Trong đoạn clip được phụ huynh ghi lại, cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần từng âm tiết trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, cách đánh vần này vẫn khiến các bậc phụ huynh thấy “ngờ ngợ” và có vẻ khác thường.
Đoạn clip sau khi được đăng tải ít giờ đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng cách đánh vần này không giống với cách đánh vần thông thường mà trước đây các phụ huynh từng được học.
Nhiều người đã hướng sự chỉ trích về cách dạy học của cô giáo trong đoạn clip.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của VietNamNet đây là cách đánh vần theo chương trình sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại và giáo viên này đang tuân thủ đúng theo phương pháp của giáo trình này.
Anh Hoàng Văn, một phụ huynh ở Hà Nội có 2 con theo học chương trình Công nghệ giáo dục cho biết, sở dĩ anh chọn cho con mình theo học vì những ưu điểm của chương trình. Trong đó, anh đánh giá cao cách dạy tiếng Việt của chương trình.
Chương trình tiếng Việt Công nghệ giáo dục được áp dụng ở nhiều trường học miền núi.
Cô giáo Phạm Thị Khánh, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sơn Ba (huyện Sơn Trà, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: Chương trình này góp phần giúp học sinh dân tộc thiểu số làm quen với tiếng Việt và củng cố kiến thức vững chắc cho học sinh.
Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã được Hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT đánh giá là tạo ra một số nét khác biệt đáng ghi nhận trong phương pháp dạy học tiếng Việt.
Tài liệu này có những ưu điểm như: Vận dụng định hướng học qua thực hành, giúp học sinh hiểu khái niệm và có kỹ năng ngôn ngữ. Thông qua “chuỗi việc làm” trên lớp theo yêu cầu “thầy thiết kế, trò thi công” để học sinh tự hình thành kiến thức và rèn luyện kỹ năng đọc và viết. Đồng thời, giúp học sinh nắm vững các quy định về chính tả để viết đúng và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng. Phương pháp “lập mẫu” và “dùng mẫu” để học sinh tự lập ra các vần mới, tiếng mới có những hiệu quả nhất định. Một số hoạt động, chẳng hạn thao tác phân tích tiếng bằng tay, có phần khơi gợi được hứng thú của học sinh.
Tài liệu cũng được nhìn nhận là có một số hạn chế như: Việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với học sinh bản ngữ (tiếng Việt) không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp học bản ngữ,v.v..
Trong tương lai, nếu được nâng cao chất lượng, tài liệu này có thể được sử dụng như là một cuốn sách giáo khoa trong số những cuốn sách giáo khoa khác nhau khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” có hiệu lực.
Tác giả: Thanh Hùng
Nguồn tin: Báo VietNamNet