Giờ Giải Lao

Sinh viên mua điểm mùa thi: 200.000 đồng được 6 điểm

Vào mùa thi, không ít sinh viên kẹp phong bì với mức giá, 500.000 đồng được 10 điểm, 9 điểm thì 400.000 đồng, với 300.000 đồng, có trường được 8, trường nhận 6.


200.000 đồng được 6 điểm

Đó là lời của N.T.T – sinh viên năm 3, Đại học V.H Hà Nội kể lại từ cuộc điện thoại dặn dò của “đàn chị” khóa trước trong khoa bật mí bí quyết quy luật đưa phong bì cho thầy cô bộ môn để đạt điểm cao trước kỳ thi.


Đến hẹn lại lên, sắp kết thúc học kỳ 1 của năm học 2012–2013, nhiều sinh viên rục rịch chuẩn bị phương tiện “cứu hộ” để chạy điểm. Không ôn thi, học lệch tủ, không mở được phao thi… không ít sinh viên chọn cách đưa phong bì cho thầy cô bộ môn để qua “điểm chết” hay giành điểm cao.

Nạn đưa phong bì mùa thi đang diễn ra ở nhiều trường đại học.

Việc “đút” phong bì cho thầy cô trước vài ngày thi là điều phổ biến ở các trường đại học trên địa bàn hiện nay. Thậm chí, phong bì dày hay ít được tính toán theo luật dựa vào tính chất môn học, vào tính tình của thầy cô đó và được công khai giữa sinh viên.


Nắm bắt được những giảng viên “nhận tiền” có tiếng trong trường, sinh viên xin bố mẹ hoặc bấm bụng chi tiêu để có thể “hỏi bài” tại nhà giảng viên với những chiếc phong bì lẫn trong túi hoa quả, gói quà nhỏ trước kỳ thi.


“Môn này chỉ cần 200.000 là được 6 điểm rồi… còn mấy môn kia không biết có đi được không… để hỏi” – sinh viên N.T.T thắc mắc với bạn cùng lớp.


N.T.T chân thật giãi bày: “Kỳ này nghe mấy đứa trong lớp bảo có hai cô đi được tiền, ngày kia nhóm mình góp 300.000 đồng một bạn, còn một cô nữa đang xếp lịch. Một cô năm ngoái đã đi 300.000 đồng và được 6 điểm, nhưng nghe nói cô cũng bị chỉ trích nhiều, không biết năm nay cô có nhận nữa không?”.


Biết trước được tình hình của mọi năm nên N.T.T cũng phải xin mẹ thêm một khoản tiền để có thể qua môn trong kỳ thi. Mỗi lần như thế, cậu đều trình bày với mẹ là môn này khó, ít người qua, mình đi trước thì cô mới để mắt đến.


Còn Đ.V.P (một sinh viên năm 4) chia sẻ: “Năm nào mình chẳng phải đi một số môn, thấy bạn bè đi thì mình cũng phải đi, mình đi cho an toàn chứ nghe mọi người nói học được nhưng không đi cũng “tạch””.


Khi hỏi về cách đi cho khéo, Đ.V.P chia sẻ kinh nghiệm: “Trước tiên phải gọi điện hỏi cô giáo bảo là qua hỏi bài, nếu cô giáo đồng ý thì đi và đi chỉ tầm 5 người trở lại, tiền bỏ vào phong bì, có ghi rõ họ tên tường người, lớp, khoa rồi bỏ vào túi hoa quả”.


Thậm chí không ít bạn trẻ công khai kẹp phong bì cho thầy cô vào bài kiểm tra của mình. Đó là trường hợp của bạn H.N.T (sinh viên một trường ĐH thuộc khối kỹ thuật, công trình) đã nộp bài thi trắng và dưới bài thi là một chiếc phong bì có ghi rõ tên, lớp, khoa của mình để mong thầy cô giáo lưu ý cho qua điểm “chết” không phải thi lại, học lại.


5 tín chỉ thì phải 5 “lít”


Một sinh viên năm 4, ĐH thuộc lĩnh vực nông lâm, mặc dù học khá nhưng vẫn bùi ngùi bỏ 500.000 đồng từ số tiền tháng bố mẹ cho vào phong bì để đi thầy dạy môn chuyên ngành.


Tuấn cho biết: “Mình học nhưng vẫn lo lắng cho môn 5 tín chỉ này. Trong trường thầy nổi tiếng “ăn tiền” sinh viên, nếu không qua là phải học lại, mà số tiền học lại còn đắt gấp mấy lần phong bì ấy chứ. Mình đi 5 “lít”/5 tín chỉ (500.000 đồng), có bạn trong lớp còn bỏ 1- 2 triệu đồng là bình thường”.


Thậm chí có sinh viên còn “công khai” đút phong bì dưới bài thi của mình trước khi nộp bài trắng để thầy cô “ưu tiên”.


Hỏi han để nắm thêm quy định đi phong bì ở trường, Tuấn biết nếu đi môn phụ không phải chuyên ngành thì trung bình 300.000 đồng/môn/mỗi sinh viên. Chưa kể, mỗi sinh viên còn phải đóng vài trăm để góp quỹ chia ra từng số môn để cả lớp đi cảm ơn thầy cô trước kỳ thi học kỳ.


Một thực tế xảy ra là không có “cung” thì có “cầu” cũng không làm gì được. Việc phong bì ngày càng góp phần “giúp” sinh viên thêm phần lơ là, thiếu tính tự giác. Và đương nhiên, những người học phải nhờ tới chiếc phòng bì dày mỏng ấy. Cũng vì thế mà trong thời gian nghỉ ôn thi học kỳ, nhiều thầy cô giáo bận rộn hơn với việc tiếp sinh viên.


Tuy nhiên, đó chỉ là một bộ phận nhỏ giảng viên đại học, cao đẳng hiện nay thích “nhận tiền” của sinh viên hiện nay. Cũng không ít câu chuyện đẹp kể về những nhà giáo suốt mấy chục năm đứng lớp nhất quyết từ chối phong bì từ sinh viên để chạy điểm. Họ sống bằng chính lòng yêu nghề, bằng đồng lương chân chính của mình.

BÀI MỚI ĐĂNG