Đó là chia sẻ của giáo viên trước thông tin về gian lận điểm thi ở Sơn La, có bị can khai với công an để rút bài sửa nâng điểm 3 môn đạt đến mức tổng điểm yêu cầu trong tổ hợp xét tuyển đại học, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỉ đồng.
Lương 30 năm dạy học mới bằng 1 lần nâng điểm
Cô Nguyễn Thu Hằng, trường tiểu học Đoàn kết (Hà Nội) bất ngờ và không tin vào số tiền gọi là “chi phí” nâng điểm tới 1 tỷ đồng này, “tôi đã đọc thông tin này ít nhất 5 lần để tránh không bị nhầm lẫn, mỗi một lần đọc là một lần sốc. Tôi tự hỏi, ngoài sức hút về đồng tiền thì liệu có động lực nào khác khiến các cán bộ ấy bất chấp cả sự nghiệp của mình mà liều đến vậy”.
Giáo viên tiểu học như chúng tôi, lương tính theo hệ số 2,34- 4,89 nhân 1.390.000 đồng/tháng, cộng thêm cả tiền dạy học ngoài giờ trên lớp, tiền trông thi, tiền bồi dưỡng các hoạt động ngoại khóa… trung bình lương được gần 4 triệu đồng/tháng. Cứ tính theo lũy tiến như vậy thì phải đến 30 năm không ăn, không tiêu chúng tôi mới có đủ số tiền bằng một lần nâng điểm thi.
Thử hỏi, 44 thí sinh được nâng điểm tương đương 44 tỷ đồng, số tiền này đủ để chi trả lương cho giáo viên của một tỉnh trong nửa năm nhưng lại được các cán bộ hô biến vào túi tiền cá nhân… thật choáng váng!.
Cô Trần Thị Tuyết Mai, trường THPT Đoan Hùng (Phú Thọ) đã thốt lên “quá kinh khủng!”. Một giáo viên đi dạy bằng sức lao động chính đáng, tính cả tiền dạy thêm, gia sư… tích cóp cả đời cũng khó lòng chạm được đến số tiền 1 tỷ đồng, một con số mơ ước của hàng triệu thầy, cô giáo.
Đặt câu hỏi “với giá 1 tỷ đồng các gia đình dư sức có thể cho con đi du học ở nước ngoài hoặc tạo điều kiện cho các em khởi nghiệp kinh doanh thành công… nhưng tại sao các phụ huynh đó lại chọn con đường “chạy điểm”?.
Nhiều giáo viên choáng trước vụ việc một số cán bộ giáo dục tỉnh Sơn La nhận nâng điểm với mức giá 1 tỷ đồng/trường hợp. |
Thực chất, hành động đó nhằm mục đích muốn con mình học xong, tốt nghiệp ra trường sẽ về địa phương để “thế chân” vào các vị trí của họ đang đương nhiệm. Điều đó không dừng lại chỉ là lợi dụng chức quyền mà được quy kết vào tội “tham nhũng tương lai” mới thỏa đáng.
Cô Nguyễn Thu Hằng hy vọng các cơ quan xử lý đến tận gốc rễ những “con sâu đục thâm, con mọt gặm nhấm” ngành giáo dục trong suốt thời gian qua.
"Để giáo viên chúng tôi không thấy bất công khi cứ phải nai lưng đi dạy học mà vẫn chẳng thể bằng một kẻ có chút quyền ngồi điều hòa kiếm tiền bất chính" - cô Hằng bức xúc.
“Bóp chết” niềm tin trong giáo dục
Thầy giáo Nguyễn Xuân Nam, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ (Nghệ An) thẳng thắn chia sẻ, “nhiều các vị phụ huynh mạnh tay chi 1 tỷ đồng để sửa, nâng điểm cho con đều là đảng viên và cán bộ cơ quan Nhà nước chứ người dân lấy đâu ra nhiều tiền như vậy”.
Điều đó, gây đảo lộn toàn ngành giáo dục và ảnh hưởng trực tiếp tới niềm tin của nhân dân, nhất là gia đình nghèo mong cho con học hành đỗ đạt để đổi đời thì nay lại càng bi quan hơn.
Đáng buồn hơn khi nhiều gia đình không còn kì vọng vào kết quả học tập của con vì có học giỏi đến mấy, khả năng đỗ đạt vào các trường được nhà nước hỗ trợ như công an, quân đội, sư phạm, kỹ thuật… cũng rất hiếm hoi.
Đồng thời, không ít người đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải năm đầu tiên tỉnh Sơn La thực hiện hành động sai trái này, hay đến năm nay mới bị phát hiện?. Sự băn khoăn đó như “bóp chết” niềm tin trong giáo dục, biết đến bao giờ chúng ta mới xây dựng lại được.
Hy vọng, phụ huynh của 44 em cùng cán bộ nâng điểm và đường dây “chạy điểm” sẽ bị xử lý nghiêm minh, thuận theo ý người dân, thầy Nguyễn Xuân Nam cho biết thêm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mở Hà Nội, cho biết, bà thật sự sốc và lắc đầu ngao ngán khi đọc được những thông tin này, nhận 1 tỷ đồng để nâng điểm là một số tiền rất lớn, hành động liều lĩnh đến bất chấp của các cán bộ giáo dục tỉnh Sơn La.
Ngoài cám dỗ về mặt giá trị kinh tế, thì đây là số tiền “bán” đạo đức nghề giáo quá rẻ mạt. Cần lên án những hành động này ngay lập tức để lấy lại niềm tin từ xã hội và trả lại công bằng cho các thí sinh.
Trên cương vị là một trường Đại học, tôi càng lo lắng hơn về “vấn nạn chạy điểm” này, bởi khi Nhà trường tiếp nhận các em có học lực yếu, kém sẽ gây ảnh hưởng tới hình ảnh, kết quả và chất lượng đào tạo nói chung. Nếu trót lọt các trường hợp như vậy thì một bộ phận sinh viên sẽ có tư tưởng không cần học, không cần nỗ lực, mọi việc sẽ được giải quyết bằng đồng tiền.
“Điều này cực kì nguy hiểm vì nó là mầm mống cho hiện tượng tiêu cực ở trong các trường Đại học” – bà Hương nhấn mạnh.
Tác giả: Hà Cường
Nguồn tin: Báo Dân trí