Giáo dục

Sinh viên Việt Nam phát triển xe không người lái

Sắp tới, 8 nhóm sinh viên từ 8 đại học trên cả nước sẽ thi đấu trận cuối cùng của cuộc thi công nghệ điều khiển xe không người lái đầu tiên ở Việt Nam.

Trong cuộc thi công nghệ Cuộc đua số do FPT tổ chức, các đội thi sẽ phải sử dụng kiến thức công nghệ mới như xử lý hình ảnh (nhận làn đường, xác định vật cản), trí tuệ nhân tạo, học máy kết hợp với kiến thức về điều khiển tự động để xe có thể di chuyển chính xác nhất trên đường thẳng, trong khúc cua, khi leo dốc; biết tự điều chỉnh đường đi, tốc độ khi gặp vật cản.

Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ tự vận hành trở thành một trong những lĩnh vực được chú trọng đầu tư, nghiên cứu.

Đội dự thi từ ĐH Lạc Hồng gấp rút hoàn thiện công nghệ cho mô hình xe tự lái trước đêm chung kết. Ảnh: BTC.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này đã được áp dụng vào thực tiễn với các sản phẩm như robot giao hàng, máy bay không người lái, các ứng dụng hỗ trợ người lái trong ôtô, ôtô không người lái, trợ lý ảo.

Các chuyên gia dự đoán ôtô có kết nối và ứng dụng thông minh dần chiếm lĩnh thị trường trong vài năm tới. Do đó, sinh viên Việt Nam sẽ có ưu thế lớn nếu được tiếp cận, học tập, thực hành và nghiên cứu các công nghệ như xe tự hành.

Trên thực tế, không ít đại học ở Việt Nam bắt đầu đào tạo sinh viên các kiến thức cơ bản liên quan công nghệ tự hành như việc xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, TS Phạm Văn Cường, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhận định giữa lý thuyết và thực tế luôn tồn tại khoảng cách.

"Để ứng dụng kiến thức đã học vào giải quyết những bài toán khác nhau, các em phải tích lũy trải nghiệm rất nhiều. Cuộc thi sẽ giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết đến thực hành", ông nói.

Là thành viên của một trong 8 đội lọt vào trận chung kết, sau một thời gian tập luyện, Lê Trung Kiên (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết kiến thức về xử lý ảnh còn rất mới mẻ với hầu hết sinh viên.

Trải qua quá trình tập luyện, Kiên cũng như các thí sinh khác không chỉ biết nắm bắt công nghệ mới, ứng dụng kiến thức để hoàn thiện sản phẩm dự thi mà còn rèn luyện được khả năng làm việc nhóm.

Đây có thể coi là khởi đầu tốt đẹp cho thế hệ sinh viên đam mê công nghệ, khao khát thành công và cống hiến.

Tác giả: Nguyễn Sương

Nguồn tin: Báo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP