Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương đã phẫu thuật cắt vùng da gót chân và điều trị hoá chất cho bệnh nhân V.V.K. (62 tuổi, ở Hải Dương).
Bệnh nhân V.V.K. cho biết trước đó nhiều năm ông đã bị nứt gót chân. Cứ đến mùa đông, gót chân ông lại nứt nẻ, bắn máu, rất đau. Ông đã chữa trị bôi các loại thuốc, đắp các loại lá để gót chân mềm hơn, đỡ nứt nẻ nhưng bệnh chỉ giảm một thời gian sau đó lại tái phát. Cách đây hơn 3 tháng, phần gót chân bị nứt ngày càng nặng, chảy máu thường xuyên, vết loét lan rộng khiến ông đi lại và sinh hoạt khó khăn.
Bác sĩ khuyến cáo khi bị các dấu hiệu bất thường trên da, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám |
Khi đến bệnh viện khám, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán ung thư da hắc tố, phải phẫu thuật và điều trị kéo dài để bảo tồn bàn chân.
Theo bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Phó Trưởng Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương - Giảng viên Bộ môn Da liễu (Đại học Y Hà Nội), về lý thuyết, các vết thương mạn tính đều có thể ung thư hóa. Ung thư da là một trong 10 nhóm ung thư hay gặp ở Việt Nam.
Thống kê của Bệnh viện Da liễu cho thấy có 3 nhóm ung thư da, thứ nhất là ung thư tế bào đáy với những triệu chứng như tổn thương vùng tiếp xúc ánh sáng, có xu hướng loét, chảy máu, tăng sắc tố… Thứ 2 là ung thư tế bào vảy, bệnh nhân là nam giới bị chít hẹp bao quy đầu, các vết loét lâu lành, các nốt sùi do virus HPV… Thứ 3 là ung thư hắc tố trên nốt ruồi cũ hoặc mới xuất hiện với dấu hiệu hình dạng không đối xứng, màu sắc không đồng đều, dễ chảy máu, hay xuất hiện vùng gan bàn tay - bàn chân.
Do các dấu hiệu của nhiều bệnh về ung thư da không điển hình nên nhiều bệnh nhân chủ quan và khi đến bệnh viện khám và điều trị đã ở giai đoạn muộn. Chính vì thế, bác sĩ Minh khuyến cáo khi có dấu hiệu vết loét lâu lành, tổn thương tăng sắc tố thâm, đen, tổn thương sùi, chảy máu, dày sừng dạng điểm… bệnh nhân nên đi kiểm tra để sàng lọc sớm ung thư da.
Ngoài tình trạng nứt gót chân, các bác sĩ da liễu cũng khuyến cáo nhóm bệnh eczema là một căn bệnh ngứa da thường gặp trong mùa thu đông, khi thời tiết giao mùa. Người mắc bệnh này sẽ gặp phải các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, xuất hiện mụn nước, ngứa và nứt da... Việc sử dụng một số hoá mỹ phẩm như xà phòng, sữa tắm, thực phẩm hay tác động của thời tiết đều có thể là nguyên nhân kích thích vùng da này, từ đó gây bệnh eczema dẫn đến tình trạng nứt gót chân.
Với các vết nứt ở bàn chân hay gặp trong mùa đông hoặc do thay đổi thời tiết, dù không gây ung thư nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, cũng phải điều trị bằng các thuốc hoặc kem đặc trị có thành phần dưỡng ẩm. Trường hợp chân vẫn nứt gót, bệnh nhân có thể đến các chuyên khoa da liễu và loại trừ nguy cơ ung thư da.
Tác giả: Kh. Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động