sẽ được trình bày theo các mạch chuyên đề và phần kiến thức về sự kiện Gạc Ma dự kiến nằm trong chuyên đề "Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam sau năm 1975" cùng "Biển Đông: Lịch sử và hiện đại" ở lớp 12.
Nội dung giáo dục cốt lõi của 2 chuyên đề này là từ việc xác định tầm quan trọng của biển Đông đối với Việt Nam, từ đó nêu rõ nhận thức Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và quản lý liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử.
Đồng thời, chuyên đề giúp học sinh hiểu được quá trình Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc Ma; nắm được thực trạng tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường sa; chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Ngày 14-3-1988, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa: Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thì Trung Quốc ngang ngược đưa tàu chiến đến ngăn cản, tiến công xâm chiếm. Mặc dù tương quan lực lượng chênh lệch, phương tiện vũ khí hạn chế, cán bộ và chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, không quản hi sinh, quyết tử đến cùng để bảo vệ chủ quyền hải đảo của Tổ quốc. Tại Gạc Ma, quân Trung Quốc có vũ trang cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ hải quân, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15-3-1988. 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam anh dũng hi sinh, 9 người bị quân Trung Quốc bắt. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc xâm chiếm từ đó.
|
Tác giả: Yến Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động