Hội đồng thẩm định sách giáo khoa ngày 12/9 cho biết, ba bản thảo sách giáo khoa Công nghệ giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại gồm: Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, Toán Công nghệ giáo dục và Đạo đức Công nghệ giáo dục, bị trượt vòng thẩm định đầu tiên.
Hai trong ba tập sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục hiện hành. Ảnh: VnE |
Theo lý giải của Hội đồng thẩm định, các bản thảo trên không đáp ứng đầy đủ 13 tiêu chí của sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có những tiêu chí như: điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa, nội dung, phương pháp giáo dục vượt quá quy định trong chương trình lớp 1, đánh giá kết quả giáo dục, cấu trúc, ngôn ngữ sử dụng, hình thức trình bày...
Qua theo dõi về diễn biến vụ việc, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định, bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã trải qua cả một quá trình thăng trầm, lên xuống khá li kỳ.
Về nguyên nhân các bản thảo không vượt qua được vòng thẩm định đầu tiên do không đáp ứng được các tiêu chí đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT, vị PGS cho biết, có nhiều đánh giá chưa thuyết phục.
Nêu ví dụ về đánh giá sách giáo khoa Công nghệ có nhiều nội dung vượt quá chương trình, tức là nâng cao hơn so với trình khung của Bộ GD-ĐT, đánh giá này cần phải được cân nhắc dựa trên phản ứng thực tế chứ không chỉ dựa trên tiêu chí.
PGS Trần Xuân Nhĩ phân tích, Hội đồng thẩm định nói nội dung chương trình cao hơn so với quy định thì phải nói rõ cụ thể là cao hơn như thế nào?
"Theo tôi được biết, bộ sách giáo khoa Công nghệ đã được thí điểm gần 40 năm nay, đã có hơn 931.000 học sinh đang học chương trình này. Vậy, những học sinh này đã tiếp cận sách thế nào và khả năng tiếp thu ra sao, Hội đồng thẩm định phải có đánh giá cụ thể.
Thực tế, chương trình khung của Bộ GD-ĐT chỉ là quy định ở mức tối thiểu, còn với khả năng nhận thức và khả năng tiếp thu của học sinh hiện tại, học sinh hoàn toàn có thể tiếp thu được với một chương trình nâng cao hơn so với chương trình khung đưa ra.
Nếu những học sinh đang theo học chương trình bộ sách giáo khoa Công nghệ này mà vẫn tiếp thu được, phụ huynh đánh giá tốt, ủng hộ thì Hội đồng thẩm định cũng cần cân nhắc, đưa ra những cải tiến, thay đổi theo hướng tiếp tục sử dụng bộ sách một cách hiệu quả hơn.
Tôi lấy ví dụ, quy định trong sách tiếng Anh của lớp 1 có đưa ra tiêu chí chỉ giảng dạy để học sinh tiếp thu được 70 từ vựng. Tuy nhiên, cháu tôi mới 3 tuổi, đã tiếp cận và đọc được tới vài trăm từ vựng.
Lấy lý do nội dung vượt chương trình khung trong trường hợp này chưa thật sự thuyết phục, như thế là hạ thấp khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. Trong khi đó, chương trình sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT cũng đang nhận được rất nhiều lời ca thán về nội dung, chương trình quá nặng so với học sinh", PGS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.
Về phía phản ứng của GS Hồ Ngọc Đại, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, việc GS Hồ Ngọc Đại bảo lưu quan điểm, không hạ thấp nội dung chương trình cũng là lý do chính đáng.
Bởi đây là bộ sách đã được ứng dụng hơn 40 năm và đã có một số lượng học sinh rất lớn đã tiếp cận và học theo chương trình này, do đó, Hội đồng thẩm định khi đánh giá cũng phải xem xét dựa trên khả năng tiếp thu của những học sinh này.
Tuy nhiên, trong quan điểm của Hội đồng thẩm định cũng có đưa ra nhận định về hình thức trình bày chưa phù hợp, có nhiều nội dung, chi tiết cần sửa, bỏ... Đây cũng là những ý kiến cần quan tâm.
"Tôi nghĩ rằng, cả GS Hồ Ngọc Đại và Hội đồng thẩm định cần ngồi lại với nhau, cùng thảo luận công khai, minh bạch về các lý do khiến bản thảo bị bác bỏ.
Cùng với những lập luận khoa học thì cũng cần lắng nghe, tiếp thu những đánh giá dựa trên kết quả tiếp nhận thực tiễn, nếu có được những thảo luận, đánh giá công khai, minh bạch, tôi tin hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung", PGS Trần Xuân Nhĩ nói.
Trước đó, đánh giá riêng bản thảo Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, GS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt, cho rằng bản thảo của GS Hồ Ngọc Đại chỉ đáp ứng tiêu chí về điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa. Nếu tính chi tiết từng tiêu chí, bản thảo có tới 300 nội dung, chi tiết cần sửa, bỏ.
Hội đồng thẩm định đặt ra nguyên tắc số 1 là bản thảo phải viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới, toàn diện, gồm nhiều vấn đề, như: ngữ điệu mới, lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường chứ không phải chỉ học vần, viết chữ. Tuy nhiên, theo GS Chừ, Tiếng Việt Công nghệ giáo dục không thay đổi gì so với cuốn sách đang được hơn 931.000 học sinh sử dụng. GS Đại giữ nguyên ba tập sách, bổ sung một cuốn tự học.
Một số nội dung của Tiếng Việt Công nghệ giáo dục vượt quá quy định trong chương trình lớp 1. Ví dụ, học sinh lớp 1 phải học những cụm từ, thành ngữ, như: thế chẻ tre, dĩ hòa vi quý, dĩ ân báo oán, hay con cà con kê. Học sinh phải tiếp cận với kiến thức ngôn ngữ học, như: khái niệm âm đệm, nguyên âm đôi. Theo Hội đồng thẩm định, kiến thức này là quá sức với học sinh lớp 1, trong khi nguyên tắc của chương trình mới là giảm tải nội dung khó, nâng cao.
GS Chừ thông tin thêm Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thầy cô dạy Tiếng Việt lớp 1 ở các vùng miền, từ vùng núi, nông thôn đến thành phố. Tất cả đều nói để dạy sách Công nghệ giáo dục như hiện nay phải bỏ công sức để nghiên cứu gấp 3-4 lần so với sách thông thường.
Với Bản thảo Toán Công nghệ giáo dục, PGS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán, khẳng định sách của GS Đại chưa đáp ứng được hết tiêu chí, nhiều nội dung quá nặng với học sinh lớp 1. "Hội đồng gồm 13 người, thẩm định căn cứ vào 13 tiêu chí, ghi nhận từng cái một để đánh giá đạt hay không. Ví dụ, nội dung sách phải đúng, đủ theo chương trình. Nếu không đủ, hoặc đúng, đều không thể thông qua", ông Kiều nói.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán cho hay đã phân tích điểm đạt và chưa đạt của bản thảo môn Toán trực tiếp với GS Hồ Ngọc Đại, nhấn mạnh việc thẩm định dựa trên chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời đánh giá cao một số điểm hay ở sách Toán Công nghệ giáo dục. Ông khuyên GS Đại sửa lại theo chương trình mới, kế thừa những điểm tích cực đó.
Trả lời báo chí sáng 12/9, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định sẽ không sửa bản thảo để nộp lại dù có quyền.
"Tôi sẽ không sửa bởi công trình ấy tôi đã làm cả một đời người. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn. Tôi đã tính toán hết, cũng đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm và nghiên cứu để có những điều chỉnh cần thiết", ông Đại nói.
Tác giả: Lam Nguyễn
Nguồn tin: Báo Đất Việt