Chúng tôi đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị kiểm tra, xử lý và thông báo kết quả. Hơn 100 ngày trôi qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn “lặng như tờ”, trong khi nhiều tình tiết mới dần được hé lộ.
Ông Đặng Hữu Liên, cán bộ hưu trí (Khối 17, thị trấn Hương Khê) có gần 43 năm công tác trong ngành Lâm nghiệp, trong đó gần 20 năm làm Giám đốc Lâm trường Hà Đông và là Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ (RPH) sông Ngàn Sâu, cho biết, ông nhói lòng khi nhìn thấy hàng trăm ha rừng bị chặt lấy gỗ và chiếm dụng đất trong khi chủ rừng và ngành Lâm nghiệp đã buông lỏng quản lý và có dấu hiệu bắt tay với lâm tặc. Đó là lý do ông Liên đã viết đơn kiến nghị, đơn tố cáo từ huyện lên đến tỉnh trong 3 năm qua.
Ngày 29/3/2016, Hạt Kiểm lâm Hương Khê có Báo cáo số 24BC-KL thừa nhận “tại Tiểu khu 251A, 257 đã có 171,32ha rừng bị chặt phá và lấn chiếm đất trồng rừng trái phép, trong đó có 127,9ha là RPH. Rừng bị chặt phá chủ yếu từ năm 2013 trở về trước”. Kiểm lâm thừa nhận, ở khu vực rừng thưa cây cũng đạt tới 13 – 14m3 gỗ/ha. Như vậy, cũng có tới 2.000m3 gỗ bị chiếm. Thiệt hại là rất lớn, nhưng đó là con số của năm 2013 trở về trước.
Còn năm 2014, 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, tình trạng chặt phá rừng vẫn diễn biến phức tạp, lan rộng thì phía cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh “ỉm” số liệu.
Điều đáng nói là, trong báo cáo của Hạt Kiểm lâm Hương Khê có 13 đối tượng tự công nhận phá rừng, chiếm đất trồng rừng trái phép 32,2ha tại Tiểu khu 251A và nhiều đối tượng khác trực tiếp phá 127,9ha RPH (trong tổng số 171,32ha rừng).
Vậy, tại sao Hạt Kiểm lâm không xử lý hoặc đề xuất xử lý đối với nhóm đối tượng vi phạm này? Nhiều người dân Hương Khê nói riêng và Hà Tĩnh bức xúc khi cơ quan chức năng của tỉnh có cách làm “không giống ai” trong xử lý vi phạm.
Cùng trên địa bàn huyện Hương Khê, bà Nguyễn Thị Hiền ở xã Hương Lâm thuê người phát hơn 1ha rừng kinh tế để trồng keo thì bị tòa xử phạt 4 năm tù giam. Vậy, những người quản lý rừng, bảo vệ rừng chịu trách nhiệm đến đâu khi 171,32ha rừng bị chặt phá, chiếm đất và 2.000m3 gỗ bị chiếm dụng? 13 đối tượng phá RPH tự nhận, xử lý sai phạm của nhóm đối tượng này ở mức nào? Những bất cập trên đây UBND tỉnh Hà Tĩnh có biết?
Trong khi những vấn đề nóng mà Báo Thanh tra đang tiếp tục làm rõ, thì những thông tin mới làm hé lộ việc yếu kém, dấu hiệu gian lận trong quản lý đất và rừng ở Hà Tĩnh đã có từ trước năm 2010. Vụ việc động trời là: Sai phạm trong việc chuyển đổi rừng tại Ban Quản lý RPH Ngàn Sâu.
Khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, cuối năm 2009, Ban Quản lý RPH Ngàn Sâu tự ý lập văn bản cắt đất sai thẩm quyền, chuyển 1.436,4ha rừng cho Công ty Cao su Hà Tĩnh, trong đó gần một nửa diện tích thuộc đất và rừng trồng của các hộ công nhân được giao khoán theo Nghị định 135. Đổi lại, Công ty Cao su Hà Tĩnh “trả” cho Ban Quản lý RPH Ngàn Sâu hơn 5 tỷ đồng dưới hình thức hỗ trợ thu hồi đất!
Một số người dân hiện tại vẫn đang yêu cầu làm rõ việc chi trả, sử dụng khoản tiền 5 tỷ đồng nói trên.
Ông Đặng Hữu Liên cho biết, đã gửi đơn tố cáo đến Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh hơn 1 năm nay nhưng các cơ quan trên vẫn chưa có thông báo trả lời đơn tố cáo hoặc các cơ quan chuyên trách được tỉnh giao trả lời đơn. Như vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã vi phạm Điều 21 (thời hạn giải quyết tố cáo) Luật Tố cáo năm 2011: “Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo”.
Đồng thời, UBND tỉnh Hà Tĩnh vi phạm quy định tại Điều 3, Nghị định 51/2002 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Báo chí để trả lời Báo Thanh tra: “Khi cơ quan Nhà nước, tổ chức Đảng, tổ chức xã hội (gọi chung là tổ chức) và người có chức vụ nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí, trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày nhận được hoặc từ ngày báo chí đăng, phát thì người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ phải thông báo cho cơ quan báo chí kết quả hoặc biện pháp giải quyết. Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí”.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới.
Thế Lữ