Những kiểu săn độc đáo
Đi qua cánh đồng xã Long Thành, huyện Yên Thành, chúng tôi dừng chân xem một nhóm 5 người đang săn chuột bên bờ mương. Nhóm người này dùng cả chó săn và súng cao su để bắt chuột. Chúng tôi tiếp cận một người đàn ông trung tuổi tên Chiến đang xách chiến lợi phẩm là nửa bì chuột vừa bắt được. Chiến tâm sự: “Mấy năm trở lại đây thịt chuột được tôn lên hàng đặc sản đồng quê. Giá thịt chuột có khi lên tới 70.000 đồng/kg. Thấy bở, nhiều người đổ xô đi săn chuột. 3 năm nay, cứ đến mùa này là tui rủ mấy anh em trong xóm cùng đi săn chuột bán kiếm tiền thêm cho con cái ăn học”.
Nhà nông Yên Thành chế biến chuột sau chuyến săn. Thịt chuột hiện nay là món khoái khẩu của nhiều người. Ảnh: T.D
Mấy năm trở lại nay thịt chuột ở đây được tôn lên hàng đặc sản đồng quê. Giá thịt chuột có khi lên tới 70.000 đồng/kg. Thấy bở ăn, nhiều người đổ xô đi săn chuột. 3 năm nay, cứ đến mùa này là tui rủ mấy anh em trong xóm cùng đi săn chuột bán kiếm tiền thêm cho con cái ăn học”. Anh Chiến – một tay săn chuột ở Yên Thành, Nghệ An |
Theo Chiến, có nhiều cách để bắt chuột như dùng cuốc xẻng đào, hun khói, đổ nước, nhưng dùng chõ và chó săn vẫn là hiệu quả nhất. Hang chuột thường có 1-2 ngách, thợ săn đặt chõ vào ngách rồi chọn hang chính thọc thuổng vào làm chuột sợ vọt ra là chui tọt vào chõ. Nếu con nào thoát đã có chó. Chó hỗ trợ rất đắc lực, bản thân nó cũng có thể tìm hang chuột, cào bới, sủa inh ỏi, chuột ra là vồ, ngoạm lại cho chủ. Chuột nhiều lúc cũng trú khoảng 20 – 30 con trong 1 cái hang lớn. Một ngày gặp khoảng 10 hang như vậy là tha hồ bắt. Cái khó là chuột lớn thường nằm trong bụi rậm, ở bờ kênh gai góc nhiều nên khó bắt, lại hay gặp rắn. “Có lần tui đang thọc thuổng vô một hang ở kênh Vĩnh Thành, huyện Yên Thành bị con rắn bằng cổ tay dài hơn mét lao ra mổ đúng vào mũi. Rất may là rắn ráo, không thì đứt đời!” – Chiến kể.
Mỗi ngày anh bắt được nhiều không? – tôi hỏi. “Trước đây 3-4 người bọn tui mần 1 ngày cũng được khoảng hơn 2 yến (1 yến bằng 10kg), nhưng nay ít hơn vì người ta đi bắt nhiều quá. Nói chung mỗi ngày bọn tui cũng kiếm được hơn kém vài trăm ngàn mỗi người, gấp mấy lần làm ruộng. Bây giờ chẳng cần phải bán cho lái buôn nữa mà bắt được từng nào có người đến mua ngay. Chuột đồng bây giờ là đặc sản nên ai cũng chuộng, ngặt nỗi chỉ săn được vào mùa thu, khi các cánh đồng lúa đã gặt xong” – Chiến giãi bày.
Kiểu săn như Chiến gọi là “lính đánh bộ”, còn kiểu săn “lính đánh thuỷ” cũng khá ngoạn mục. Sau trận mưa lớn nước ngập trắng đồng, tôi theo Phương ở xóm Núi, xã Tây Thành, huyện Yên Thành và một số người dùng súng hơi, súng cao su ban đêm đi dọc các hàng cây ở bờ kênh, ao đầm… bắn chuột. Nhóm chúng tôi đi 4 người nhưng ra đến bờ kênh đã thấy 2 nhóm mỗi nhóm 3-4 người nữa đội đèn cầm súng đang lúi húi dưới kênh bắn chuột. Nước băng đồng nên chuột chạy lên cây trú rất nhiều, chúng ngồi thu lu lúc lỉu trên các cành cây. Phạch, phạch, phựt, phựt… tiếng súng hơi, súng cao su thi nhau nhả đạn. Đi hơn tiếng đồng hồ, chúng tôi đã bắn được hơn 200 con chuột, có những con nặng gần 1kg. Phương nói: “Tí nữa về tui làm chuột 7 món chiêu đãi bác”.
Thợ săn bắt chuột bằng lưới. Ảnh: T.D
Kiểu săn thứ 3 là kiểu săn đại trà. Chúng tôi đã đi rất nhiều cánh đồng ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, đâu đâu cũng thấy người săn chuột rất nhiều. Cách thức của họ rất đơn giản, dùng cuốc đào để bắt chuột ở các bờ vùng, bờ thửa. Nhiều nhóm còn dựng lều trên đồng để ngày đêm tiện việc săn chuột đồng.
Món nhậu khoái khẩu
Cầu, một tay lái chuột cho biết: “Trước đây tui gom chuột rồi nhập cho các nhà hàng, nhưng nay vì là đặc sản nên dân họ mua nhiều. Người ta ra tận đồng để mua nên cũng chẳng còn nhiều cho mình gom nữa. Khách mua đủ mọi tầng lớp, dân buôn bán có, dân thường có, VIP có. Họ mua về làm thịt nhậu. Nhậu chuột đồng bây giờ là mốt”.
Trẻ em cũng đi bắt chuột. Ảnh: T.Đ
Thịt chuột có thể làm được rất nhiều món. Chuột thui rơm vàng, lột da xong có thể ướp sả ớt rang muối hoặc chiên dầu mỡ cho giòn; giả cầy; kho tàu; rô ti; xào củ cải; thịt chuột luộc ướp lá chanh chấm với muối ớt, hoặc ướp gia vị rồi đem chiên, tới thịt chuột nướng với vỏ quýt, vừa giòn vừa thơm; chuột ướp gừng kẹp lá chanh nướng… chuột nướng chao, chuột xào lăn, thịt chuột bằm nhuyễn xào khô trộn lộc cách, dùng với bánh đa nướng. Nhưng ngon nhất, có lẽ phải kể chi tiết là món chuột đồng úp nồi đất nung: Chuột làm sạch để nguyên con đem ướp muối, tiêu, ớt, sả, ngũ vị hương, bột ngọt khoảng 15 phút cho gia vị ngấm vào thịt; sau đó dùng que xiên chuột, cắm đứng những que xiên chuột lên, lấy nồi đất úp ngược miệng xuống đất, bên ngoài dùng rơm nếp đốt lửa lên, đốt đến khi mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Lúc đó lấy nồi ra ta thấy da chuột căng bóng, vàng rộm. Thưởng thức nóng món này chẳng kém gì sơn hào hải vị của thế gian…
Các món chế biến từ chuột rất khoái khẩu với dân nhậu, đặc biệt vào những ngày mùa thu, tiết trời mát mẻ kèm theo những trận mưa. Đây cũng là thời điểm cho các đệ tử lưu linh lai rai món đặc sản quê lúa đang lên ngôi!
Thịt chuột liệu có an toàn? Nghề săn bắt và mua bán chuột đồng đang giúp nhiều nông dân Nghệ An có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống lúc nông nhàn, đồng thời góp phần tiêu diệt chuột, bảo vệ mùa màng. Nhưng những người khi thưởng thức đặc sản chuột đồng cần phải cảnh giác vì chuột là trung gian gây nhiều loại bệnh cho người, như bệnh nấm da Microsporum persicolor; nấm lông Microsporum canis; Trichosporum quinckeanum và Trichosporum menragrophytes. Ngoài ra chuột còn lây truyền cho người hàng chục bệnh ký sinh trùng bên các bệnh giun sán và các bệnh ký sinh trùng máu. Trước hết, các loài chuột có thể truyền hai bệnh giun xoắn Angiostrongylus cantonensis và Morerastrongylus costa-riensic rất nguy hiểm. Đặc biệt là bọ chét ký sinh trên chuột có thể gây bệnh dịch hạch chết người… Và một điều nguy hại nữa là vào mùa săn chuột nhiều bờ vùng, bờ thửa, các bờ đê bị một số người săn chuột đào bới. Việc này tạo đà cho sự xâm thực của nước làm hư hỏng đê điều và các công trình thủy lợi khi mùa mưa lũ đang đến gần. |
Tiến Dũng