Địa Chí Hà Tĩnh

Quạnh hiu làng đảo Hồng Lam – Nghi Xuân

Đó là câu hỏi đầu tiên của người lái đò khi chúng tôi tìm về với ốc đảo của những người già và… những ngôi nhà hoang. Nghe chúng tôi trình bày lí do ra thăm ốc đảo, vừa sắp xếp hành lí cho những khách đi đò, chủ đò tiếp tục với câu chuyện buồn về ốc đảo Hồng Lam.

Đứng trên cầu Bến Thủy nhìn về đông, thôn Hồng Lam là một doi đất chới với giữa những đợt thủy triều lên xuống. Nằm giữa 3 đô thị là TP. Vinh của Nghệ An, thị trấn Nghi Xuân và thị trấn Xuân An của Hà Tĩnh nhưng thôn Hồng Lam (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) lâu nay được xem như một ốc đảo hoang vắng, đìu hiu.
Nơi chỉ có người già“Chú đi Hồng Lam à? Quen ai trong đó rứa? Hồng Lam giờ chỉ có người già thôi, thanh niên như chú không có mấy ai nữa mô…”

Anh tên là Trần Đình Huy, năm nay 45 tuổi, làm nghề đưa đò ở chốn này đã hơn 10 năm rồi. Anh kể: “Làm cái nghề này, chứng kiến từng người, từng nhà rời bỏ quê hương để đi tha phương cầu thực nhiều lắm. Hồi trước năm 1990, khi mà cầu Bến Thủy bây giờ chưa ra đời, ngôi làng này cũng sầm uất lắm. Hằng ngày hách qua sông bằng phà thường ghé lại giao thương với người dân trong làng nên kinh tế cũng khá giả, ngôi làng cũng vì thế mà nhộn nhịp hẳn lên. Nhưng đó là quá khứ rồi. Bây giờ ai ai cũng bỏ làng mà đi, nghĩ mà cũng buồn chú ạ”.


Mọi sinh hoạt của người dân trong làng Hồng Lam phụ thuộc rất nhiều vào con đò này. 

Không ai biết ốc đảo Hồng Lam có từ bao giờ, hỏi thăm các cụ cao niên trong làng thì chỉ biết từ hàng trăm năm trước những người làm nghề chài lưới trên sông Lam gặp mưa to, gió lớn thường ghé lại đây để trú. Phát hiện mảnh đất màu mỡ nên nhiều người định cư ở đây luôn. Cứ thế mà thôn Hồng Lam có khi lên đến gần 5 nghìn hộ dân với hàng chục nghìn nhân khẩu.
Những người đầu tiên đặt chân lên ốc đảo là những người làm nghề chài lưới nhưng bây giờ trong làng không ai làm nghề này nữa.

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Thế Lục, trưởng thôn Hồng Lam cho hay thôn có 210 hộ dân với 100% người dân sống bằng nông nghiệp, nhưng đất bị nhiễm mặn nên không thể trồng lúa nên quanh năm chỉ trồng cói và lạc. Ngày xưa, lúc mà cây cói còn được giá, mỗi gia đình một năm cũng kiếm được hàng chục triệu. Nhưng khổ nỗi, cói là loại cây khó tính, nước mặn quá cũng bị hư, nước ngọt quá cũng hư. Nhiều năm nay, đất canh tác cói bị đe dọa bởi sạt lở, nước mặn xâm nhập nên mất mùa liên miên. Có khi may mắn được mùa thì lại bị thương lái ép giá. Được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa nên nông dân ở đây khốn đốn vô cùng. Chính vì thế mà nhiều gia đình rời bỏ quê hương đi làm ăn. Thanh niên trong làng hầu hết vào các khu công nghiệp trong miền Nam làm thuê kiếm sống, chỉ có những người già như ông Lục vì không ai thuê nên phải ở lại bám trụ nơi cái làng đảo này.


Những hình ảnh dễ bắt gặp trong làng đó là những ngôi nhà hoang.

“Ở trong thôn hiện nay có tới hơn 50 ngôi nhà bỏ hoang, trong số những ngôi nhà hoang ấy, có cái đã để hàng chục năm nay bị mưa nắng hủy hoại nhiều,  những vẫn trơ trơ như vậy là vì không bán được. Không ai mua nhà ở đây cả. Làm trưởng thôn, hằng năm làm giấy tờ cho hộ này đến hộ khác di chuyển đi nơi khác, tôi cũng buồn lắm nhưng khuyên họ ở lại thì biết làm chi ăn bây giờ” – ông Lục than vãn.
Trường có… 15 học sinh

Do địa hình thôn Hồng Lam bị chia cắt, học sinh muốn đến trường hằng ngày phải đi đò rất nguy hiểm, nhất là về mùa mưa lũ.

Năm 2002, Bộ Công an đã hỗ trợ chi phí xây một ngôi trường khang trang cho các em học sinh ở đây. Ngôi trường 2 tầng dành cho học sinh cấp 1 lẫn cấp 2 với đầy đủ cơ sở vật chất nhưng hiện giờ chỉ còn lại… 15 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5.

Cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên dạy lớp 5, người đã gắn bó với ốc đảo này hơn 10 năm kể thêm: “Ngày xưa ở đây cũng có trường cấp 2 nhưng học sinh càng ngày càng ít, nhiều em chỉ học đến khi biết hết từng con chữ thì đã bỏ đi làm thê kiếm sống, nhiều em thì học dang dở lại theo bố mẹ vào Nam lập nghiệp. Vì thế những học sinh học cấp 2 của thôn muốn đến trường phải đi đò vào đất liền để học với những bạn khác. Trong 15 học sinh cấp 1 thì cả làng hiện chỉ có 2 em học sinh lớp 1. Số học sinh cứ càng ngày càng ít dần, có lẽ trường cũng sẽ ngừng hoạt động để cho các em qua bên đất liền học trong nay mai thôi”.


Ngôi trường tiểu học khang trang nhưng chỉ có 15 học sinh.
 
Theo những người dân làng Hồng Lam thì trong khoảng thời gian 10 năm, từ năm 2000 – 2010 cả làng không có một đám cưới nào diễn ra. Chỉ có mấy năm trở lại đây một số gia đình có điều kiện tổ chức mấy mâm cỗ liên hoan gọi là tổ chức đám cưới. Nhưng sau đó các đôi trẻ lại kéo nhau đi làm ăn, khiến cho cuộc sống ở đây lại thêm đìu hiu, quạnh quẽ.
Kể về ngôi làng của mình, bà Trần Thị Cháu 84 tuổi chia sẻ: “Buồn lắm chú ạ! Tui sinh ra và lớn lên ở đây, gắn bó với quê hương như máu thịt. Người dân ở làng này trước đây tuy không có của ăn của để nhưng cuộc sống cũng ổn định, giờ người ta cứ phải bỏ làng mà đi thấy xót lắm. Gần chục năm nay, trong làng chẳng có mấy đám cưới cả, bọn trẻ giờ đi hết rồi, có chăng thì cưới xong chúng nó về đây liên hoan rồi sinh con gửi lại ông bà nuôi để tiếp tục mưu sinh nơi xứ người thôi. Chứ ở đây chẳng biết làm gì mà sống cả”.

Nguy cơ từ “cát tặc”

Bị cô lập hoàn toàn với đất liền bởi dòng sông Lam, người dân Hồng Lam vẫn đứng vững trong các trận thiên tai dày xéo. Mỗi năm lũ về, cả làng lại quấn gói vào đất liền trú ngụ. Có năm, nhà cửa bị cuốn trôi ra biển. Nhưng những năm gần đây người dân ở vùng đất nghèo này lại phải chịu thêm nguy cơ bị xóa số khi liên tục bị sạt lở. Hằng năm, đất liền bị ngoạm sâu đến hơn 20 mét.

Kể đến đây, ông trưởng thôn Hồng Lam bức xúc : “Chúng tôi sống ở đây từ đời này qua đời khác chịu thiệt thòi từ thiên tai nhưng vẫn cố để tồn tại nhưng bây giờ chúng tôi lại chịu thua trước một vấn nạn đến từ “nhân tai”, đó là cát tặc hoành hành trên sông Lam”.


Sạt lở do cát tặc  hoành hành đang là vấn nạn đe dọa cuộc sống 210 hộ dân trên đảo.

Theo ông Lục, hằng ngày có 3 – 4 sà lan lớn hút hàng nghìn mét khối cát gần khu vực ốc đảo nên làm cho diện tích đất liền trên đảo bị đe dọa nghiêm trọng; bờ kè chắn sóng bảo vệ dân làng trong mùa lũ giờ nằm cách đất liền hàng chục mét. Thôn cũng đã nhiều lần gửi kiến nghị lên xã rồi huyện, nhưng sau một vài lần lực lượng chức năng truy quét thì cát tặc vẫn ngang nhiên hoạt động khiến người dân rất bức xúc.
Phương tiện không có, thanh niên trong làng giờ cũng chẳng có mấy người, chỉ toàn người già nên thôn cũng bó tay trước nạn “cát tặc”.

Gắn bó là vậy, trở trăn là vậy, nhưng ốc đảo Hồng Lam bây giờ lại đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn. Có lẽ, trong nay mai thôi, ốc đảo Hồng Lam sầm uất một thời chỉ còn là cái tên trong dĩ vãng.

Nguyễn Tiến
Theo ngaynay.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP