Nhân dịp năm mới 2019, VnExpress có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
- Chính phủ của năm 2018 là "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", sang năm 2019 hai chữ "bứt phá" được thêm vào phương châm hành động. Điều này có ý nghĩa như thế nào thưa ông?
- Kỷ cương, liêm chính là nội dung xuyên suốt trong điều hành của Chính phủ. Năm 2019, Chính phủ đặt yêu cầu sáng tạo, bứt phá, phát triển mang tính hiệu quả. Đây là thời gian cuối của nhiệm kỳ nên "bứt phá" rất quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra. "Bứt phá" cần phải thực hiện trong nhiều lĩnh vực, nhưng tựu lại là về thể chế, cơ chế chính sách... Để thực hiện bứt phá cần sự đột phá rất mạnh, khi thực tiễn cuộc sống đòi hỏi thì Chính phủ tạo điều kiện để thí điểm, sau đó có tổng kết xây dựng Luật.
Trong sửa đổi Luật, do rất mất thời gian nên cái gì vướng mắc nhất thì sửa trước, không dỡ tung ra rất khó làm. Đột phá về cơ chế chính sách thì phải rất mạnh mẽ. Chúng ta có 5.000 hộ kinh doanh cá thể, nếu không có cơ chế bứt phá thì không ai chuyển thành doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 18 về tinh giản biên chế, nếu không bứt phá mạnh mẽ thì không thể làm, làm mà hiệu quả không cao thì không ổn. Năm 2019, chúng ta phải làm tốt công toán thanh toán điện tử, phải có liên kết, có dịch vụ công trực tuyến minh bạch, công khai. Từ đó, giảm tham nhũng vặt.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước khi phát biểu tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương đã nói "các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2019 phải cao hơn 2018". Muốn được như vậy thì cần sự quyết tâm của cả đội ngũ cán bộ công chức, cả hệ thống chính trị chứ không riêng Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Hà Nguyễn |
- Để có "đột phá" thì cán bộ là lực lược quan trọng nhất. Mới đây Trung ương cũng đã ban hành nghị định nêu gương, vậy Chính phủ và bản thân ông sẽ thực hiện quy định này như thế nào?
- Sau khi Trung ương ban hành quy định, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã giao cho Ban cán sự Đảng Bộ nội vụ nghiên cứu, khi nào xong sẽ ban hành. Tôi thấy rằng trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương rất quan trọng, để mỗi người phải tự soi xét mình, vị trí càng cao thì tính nêu gương càng phải tự giác hơn.
Là thành viên Chính phủ, tôi nghĩ việc đầu tiên là rèn luyện bản thân, làm tốt chức trách được giao. Văn phòng Chính phủ là cơ quan tham mưu mà không dám đề xuất hành động, chỉ rụt rè thì cũng không được. Có những việc Thủ tướng băn khoăn, yêu cầu Bộ trưởng chủ nhiệm VPCP cho ý kiến thì tôi phải có báo cáo riêng. Nếu sai tôi phải chịu trách nhiệm.
Những chỉ thị, tham mưu thì phải mang tính mạnh mẽ. Như tham mưu ban hành Chỉ thị 34 liên quan đến Tết thì bản thân tôi phải gương mẫu. Quy định không đi xe công vào chùa chiền, miếu mạo là mình không được đi.
Tôi sang Liên Bang Nga thấy rất hay, mỗi người dân là một cơ quan báo chí. Rác đổ không đúng chỗ, hay ôtô đỗ không đúng nơi quy định là người dân bấm máy điện thoại chụp và gửi ngay cho cơ quan nhà nước. Ở mình cũng vậy, trong thời đại công nghệ 4.0, mỗi cán bộ phải ý thức là đi đâu cũng có người dân giám sát.
- Quy định của Trung ương có nêu "không để người thân vợ con sống xa hoa, lãng phí". Bộ trưởng có quy nghĩ gì về quy định này?
- Quy định này rất đúng. Xa hoa lãng phí là không tiết kiệm, phô trương, những đồ không cần thiết vẫn mua. Điều này khác với việc gia đình, dùng những đồ tốt phục vụ cuộc sống. Con mặc bộ quần áo đẹp, đeo chiếc đồng hồ tốt một chút cũng là chuyện bình thường.
Chính phủ nhiệm kỳ này cũng ban hành nhiều chương trình hành động để thực hiện các nghị quyết Trung ương, đặc biệt là nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, 12, chống các tư tưởng thoái hóa, biến chất. Vấn đề chấn chỉnh công tác cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ công chức của cả hệ thống chính trị cũng được thực hiện.
Quy định nêu gương trong thời điểm quy hoạch cấp chiến lược rất quan trọng vì nó tạo ra sự tự giác và sự giám sát của người dân, cộng đồng dân cư rất rõ nếu anh không nêu gương vì cái này công khai mọi người đều biết.
- Bộ trưởng từng nói, người làm cải cách phải đau đáu, tâm huyết mới làm được. Cán bộ làm cải cách phải dám đối mặt, đương đầu với lợi ích nhóm. Vậy Bộ trưởng đã phải đối mặt với vấn đề này như thế nào?
- Tôi có trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là phải thu phí vì đầu tư thông qua cơ chế chính sách thì phải thu phí lại để hoàn vốn. Nhưng lệ phí thì phải xem xét điều chỉnh, cần thiết thì phải bãi bỏ. Thực tế, có quy định lệ phí chỉ hơn 1 triệu đồng, nhưng khi người ta đến nộp thì lệ phí chính thức ít mà lệ phí phi chính thức thì nhiều.
Tôi đi làm việc, có sự tham dự của báo chí nên mọi vấn đề đều công khai, minh bạch. Nói sai tôi chịu, nhận lỗi, nói đúng thì không sợ, vì làm có phải để mang về nhà tôi đâu. Bảo cắt cái này cái kia rồi mang về nhà tôi thì mới sợ. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng mạnh mẽ như thế mà mình không làm thì mình có tội, thấy những việc trướng tai gai mắt mà mình cứ lờ đi là không được. Thế thì làm sao gọi được là Tổ công tác, cơ quan tham mưu, cơ quan phát hiện để ngăn ngừa.
Bản thân tôi từ quê, cũng tham gia doanh nghiệp rồi nên nỗi khổ của dân, doanh nghiệp chúng tôi biết rồi. Nếu người ta có cơ hội trong một thời gian tích tắc thì người ta sẽ nên cơ đồ. Nếu mất cơ hội thì cũng thôi luôn.
Tác giả: Hoàng Thùy
Nguồn tin: Báo VnExpress