Việc Thủ tướng dành 4 buổi làm việc trực tiếp để đôn đốc từng bộ, ngành cho thấy, Chính phủ quyết làm tới nơi tới chốn, làm đến cùng để tạo đột phá về môi trường kinh doanh.
Sau các buổi làm việc “vượt cấp” với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trong tháng 7 về thủ tục thuế, hải quan, cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường về các thủ tục trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Đây là những cuộc làm việc hoàn toàn có chủ đích của người đứng đầu Chính phủ.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ, trong đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính thì trọng tâm là cải thiện môi trường kinh doanh. Và trong cải thiện môi trường kinh doanh, trước mắt cần tập trung làm cho được trong 4 lĩnh vực: Thuế, hải quan, khởi sự kinh doanh và đất đai, xây dựng.
Như vậy, cùng với vấn đề khởi sự kinh doanh, thuế, hải quan, thì đất đai, xây dựng được xác định là “trọng điểm của trọng điểm”. Đây cũng là những vấn đề mấu chốt đã được đề cập tại Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết 19 đã đưa ra những mục tiêu hết sức chi tiết về cắt giảm thời gian nộp thuế, thời gian thông quan, trong khi chưa đề cập cụ thể như vậy đối với các thủ tục về đất đai, xây dựng. Nhưng điều đó không có nghĩa là Chính phủ coi nhẹ vấn đề này.
Bởi sau Nghị quyết 19, Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 43/NQ-CP, cũng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng “đặc cách” áp dụng riêng cho các thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Tại đây, mục tiêu trong lĩnh vực đất đai, xây dựng đã được định lượng rõ ràng: Cắt giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện gắn với tiết kiệm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục cho các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Chưa hết, Nghị quyết còn “chốt cứng” thời gian giải quyết trong bao nhiêu ngày với một loạt thủ tục trong lĩnh vực này để áp dụng thống nhất…
Như vậy, không coi nhẹ, mà Chính phủ còn đặc biệt coi trọng việc cải cách thủ tục về đất đai, xây dựng, có lẽ do tính chất vừa cấp thiết vừa hết sức phức tạp của vấn đề này.
Trở lại 2 buổi làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường của Thủ tướng, điểm nổi bật đầu tiên vẫn là tinh thần đã được khẳng định khi ông gặp doanh nghiệp đầu năm 2014 và khi làm việc với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan: Phải lắng nghe những phàn nàn, kêu ca, than thở của doanh nghiệp, của người dân.
Vì cho dù Nhà nước đã làm được rất nhiều việc trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng để tạo đột phá về môi trường kinh doanh thì các cơ quan chức năng cần không chỉ những lời ghi nhận hay ngợi khen, mà cần hơn cả là nghe được những lời kêu ca, phàn nàn từ thực tiễn hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.
Đúng như phát biểu của Thủ tướng, so với thế giới, so với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, so với mong muốn, thì số lượng và thời gian để thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng vẫn còn nhiều và còn dài.
Đây là một vài ví dụ thực tiễn được chính các cơ quan chức năng thừa nhận với Thủ tướng: Số lượng thủ tục và thời gian theo tính toán của Bộ Xây dựng chỉ là số liệu trung bình, trên thực tế, có dự án, công trình đến khi khởi công được phải mất 2-3 năm, thậm chí 5 năm và cá biệt còn lên đến hàng chục năm. Để khởi công được 1 công trình, ở TPHCM trung bình phải trải qua tới 40 thủ tục các loại, cao hơn nhiều con số 15 và 19 thủ tục mà Bộ Xây dựng thống kê.
Điểm nổi bật thứ hai, đó là quan điểm “cải cách thủ tục hành chính hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta”. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã khẳng định điều này rõ hơn: “Việc trong tầm tay, tại sao không làm sớm hơn”, bởi nếu làm sớm hơn thì “đỡ biết bao nhiêu” khó khăn, phiền hà, tốn kém cho người dân và doanh nghiệp.
Câu nói đó không chỉ thể hiện một quyết tâm, một niềm tin mà còn là lời nhắc nhở nghiêm khắc: Những khó khăn, phiền hà mà doanh nghiệp gặp phải chính là từ các cơ quan chức năng chứ chẳng phải từ “trên trời rơi xuống” và những người có trách nhiệm phải luôn luôn trăn trở để chủ động tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp, đừng phải đợi sự đốc thúc của cấp trên. Lời xin lỗi nhân dân của Thủ tướng tại cuộc gặp doanh nghiệp khi nộp thuế mà “khó khăn quá” cũng có hàm ý như vậy.
Cuối cùng, Chính phủ đang quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ để làm cuộc “cách mạng” về môi trường kinh doanh, từ đó tạo động lực mới cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, trong bối cảnh những cải cách đã tiến hành đã mất dần vai trò động lực. Nếu như các cuộc làm việc về thuế, hải quan được coi như những phát “pháo lệnh” đôn đốc các bộ, ngành triển khai Nghị quyết 19, thì hai buổi làm việc mới đây thể hiện rằng Chính phủ và Thủ tướng sẽ làm tới nơi tới chốn, làm đến cùng để thực hiện bằng được cuộc “cách mạng” trên.
Kim Tuấn-Báo điện tử Chính phủ