Pháp luật

Ông Trần Bắc Hà vi phạm gì tại BIDV?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Trần Bắc Hà vi phạm rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu khi chủ trương duyệt cho Phạm Công Danh vay 4.700 tỉ đồng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) vừa phát đi thông cáo về kỳ họp thứ 26, trong đó có kết luận về các vi phạm liên quan đến Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Trong đó kết luận ông Trần Bắc Hà (62 tuổi, nguyên bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐQT BIDV) vi phạm rất nghiêm trọng, phải xem xét kỷ luật.

Đã bị nhắc đến trong kết luận điều tra

Theo hồ sơ chúng tôi có được, ông Trần Bắc Hà đã được nhắc đến trong kết luận điều tra (giai đoạn 2) của vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Theo hồ sơ vụ án, dưới chỉ đạo của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai (lãnh đạo VNCB) đã ký 12 văn bản gửi BIDV hội sở chính về việc giới thiệu 12 khách hàng, đề nghị cho vay 4.700 tỉ đồng với cam kết: Trường hợp 12 khách hàng (các công ty) không đáp ứng được điều kiện về tài sản đảm bảo theo quy định của BIDV thì VNCB sẽ dùng tài sản, tiền gửi của VNCB để đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán với BIDV.

Giữa tháng 9-2013, Ban khách hàng doanh nghiệp thuộc hội sở chính BIDV lập 12 tờ trình đưa lên cho ông Đoàn Ánh Sáng, phó tổng giám đốc phụ trách, xem xét phê duyệt.

Sau đó ông Đoàn Ánh Sáng phê duyệt vào 12 tờ trình là “Đồng ý, xin chủ trương phó tổng giám đốc Trần Lục Lang và tổng giám đốc. Ủy quyền cho giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp tín dụng”.

Bị cáo Phạm Công Danh và Trầm Bê tại phiên xử ngày 7-2. Ảnh: HY

Hồ sơ vay được chuyển đến Ban quản lý rủi ro tín dụng thẩm định và nơi đây tiếp tục soạn thảo văn bản, trình lên ông Trần Lục Lang, phó tổng giám đốc phụ trách, đề nghị: Chấp thuận chủ trương cấp tín dụng đối với các công ty; xem xét cho vay…

Theo kết luận, ông Trần Lục Lang ký duyệt rồi trình lên Ủy ban quản lý rủi ro của BIDV cho chủ trương.

Cho vay mà không thẩm định

Từ văn bản của Ủy ban quản lý rủi ro, ngày 3-10-2013, ông Trần Bắc Hà, trưởng Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban quản lý rủi ro của BIDV ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay, giao các chi nhánh thực hiện tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định khách hàng, phương án kinh doanh, xem xét quyết định cấp tín dụng đảm bảo khả năng thu đủ nợ gốc và lãi.

Cùng ngày, ông Trần Lục Lang ký 12 công văn gửi bốn chi nhánh Bến Thành, Gia Định, Nam Sài Gòn và Sở giao dịch 2. Theo đó, Hội sở chính chấp thuận chủ trương cho vay, giao các chi nhánh tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định phương án kinh doanh, quyết định cho vay đối với các phương án kinh doanh có hiệu quả đảm bảo khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi; hoàn tất các thủ tục thế chấp tài sản đảm bảo theo quy định.

Sau đó các chi nhánh giải ngân 4.700 tỉ đồng cho 12 công ty như số tiền hội sở đã phê duyệt.

Theo cơ quan điều tra, 12 công ty do Phạm Công Danh thành lập đã đưa bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo, bảo lãnh cho khoản vay, thế nhưng BIDV không kiểm tra, thẩm định.

Sau khi giải ngân, BIDV có yêu cầu 12 công ty cung cấp bổ sung hồ sơ, hóa đơn chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa và phối hợp để BIDV kiểm tra việc sử dụng vốn vay nhưng các công ty không cung cấp.

Sau khi BIDV chuyển tiền, Phạm Công Danh đã sử dụng vào mục đích cá nhân (phần lớn dùng cho mục đích tăng vốn điều lệ Ngân hàng Xây dựng dưới hình thức các cá nhân là người nhà, người thân tín của Phạm Công Danh), gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra cũng xác định BIDV không yêu cầu khách hàng cung cấp báo cáo tài chính như quy định của chính BIDV; chấp nhận tài sản đảm bảo gồm bất động sản của bên thứ ba…

Từ các căn cứ trên, ngày 26-10-2017, cơ quan điều tra kiến nghị xử lý hành chính đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch HĐQT; Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang và 10 người khác của BIDV.

Hiện vụ án cố ý làm trái nêu trên đang được điều tra bổ sung theo quyết định trả hồ sơ của tòa sau gần một tháng xét xử.

Ông Trần Bắc Hà vi phạm rất nghiêm trọng

Theo UBKTTƯ, ông Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCB.

Ông Đoàn Ánh Sáng và ông Trần Lục Lang cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy; cùng chịu trách nhiệm đối với một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ có vi phạm; chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng.

Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng; các ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang là nghiêm trọng, phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Tại phiên tòa ngày 7-2, TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ vụ cố ý làm trái của bị cáo Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB), Trầm Bê và các đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng VNCB sau gần một tháng xét xử.

Theo HĐXX, nếu không có hành vi trái pháp luật của những người có trách nhiệm tại bốn ngân hàng Xây dựng, Sacombank, BIDV và TPBank thì ông Danh không thể vay bằng hồ sơ khống. Do đó, VKS đề nghị HĐXX kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý với những cá nhân có trách nhiệm tại bốn ngân hàng nêu trên.

Tác giả: HOÀNG YẾN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

  Từ khóa: Ông Trần Bắc Hà , vi phạm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP